Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm khuyến khích, vận động người dân sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, có giá thành hợp lý để dần chiếm lĩnh thị trường nội địa… ngày càng mang lại hiệu quả. Mới đây, ngày 20-12, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” cũng nhằm mục đích tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng thuốc trị bệnh được sản xuất trong nước với phương châm “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”…
Chất lượng thuốc chữa bệnh kém có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh bệnh nhân. Vì thế, để hướng đến mục đích làm sao ngày càng có nhiều người dân tin dùng, sử dụng thuốc nội thì chất lượng thuốc là yêu cầu hàng đầu. Theo nhiều chuyên gia, lãnh đạo các sở y tế thì: muốn người dân tin tưởng và sử dụng thuốc Việt, yếu tố đầu tiên quyết định là yếu tố chất lượng chứ không phải là giá cả. Bởi thực tế cho thấy thời gian qua, thuốc nội chiếm thị phần nhiều ở các bệnh viện thuộc về các doanh nghiệp tập trung đầu tư cao cho chất lượng và có thử tương đương sinh học với thuốc gốc; đơn vị nào đầu tư vào chất lượng đối với những loại thuốc đặc trị mà thị trường còn thiếu thì mới thành công, chứ không nên đầu tư trùng lặp vào những mặt hàng thông thường.
Bên cạnh đó, muốn thuyết phục người sử dụng thì thuốc nội phải chứng minh được chất lượng chứ không phải kêu gọi “suông”. Mà muốn chứng minh được chất lượng thì bản thân doanh nghiệp phải tổ chức truyền thông và chứng minh bằng những dữ liệu khoa học là thuốc do đơn vị mình sản xuất tương đương với thuốc ngoại về sinh học, điều trị… thông qua việc phải đầu tư làm tương đương sinh học giữa thuốc nội và thuốc ngoại, đánh giá chất lượng điều trị giữa thuốc nội và ngoại trên một số lượng bệnh nhân nào đó và xem đây là đầu tư cho phát triển!
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế để thuốc Việt phát triển, ngoài các giải pháp về chính sách, thương mại thì cần có giải pháp về kỹ thuật. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá sinh khả dụng và tính tương đương sinh học với thuốc ngoại, phải chứng minh được thuốc Việt có chất lượng cao, hình thức bao bì đẹp, giá thành rẻ… Tới đây, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh quy định kê đơn để ưu tiên cho thuốc Việt, danh mục thuốc do ngân sách và bảo hiểm y tế chi trả sẽ ưu tiên đưa thuốc sản xuất trong nước và thuốc thông thường…
Mới chỉ là giai đoạn đầu tuyên truyền, phát động “Con đường thuốc Việt”. Để con đường này sớm đến đích cần rất nhiều nỗ lực, cùng với những giải pháp nói trên thiết nghĩ cũng nên quan tâm đến vấn đề hạn chế danh mục đăng ký thuốc ngoại nhập, nhất là những loại thuốc tương đương mà các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được!
DÂN THƯỜNG