Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) 36 tuổi, chị Lê Thị Cẩm Vân ở phường Chánh Nghĩa (TP.TDM) đã phải chạy thận nhân tạo hơn 6 năm nay. Mỗi ngày chị đi bán vé số để có tiền chạy thận, nhưng không biết sức khỏe sẽ “cho phép” chị gắn bó với công việc này đến lúc nào. Chị bảo, con trai duy nhất của chị năm nay đang học lớp 9 và ước mong lớn nhất của chị lúc này là “muốn có đủ tiền chạy thận mới có thể kéo dài cuộc sống để được nhìn thấy con trưởng thành”…
Chị Vân với 2 cánh tay đầy những vết mổ để đặt ống chạy thận. Hơn 6 năm trước, chị Vân thấy người hay mỏi mệt, tối không ngủ được và cổ họng rất khó thở nên đến bác sĩ khám. Chị như điếng cả người khi nghe bác sĩ bảo, chị bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Phần vì sợ, phần vì lo không có tiền để chữa trị và con cái của mình sẽ ra sao. Chị đã bị suy sụp tinh thần trong một thời gian dài vì nghĩ rằng, mình mắc phải căn bệnh này rồi thì không thể nào chữa trị khỏi. Thế nhưng, chính tình yêu của người mẹ dành cho con đã giúp chị lấy lại niềm tin, và chị đã quyết định sẽ chống chọi với căn bệnh này đến cùng. Chị Vân kể: “Lúc đầu, vì buồn trong lòng nên ăn uống không được. Do đó, sức khỏe ngày càng yếu đi, việc đi lại rất khó khăn, đi đâu vài bước là phải nằm xuống nghỉ mệt. Thấy thế, ba má với mấy anh chị trong nhà khuyên chị ráng chống chọi với bệnh tật để sống với con. Lúc đó, chị suy nghĩ, nếu mình chết đi con mình sẽ phải bỏ học, rồi sinh ra hư hỏng… nên chị không muốn để mặc cho số phận nữa. Chị cố gắng tập luyện đi lại và dần dần thấy sức khỏe có đỡ hơn…”
Chị Vân cùng con trai hiện sống cùng ba má chị ở phường Chánh Nghĩa. Chị cho biết, lúc trước chị và chồng con sống trong một cái lều nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 vợ chồng đều đi làm thuê nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên cái lều ngày càng rách nát. Mỗi khi mưa nước dột khắp nhà. “Sau khi bị bệnh, má chị sợ bệnh chị sẽ nặng hơn nếu sống trong cái lều ẩm thấp đó nên đưa chị và con trai về nhà sống chung. Ba chị năm nay 80 tuổi, còn má cũng 76 rồi nên chỉ đủ sức nuôi cơm chị và con mà thôi. Còn chồng thì vẫn ở trong cái lều đó, đi làm thuê cho người ta kiếm tiền lo cho con đi học. Các anh chị cũng đông nhưng ai cũng khó khăn nên không giúp được gì cho chị trong việc chữa trị bệnh…”, chị kể.
Hàng ngày, chị đi bán vé số để kiếm tiền chạy thận. Tuy nhiên, không phải khi nào đi bán cũng thuận lợi. Chị chia sẻ: “Nhiều hôm đi bán mệt quá, đi không nổi mình phải nhờ mấy người cùng đi bán lấy lại cho hoặc năn nỉ đại lý trả lại. Biết mình bệnh nên họ cũng thông cảm”
Lúc đầu, một ngày chị Vân chỉ bán được 10 tờ vé số vì việc đi lại còn mệt nhọc, sau đó mới tăng lên 20, 30 tờ và bây giờ là 50 tờ… Với 50 tờ vé số chị kiếm được 50.000 đồng tiền lời. Tất cả nguồn thu nhập ít ỏi đó đều tập trung cho việc chị đi chạy thận, nhưng vẫn không thể đủ. Ngoài chi phí chạy thận, lâu lâu chị lại phải tốn 2-3 triệu đồng phẫu thuật để đặt gim chạy thận. Bây giờ, 2 cánh tay của chị chỗ nào cũng có vết mổ.
Nhờ có thẻ BHYT người nghèo, mỗi lần chạy thận chị phải đóng thêm 235 ngàn đồng. Trung bình mỗi tuần chị kiếm được khoảng 300 ngàn đồng, nhưng chi phí chạy thận hơn 700 ngàn đồng. Có khi không có tiền đi chạy thận đúng định kỳ, mặt mày sưng phù, huyết áp cũng tăng lên rất mệt. Những lúc đó nằm ngủ không được nên chị thường phải ngủ ngồi. Chị đã nhiều lần thiếu tiền chạy thận nên phải ghi nợ viện phí và được bệnh viện “xóa nợ” một lần do thời gian ghi nợ quá lâu mà chị không có khả năng chi trả. Hiện tại, chị cũng đang ghi nợ viện phí gần cả tháng mà chưa có tiền trả. “Giờ chị sống nhưng không dám suy nghĩ, sợ suy nghĩ huyết áp lên cao bệnh sẽ nặng thêm. Chị chỉ cầu mong ngày nào cũng bán hết vé số để có tiền chạy thận và kéo dài cuộc sống để nhìn thấy con trưởng thành nên người… ”, chị Vân chia sẻ.
Hy vọng, qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của chị Vân để mong ước của người mẹ nghèo không may mắc phải căn bệnh nan y này trở thành hiện thực.
Hồng Thuận