Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Khoai lang nướng cho mùa se lạnh cuối năm ở đất miền Đông đang là kế mưu sinh của nhiều người. Chàng thanh niên tên Bùi Trung Việt tìm mua lại một chiếc xe ba gác cọc cạch, dọn sửa sạch sẽ, dùng một chiếc lồng sắt bỏ đi của quạt gió làm bếp sưởi, lấy mấy tấm bảng hiệu quảng cáo của các hãng thực phẩm có “slogan” rất kêu ốp quanh thành xe chắn gió, cộng với một bao tải nhỏ chứa khoai lang đỏ vỏ đỏ ruột, còn gọi là khoai “trà đỏ”, quạt lửa lên và lên đường, cuộc hành trình cơm áo giản dị mà ấm áp của Bùi Trung Việt bắt đầu. “Ông bà nói an cư mới lạc nghiệp. Tụi tui ở nhà mướn mấy chục năm nhưng vẫn... lạc nghiệp đây nè!” - chị bán nước mía trào lộng...
Chỉ bán khoai lang “ta”
Bùi Trung Việt, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, chưa tìm được việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo, để có tiền về quê tận miền Trung ăn tết con rồng, theo rủ rê của mấy người hàng xóm nơi Trung Việt ở trọ, vậy là anh chàng cử nhân luật đi bán khoai lang nướng.
“Khoai lang là thứ thực phẩm thân thiết của người nghèo, nó được sinh ra từ bàn tay nông dân Việt thứ thiệt, vậy mà giờ, tìm ra loại khoai lang này cũng hơi khó đấy, toàn là khoai lai Tàu, màu sắc thì giống nhưng mùi vị thì khác hoàn toàn, tôi phải đặt hàng tận Đà Lạt để mua loại khoai mà trước đây vốn là đặc sản của Quảng Nam quê tôi...” - Trung Việt cho biết vậy.
Chúng tôi thắc mắc, làm sao có thể phân biệt được khoai nào là của Trung Quốc, khoai nào là của Việt Nam, Bùi Trung Việt rành rẽ hướng dẫn: “Thứ nhất, khoai lang của người Việt mình trồng ít có chuyện củ nào củ nấy to ứ hự, 2 đến 3 củ đã nặng một ký lô. Thường thì khoai Việt, một ký chừng 5 đến 7 củ, khoai nướng lên có vị ngọt, bùi, thơm tho. Còn khoai Tàu thì củ to, nhìn ngon lành lắm nhưng nướng lên chẳng có mùi vị, nó cứ lạt thếch do họ dùng hóa chất kích thích. Ở Đà Lạt vẫn còn người trồng khoai lang nhưng họ biết làm ăn, nghĩa là họ đầu tư, mở ra những xe khoai lang nướng ở khắp các tỉnh, thành, cứ mùa đông đến là tiêu thụ hàng, bán chạy như tôm tươi. Nhưng đây là kế hoạch làm ăn lâu dài, có đầu tư, không mấy nông dân làm được. Chính vì vậy mà nguồn khoai lang nướng trên khắp Việt Nam này, cứ là khoai ngon thì chắc chắn là khoai có nguồn gốc Đà Lạt!”.
Món ăn của... nhà giàu!
Đây cũng là một nhận xét khá thú vị của anh Việt về chuyện củ khoai lang nướng. Thuở trước, người nghèo thường ra đồng mót khoai về lùi vào bếp tro cho nó chín để ăn qua cơn đói, chữ “ăn tro mò trấu” là dành cho lớp người này. Nhưng bây giờ thì khác, người nghèo không có cơ hội ăn khoai lang nướng, bởi giá nó quá cao. Bán khoai lang nướng về đêm thường có luôn món trứng gà nướng
Chúng tôi thử mua khoai nướng của Việt, anh Việt cho biết là 35 ngàn đồng/ký. “Khoai lấy giá gốc đã 15 ngàn đồng một ký, lúc đầu, em sợ bán không chạy, nhưng bây giờ mới tự tin để lấy cả tấn về dự trữ trong nhà mà bán dịp cuối năm se lạnh. Trung bình mỗi ngày, em bán được từ 20 đến 30 ký khoai nướng, kiếm lời từ 400 đến 600 ngàn đồng. Có cái lạ là em thử đứng trước cổng trường đại học để bán, nhưng suốt ngày không thấy sinh viên nào mua khoai mà chỉ thấy mấy người chắc là nhà giàu đến mua à!”, Trung Việt kể và lý giải luôn: Tội cho mấy đứa nhỏ sinh viên, tụi nó thèm khoai nướng nhưng chẳng mấy đứa dám mua, vì tụi nó ăn một dĩa cơm bình dân, hạng rẻ nhất cho mỗi bữa chỉ tốn có 15 ngàn đồng. Nếu mua 15 ngàn khoai nướng, ăn chưa đủ lót bụng. Nhiều đứa hỏi giá xong tẽn tò bỏ đi thấy thương lắm. Gần đây em mới nghĩ ra cách này, bán xong phần kiếm lãi, là em đến bán giá gốc cho sinh viên 10 ký, mỗi ký 15 ngàn đồng, gọi là chia sẻ thời sinh viên nghèo khó mà em cũng từng trải qua...
“Dân Sài Gòn thay đổi liền liền à...”
Đó là lời giải thích của một chị bán nước mía ở trước sân nhà trên đường Nguyễn Oanh, gần Công viên Gia Định, Gò Vấp. Đây cũng là nơi gia đình chị ở trọ.
Quê chị tận miệt Chợ Lách (Bến Tre), lưu lạc ở Sài Gòn từ năm 1975, lúc đó chị chỉ 15 tuổi. Chị kể cả đời chỉ bám lề đường mua bán, bán từ khu trung tâm Sài Gòn, qua quận 8, giờ dạt về Gò Vấp. Một trăm thứ món, món gì chị cũng bán qua rồi. Chị đúc kết: “Cái miệng của dân Sài Gòn thay đổi liền liền hà anh ơi. Ban đầu, mình không kinh nghiệm chạy theo đứt hơi luôn, may mà sống được. Bây giờ thấy rồi, cứ mấy món giải khát nước mía, cà phê, trà đá là chắc ăn!”.
Người ta bỏ mối, mỗi bó mía chừng khoảng 12 cây, mỗi cây cỡ một thước, mía róc vỏ sẵn thì 55 ngàn còn tự tay róc vỏ thì bớt 5 ngàn. Mùa mưa thì mỗi ngày chị bán được cỡ một bó mía, mùa nắng thì đắt hơn. Gồm cả các món giải khát, thuốc lá... mỗi ngày bám mặt đường chị kiếm trên dưới 200 ngàn.
Biết được khoản thu nhập tương đối khá của chị, chúng tôi hỏi thêm về gia cảnh thì chị kể một hơi dài: “Chồng làm nghề tài xế xe buýt. Cả hai vợ chồng tôi phải kiếm được chục triệu một tháng chớ lơ mơ là chết liền...”. Rồi không cần hỏi, chị kê ra sơ sơ chi phí của gia đình: Tiền mướn nhà hai triệu rưỡi, tiền lo cho thằng con học đại học tận Thủ Đức, bình quân cũng một triệu, tiền ăn, tiền điện nước, tiền đi đám... “Vậy là nếu tháng nào không đau bệnh linh tinh thì không đến nỗi đi đứt cả chục triệu, có cái để dành!” - chị kết luận.
Nguyễn Gia Định