| 08-12-2011 | 00:00:00

Mạnh mẽ hơn khi biết chiến thắng bản thân...

“Em có lo lắng gì không, đời tư của em có ảnh hưởng không khi chị đưa chuyện của em lên báo?”. “Không chị ạ, ngược lại em còn muốn nhiều bạn trẻ biết được chuyện không hay ho gì của em để tránh. Họ sẽ đỡ mất những năm tháng rất tươi đẹp của tuổi thanh xuân...”. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu như thế...

5 năm một thời... quậy phá!

Tranh thủ lúc em nghỉ giải lao khi mới lau xong mấy bức tranh sơn mài ở tượng Phật nhập Niết bàn chùa Hội Khánh, tôi hỏi chuyện nhóm làm công quả của Trần Thị Mỹ Hạnh (TX.TDM). Hóa ra là một câu chuyện dài, cảm động, đầy bất trắc mà em đã từng sống. Sinh năm 1989, “thành tích” bỏ nhà đi bụi 5 năm, sự từng trải như ánh lên đôi mắt riêng gương mặt em hãy còn non nớt. Hạnh chỉ chịu “dừng bước giang hồ” khi một lần nghiệm ra rằng, ba mẹ quá khổ vì mình. Cuộc đời quá ngắn sao không “nâng niu” nó mà còn nỡ “phá phách” nó thế này? 

Hạnh (phải) đang cùng bạn làm công quả tại chùa Hội Khánh

Hạnh kể, nhà em đông chị em, đến 8 người. Ba mẹ giỏi buôn bán và có xe du lịch cho thuê nên mấy chị em không đến nỗi thiếu thốn. Nhưng những chuyến đi xa (chở khách) của ba mẹ cứ làm cho em lo lắng, khắc khoải và thấy cô đơn nữa. Và khi buồn thì... chán thay em không cố gắng học hành, đọc sách, chăm em út mà lại bỏ đi chơi, tụ tập với bạn bè. Mới 17 tuổi, đang học lớp 11, Hạnh bỏ học và “đã biết lập nhóm để chơi bời, quậy phá”. Vũ trường, quán nhậu, quán karaoke... là nơi Hạnh cùng các bạn tìm đến để “giải tỏa nỗi buồn”.

Đánh nhau, yêu đương, ghen tuông... đủ hết tất cả các “cung bậc” tình cảm Hạnh đều trải qua. Cô bé cứ nhắm mắt đưa chân và không ít lần hoang hoải nhìn vào trống vắng để tự hỏi có ai bên mình, có ai tốt đẹp để giúp mình?... Ngay cả người yêu cũng “hùa theo” ăn chơi phá phách chứ không khuyên can gì cô. Bạn bè khi có tiền rủng rỉnh thì vui vẻ, khi không có tiền cũng hết cả tình thương. Nhưng đã như con thiêu thân, Hạnh cứ “trôi” đi trong cuộc sống vô định như thế trong 5 năm trời. Mẹ em khóc hết nước mắt vì con. Công việc nhiều khi cũng gặp khó khăn và có lần, đi theo xe cùng chồng, bà bị mắt cắp một số tiền hơn 100 triệu đồng. Bàng hoàng, thẩn thờ nhưng bà vẫn cố vượt qua bất trắc mà lo cho con. Bà tin rằng một ngày nào đó con gái mình sẽ nghĩ lại và làm người tốt. Bà mong mỏi con gái mình nhận ra những lỗi lầm của nó mà nghĩ lại, biết yêu thương ba mẹ, biết quý cuộc sống...

Thế rồi một lần, buồn sự đời, Hạnh lang thang đến chùa Hội Khánh chơi. Cô hỏi xin thầy “cho con vô chùa làm công quả để thấy mình có ích một chút, được không thầy?”. Cô đi làm công quả, làm từ thiện, chăm lo các hoạt động xã hội và dần dần, nẻo thiện mở ra đón cô bé từng sa ngã vì những thú vui nông nổi này. Hiện tại, nhóm của Hạnh hơn 10 bạn cứ đến cuối tuần là vào lau sàn nhà, lau tượng, lau lan can... Vừa quét dọn, mọi người vừa chăm chú nghe thầy thuyết giảng bên hội trường về những bài học làm người...

Hạnh giờ đã lấy lại “thăng bằng” cho cuộc sống. Cô làm công nhân cho một công ty Nhật Bản ở KCN Việt Nam - Singapore. Nếu đi ca một, Hạnh đi làm từ 4 giờ sáng đến 13 giờ. Đi ca 2 sẽ từ 13 giờ đến 21 giờ. Để một cô gái sống không biết ngày mai như thế “gò mình” trong khuôn khổ của phân xưởng làm việc để nhận mỗi tháng hơn 3 triệu đồng quả là điều khó thật. Nhưng Hạnh cũng được đền đáp xứng đáng bởi cô nói giờ mình đã “chiến thắng được bản thân”. Niềm vui lớn nữa của em là ba mẹ yên lòng khi em không còn “bỏ nhà đi bụi nữa”...

Chưa dừng lại ở bản thân mình, Hạnh còn rủ thêm 4 chị em trong nhà và mấy người bạn nữa để đến chùa cùng làm việc thiện. Đều đặn hàng tuần, Hạnh cùng các em: Minh Châu, Vĩnh Thịnh và Cát Tường đến chùa làm công quả hay đi làm những công việc thiện nguyện khác. Ngoài người thân trong gia đình, bạn của Hạnh là Lý Nguyễn Ngọc Dung (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) cũng được Hạnh “mời gọi” đi làm việc thiện để thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn nhiều.

Nhìn lại quãng thời gian “không vui” trước đây, Hạnh mỉm cười như là đã mãn nguyện với mình...

Vì mẹ, em “dừng bước giang hồ”!

Chưa “dũng cảm” như Hạnh nên Hùng vẫn chưa cho tôi nói về địa chỉ cụ thể của em. Một nguyên nhân sâu xa nữa là: “Bởi, em sợ công việc đang làm ảnh hưởng, lại thất nghiệp và làm mẹ buồn...”. 

Một người bạn của Hạnh

đang lau những bức tranh sơn mài

Cũng có... thành tích bỏ học và đi bụi nhưng Hùng bỏ học sớm hơn Hạnh. Mới lớp 9 cậu đã “ngán sách vở, trường lớp” và nghỉ ngang tuy nhiên hơn một năm sau, mẹ cậu mới biết. Bởi bà thấy bạn bè con mình lo toan chuyện nhập trường cấp 3 nhưng con mình cứ bình chân như vại. Hóa ra, bà lo làm lụng vất vả suốt ngày ở chợ và cứ tưởng con mình vẫn học hành đàng hoàng nhưng không ngờ nó đã bỏ học, lâu nay tá túc nhà bạn để “qua mặt” mẹ!

Thương con, mẹ Hùng lụi cụi dẫn con đi làm hồ sơ vào một trường nghề để học liên thông nhưng “tốc độ” phá phách của Hùng lại càng tăng lên. Vào học nội trú, không còn ai quản thúc nên anh chàng... cặp bồ, đem bạn gái về “ra mắt” và “mẹ nuôi luôn giùm con”. Tiếp đó là theo bạn bè đi trộm cắp vặt. Không “từ chối” việc gì từ bẻ kính xe ô tô đến giật dọc, đánh nhau để giành “địa bàn hoạt động”. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi Hùng bị bắt và chịu cảnh “cơm tù”, bị “đại bàng tẩn cho”, “đồ thăm nuôi mẹ nhờ gửi vào cũng chẳng được dùng cho mình”... là những kỷ niệm khó quên của Hùng trong những ngày trả giá cho hành động nông nổi.

Ra trại, Hùng lại được mẹ chăm chút, yêu thương như anh chàng chưa hề làm gì sai trái. Nhìn tóc mẹ bạc hơn, dáng hao gầy hơn và mẹ càng thức khuya dậy sớm mưu sinh, lo cho con hơn làm Hùng nhiều lần rơi nước mắt. “Chị không biết được cảm giác của đứa con trai thương mẹ, muốn đỡ đần mẹ một chút gì đó nhưng lại sợ người ta đàm tiếu, xì xào bàn tán như thế nào đâu. Mỗi rạng sáng, em cứ phải mâu thuẫn với chính mình giữa việc ra chợ giúp mẹ hay tiếp tục ru rú ở nhà. Đó là quãng thời gian khó khăn của em. Nó như một cuộc chiến với bản thân mình vậy. Nhưng em biết, nếu buông xuôi một chút là em lại... ngựa quen đường cũ”. Dường như đọc được suy nghĩ của con, mẹ em an ủi rất nhiều và bảo em hãy cứ... tịnh tâm, ở nhà một thời gian chứ đừng nghĩ đến việc đi làm...

Nhờ một người thân giúp đỡ, mẹ Hùng xin cho con trai vào làm việc ở một xưởng mộc với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian học việc và có kinh nghiệm, Hùng xin đi làm công nhân cho một công ty nước ngoài với mức lương hơn 4 triệu đồng. Theo Hùng nói là “đỡ được cho mẹ đồng nào hay đồng nấy vì em ý thức được rằng mẹ đã già, mẹ đơn thân nuôi con chừng ấy năm nhưng chưa được con cái bù đắp cho chút yêu thương, ngọt bùi”. Báo hiếu, lo cho mẹ từ tình cảm đến vật chất, rảnh ra là em đi công tác thiện nguyện tại những trung tâm xã hội để thấy mình có ích là điều chàng trai trẻ này đang phấn đấu để thực hiện mỗi ngày...

Hai bạn trẻ tôi gặp là người từng lầm lỗi. Hai bạn trẻ này cũng đã nhận thấy giá trị của lao động, của đồng tiền mình làm ra. Hạnh nói: “Ngày trước đi vũ trường, uống rượu ngoại có đêm vài triệu như chơi. Nghĩa là bằng tháng lương của em bây giờ. Thế mới biết quý hơn nữa công sức, quý hơn nữa cuộc sống này”...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ