| 06-05-2019 | 07:07:49

Một lần đến Điện Biên- Bài 2

Trên hành trình về với Điện Biên Phủ, lần theo các dấu tích xưa - nơi ghi đậm những chiến công mà dân tộc ta phải trả giá bằng biết bao nhiêu đau thương mất mát, những vần thơ cách mạng vốn đã thuộc nằm lòng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bỗng nhiên cứ ùa về trong tâm trí, trong niềm xúc động đến nghẹn lời: Không nỗi đau nào của riêng ai/ Của chung nhân loại chiến công này/ Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau, thắm những ngày? (Việt Nam máu và hoa - Tố Hữu)

Du khách trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái tham quan Khu di tích đồi A1. Ảnh: THÀNH SƠN

Hang Co Phường - khúc tráng ca

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi... Âm hưởng của những vần thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã thôi thúc chúng tôi quyết định lên Điện Biên Phủ theo hướng đường mà “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” của ông hành quân và những chiến sĩ dân công vận tải lương thực lên chiến trường năm xưa, thay vì di chuyển bằng đường hàng không theo kế hoạch. Và thế là hành trình “Tây Tiến” của chúng tôi bắt đầu từ TP.Thanh Hóa đi qua các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lạc, Lãng Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, ngược theo dòng sông Mã anh hùng.

Sông Mã, cầu Hàm Rồng là những biểu tượng anh hùng của xứ Thanh. Ở dưới hạ lưu nơi có cầu Hàm Rồng, con sông này trông hiền hòa biết bao nhưng càng ngược lên phía thượng nguồn, nó không khác gì một con sông dữ. Chúng tôi đi trên con đường độc đạo chênh vênh, phía bên trong là vách núi dựng đứng, phía ngoài là vực sâu và bên dưới “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Mỗi khi xe đang chạy dưới chân dốc hay leo trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt ra xa, con đường “Tây Tiến” trông như một dải lụa mềm vắt qua lưng chừng các ngọn núi. Trong một sự liên tưởng miên man, tiếng gầm của sông Mã không chỉ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên mà còn là tiếng gầm của lịch sử, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bất chấp những mất mát đau thương...

Vâng! Đau thương nhưng là một khúc tráng ca. Tại bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, có hang Co Phường, một chứng tích bi tráng và thiêng liêng, nơi 11 anh, chị (có thông tin là 16) dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong khi đang trú trong hang thì bị quân thù thả bom, đánh sập hang, vĩnh viễn bị chôi vùi trong đó khi tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến trường Điện Biên Phủ” đã thôi thúc biết bao nhiêu người con thân yêu của đất nước băng mình trong mưa bom, bão đạn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Ngày ấy, phần lớn lương thực, thực phẩm chủ yếu tập kết ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sau đó được dân công hỏa tuyến tổ chức ngày đêm vận chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ trên quãng đường “như một dải lụa mềm vắt qua lưng chừng các ngọn núi” khoảng 500km.

Bản Sại đây rồi. Hang Co Phường thiêng liêng đây rồi. Trong chiến dịch Thượng Lào, hang Co Phường là một căn cứ trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược lên chiến trường. Nhằm ngăn chặn hoạt động của ta trên cung đường huyết mạch này, địch đã tổ chức rất nhiều đợt tấn công, cho máy bay oanh tạc, trút hàng vạn quả bom. Ngày 2-4-1953, máy bay Pháp thi nhau ném bom bắn phá khu vực hang Co Phường, nhiều quả bom đã ném trúng, làm sập hang. Trong cái ngày định mệnh ấy, theo bút tích ghi trên văn bia, 11 anh chị đã bị chôn vùi, vĩnh viễn nằm lại trong hang. Anh Hà Văn Bức, dân tộc Thái, một người trông coi khu di tích vào thời điểm chúng tôi ghé viếng thăm, trầm giọng kể: “Nhiều người dân đến đây viếng thăm đã cúi đầu trước cửa hang khóc nức nở!”. Anh còn bảo: “Ngày trước khi chưa có lễ cầu siêu, khu di tích chưa được xây dựng, bà con dân tộc Thái ở bản Sại vẫn truyền tai nhau câu chuyện về những đêm trăng thanh gió mát, họ vẫn thấy những bóng người nườm nượp hành quân...”. Bây giờ, hang Co Phường đã được xây dựng thành khu di tích, có văn bia tưởng niệm, các anh chị đã có nơi thờ cúng linh hồn. Và, vỏ quả bom đánh sập hang Co Phường vẫn trơ trơ nằm đó, như lưu giữ một chứng tích tố cáo tội ác của chiến tranh. Thắp những nén nhang tưởng niệm hương hồn các anh chị, chúng tôi đứng lặng người. Hang Co Phường linh thiêng đến độ, bất cứ ai đến viếng thăm, đều dễ cảm nhận thấy sự thánh thiện của tâm hồn...

Sống như các anh...

Chúng tôi lên Điện Biên lúc nửa đêm, mang theo niềm vấn vương của nếp xôi Hòa Bình, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”! Từ Thanh Hóa, qua Hòa Bình, Sơn La tới Điện Biên phải đi qua dốc Pha Đin (nay gọi là đèo Pha Đin), một địa danh gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là điểm đầu của con đường kéo pháo huyền thoại của ta vào trận địa. 32km đường đèo với cơ man nào là những khúc cua gấp khuỷu tay (hình chữ V) mà phía ngoài đinh cua là vực sâu thăm thẳm. Âm hưởng sục sôi của ca từ “Hò kéo pháo” lại vọng về: Dốc núi cheo leo/ Lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm/ Vực nào sâu bằng chí căm thù...

Trải qua hơn 1 giờ đồng hồ rợn ngợp trên đèo Pha Đin, hình ảnh Điện Biên đã ùa vào trong tầm mắt. 8 giờ sáng, TP.Điện Biên Phủ vẫn còn mơ màng, như một bông hoa đang hé nở trong một thung lũng lòng chảo, e ấp trong làn sương ban mai. Thật không thể tin nổi, nơi đây năm 1954 là một chiến trường ác liệt, với những cứ điểm Him Lam, Độc Lập, đồi A1, D1… giao tranh đẫm máu, nay đã trở thành một thành phố đẹp như tranh vẽ với phông nền là núi non trùng điệp, lung linh huyền ảo.

Tạm cưỡng lại sự quyến rũ của thành phố này, chúng tôi tìm đến Nghĩa trang đồi A1, còn có tên gọi khác là Nghĩa trang Điện Biên, được xây dựng từ năm 1958. Ở Điện Biên có 3 nghĩa trang dành cho các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập và Nghĩa trang đồi A1. Riêng Nghĩa trang đồi A1 chủ yếu là dành cho các liệt sĩ chưa tìm thấy tên, với 664 ngôi mộ bia trắng không có tên, vì tên các anh đã hòa vào tên chung của đất nước. Đặc biệt, đây là nơi yên nghỉ của 4 liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và Bế Văn Đàn.

Hòa trong dòng người đi viếng nghĩa trang, chúng tôi tìm đến các phần mộ của các anh Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và Bế Văn Đàn. 4 ngôi mộ đều được nằm ở vị trí trang trọng, chia thành 2 bên, đối diện với nhau. Trước phần mộ anh hùng Tô Vĩnh Diện, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cựu binh già trong bộ quân phục với tấm áo Trấn Thủ, lặng lẽ thắp hương, rồi đứng thẳng người, cúi đầu khá lâu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi ta kéo pháo vào trận địa, rồi theo phương án tác chiến mới, lại phải kéo pháo ra. Trong quá trình đó, đoạn ở dốc Chuối rất nguy hiểm do đường hẹp và cong. Anh Tô Vĩnh Diện cùng một đồng đội xung phong kéo pháo, nửa chừng thì dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống vực. Anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo thẳng, nhưng 1 trong 4 sợi dây kéo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh hơn, đồng đội bị văng xuống suối. Trong tình thế hiểm nghèo, anh hô lớn: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo”! Rồi anh buông tay lái, lao lên phía trước, lấy thân mình nằm chèn vào bánh xe, nhờ đó mà đồng đội kịp kìm giữ cho pháo dừng lại...

Còn trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, lúc ấy có lệnh phải giữ bằng được chốt Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, anh hùng Bế Văn Đàn đã xung phong vượt qua lửa đạn dày đặc của địch để truyền lệnh rồi ở lại chốt cùng chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị ngừng phát hỏa lực vì xạ thủ đã hy sinh, khẩu trung liên khác thì chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế cấp bách, anh đã cầm 2 chân khẩu trung liên rồi đặt lên vai của mình và hô to giục đồng đội “Bắn!”. Thấy đồng đội còn do dự, anh quả quyết: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng đi!”.Và anh đã hy sinh khi 2 tay vẫn còn ghì chặt chân súng trên vai...

Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang vươn mình trong đổi mới, nhưng với chúng tôi khi được đến thăm Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, nghiêng mình trước những tấm bia mộ của các anh hùng liệt sĩ có tên và không có tên, vẫn thấy âm vang Điện Biên vọng về: Hãy sống như các anh! (còn tiếp)

Máu không chỉ đổ ở hang Co Phường, mà còn tại nhiều nơi, nhiều cứ điểm trên con đường “Tây Tiến”. Trên toàn chiến dịch, máy bay địch thường xuyên bắn phá ở các khu vực như đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin và những đầu mối giao thông khác, đặc biệt là ở ngã ba Cò Nòi. Tại đây, trung bình mỗi ngày, địch ném xuống khoảng 70 tấn bom, chủ yếu là bom nổ chậm. Vì vậy, có biết bao nhiêu xương máu của hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã đổ xuống hoặc phải vĩnh viễn nằm lại nơi này. Có lần, cả 1 trung đội dân công trúng bom, bị thương vong gần hết. Tại cây số 13, đoạn từ Tuần Giáo đi Điện Biên, đoàn dân công Tam Nông và Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ cũng bị trúng bom, hy sinh 90 người...

THÀNH SƠN

 

Chia sẻ