Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Đặc biệt, luật còn xác định rõ trách nhiệm cụ thể từng trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức; đồng thời quy định rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất; Chủ tịch UBND cấp huyện, trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất. Chủ tịch UBND cấp xã, trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất.
Cán bộ, công chức được phân công làm công tác tiếp dân cần có tác phong nghiêm túc, chỉnh tề, thái độ lịch sự, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc và tuyệt đối không được ra vẻ hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Việc ứng xử giao tiếp với công dân là công tác rất quan trọng; bởi người cán bộ, công chức đó đang thay mặt cơ quan Nhà nước để lắng nghe, xem xét công việc, nguyện vọng của dân; thế nên, trong bất kỳ tình huống nào cán bộ tiếp dân cũng cần biết lắng nghe, thể hiện tôn trọng, giải tỏa phần nào tâm trạng ức chế của người dân, tạo dựng niềm tin ban đầu cho họ; qua đó mà giải thích, hướng dẫn sự việc theo đúng quy định pháp luật.
Đây cũng là điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc bày tỏ nguyện vọng, đóng góp ý kiến tâm huyết, phản ánh những điều còn trăn trở... giúp cho các cấp chính quyền, tổ chức tiếp cận, lắng nghe; thông qua đó mà các cấp chính quyền nắm bắt thực tiễn cuộc sống sinh động, hiểu rõ ý nguyện lòng dân. “Muốn hiểu thì phải nghe” và để “được nghe” thì cán bộ tiếp dân phải “biết lắng nghe” với thái độ tôn trọng, cầu thị thì mới khuyến khích người dân vượt qua nỗi e dè để nói; để người dân thấy rằng ý kiến của họ được trân trọng, được tiếp thu đầy đủ và có niềm tin: sự việc này sẽ được xem xét giải quyết thấu đáo.
Làm tốt việc tiếp công dân sẽ giảm bớt khiếu kiện của dân, bớt thiệt thòi cho người dân. Làm tốt việc ứng xử, giao tiếp với người dân cũng chính là góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”; tác động tích cực đến tình cảm, vun đắp niềm tin giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng thêm bền vững.
THANH NHÀN