Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Lý lẽ riêng của con tim
Gần trưa, trại phong khá im ắng, tĩnh mịch. Mà có lẽ buổi nào cũng im ắng, tĩnh mịch như thế này. Những cây cổ thụ tỏa bóng râm che mát từng khoảng sân rộng. Như nhiều người, tôi... sợ đến bệnh viện, sợ gặp... bác sĩ nhưng ở đây, tôi lại có cảm giác những người mặc áo bờ-lu trắng kia ai cũng thật dễ gần. Cảm giác như đây không phải một bệnh viện mà người bệnh, bác sĩ, điều dưỡng như người thân cùng chung sống trong một ngôi nhà. Họ biết sống và chia sẻ nhiều nỗi niềm cùng nhau.
Được Giám đốc Khu điều trị phong Bến Sắn là bác sĩ, thạc sĩ Phan Hồng Hải đồng ý “cứ tìm hiểu và thích viết gì thì viết nhé...” chúng tôi vượt qua sự ngỡ ngàng ban đầu. Ông giới thiệu chúng tôi đến gặp bác sĩ Lê Văn Trước, nguyên Giám đốc Khu điều trị phong này và “sau 35 năm công tác lại tình nguyện tiếp tục phục vụ bởi ở đây luôn thiếu người làm”. Thế mới biết, ngoài công việc chuyên môn, cuộc sống thì những ai làm việc ở đây phải có tấm lòng biết yêu thương, cảm thông với bệnh nhân phong, bệnh mà một thời từng được coi là “nan y”, không thể chữa khỏi! Gia đình ở TP.HCM nhưng nhiều bác sĩ ở đây, như bác sĩ Trước, bác sĩ Hải vẫn đều đặn đi về giữa thành phố và Tân Uyên, Bình Dương để làm việc, để giúp bệnh nhân phong vơi đi nỗi đau, vơi đi nghiệt ngã của bệnh tật. Nhà thơ Đơn Phương ký tặng sách cho bạn bè
Anh Nguyễn Đắc Thắng, bác sĩ ở khoa khám bệnh cho biết ở đây có tất cả 11 khoa, thực hiện công tác khám, chữa bệnh, bao trùm đa hóa trị liệu 100% và chăm sóc phục hồi chức năng chống tàn tật do bệnh phong... đúng quy định. Một khoa mới là cấp cứu - hồi sức đi vào hoạt động từ tháng 3-2009 nhưng do thiếu nhân sự nên các bác sĩ trưởng khoa phải kiêm nhiệm nhiều việc. Lãnh đạo đơn vị cũng quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ viên chức để chuẩn hóa hoạt động. Nhằm làm tốt hơn công tác điều trị bệnh nhân phong, riêng trong năm 2011 này, có 15 cán bộ công chức được cử đi học các ngành: Vật lý trị liệu, Đại học Dược, Cử nhân Điều dưỡng, Đại học Hành chính, Quản lý Nhà nước, Cử nhân Luật, Tài chính kế toán.
Theo bác sĩ Lê Văn Trước, nguyên Giám đốc Trại phong Bến Sắn, hoạt động của trại dựa vào ngân sách Nhà nước 90% và 10% từ các hội từ thiện, không có nguồn thu nào khác. Các gia đình ở đây được tạo điều kiện để trồng trọt, chăn nuôi cải thiện thu nhập nhưng chỉ trong khuôn viên trại. Các tổ chức quốc tế hỗ trợ tích cực trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong gồm: Ordre de Malte (Pháp); Korean Leprosy Relief Services Association (Hàn Quốc); Netherlands Leprosy Relief và Peter Donders Foundation - Netherland (Hà Lan); Rotary Club (New Zealand) và Hội Bạn người Phong California (Việt kiều ở Mỹ). Sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân có lòng thiện nguyện đã góp phần động viên rất lớn cho bệnh nhân phong và người nhà của họ. Nhiều tổ chức như Ecoles Sans Frontieres (Pháp) và Hope Chapel (Hoa Kỳ) cũng đã nhận tài trợ học bổng cho con em bệnh nhân học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định.
Chứng kiến cảnh sinh hoạt của bệnh nhân phong với những đoạn tứ chi co quắp, cụt ngủn mới thấy yêu quý tấm lòng của những người làm việc ở đây thật nhiều. Ở hành lang, đa phần những người phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt luôn cần người khác giúp đỡ, phục vụ. Trong phòng bệnh nặng càng... buồn hơn nữa. Những cụ bà ngồi nhìn xa xăm như bất động. Để ngồi vững, bà cụ Nguyễn Thị Rác, nay 83 tuổi phải cột cái đai nơi thắt lưng. Có cụ bị bệnh nặng nhất đang phải truyền dịch, nằm yên một chỗ và không còn nói năng gì được. Sợ, ngại ngần là cảm giác của ai mới đến đây lần đầu nhưng với nhân viên điều trị ở khu dưỡng lão này thì công việc của họ đã quá quen thuộc. Họ thao tác thành thạo và không gì ngoài tình người, ngoài sự gắn bó và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh để giúp họ làm được những việc đáng trân trọng như thế. Phải có riêng một cách nghĩ, cách làm mới thì những bác sĩ, điều dưỡng... mới “níu kéo” với nơi này được. Có lẽ như thế thật bởi, nói như bác sĩ Thắng thì: “Tôi cũng chỉ tính công tác vài năm thôi nhưng đến nay đã hơn 25 năm gắn bó với bệnh nhân rồi đó”...
Sưởi ấm tình người
Buổi chiều chúng tôi được bác sĩ Trước đưa đi thăm “làng phong” để biết rõ hơn về cuộc sống của những hộ ở đây. Tưởng là gần khu điều trị thôi nhưng không ngờ đi xa cả một quãng đường, băng qua vườn cây dầu, tràm hoa vàng xanh tốt. Nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà bà Ngô Thị Loan, sinh năm 1950. Ông bà đến đây điều trị từ trước năm 1975. Bà Loan trông bình thường, không có biểu hiện gì của bệnh phong bởi chưa bị di chứng gì cả. Chồng bà mất năm 2009 và nay, bà sống với con cháu trong ngôi nhà nhỏ dành riêng cho những hộ trại viên ở đây. Những người già ở trại phong Bến Sắn
Điều may mắn là... thế hệ thứ 2, thứ 3 của gia đình bà không ai bị bệnh này. Chị Tuyết Anh, con gái bà, đã có gia đình, có một bé gái học lớp 2. Chị sinh ra và lớn lên ở trại phong, được cho đi học Trung cấp Y tế và nay trở lại làm việc, phục vụ bệnh nhân ở đây. Bà Loan còn có con trai đã cưới dâu, có cháu nội 3 tuổi. Một cô con gái út chưa có chồng. Bà Loan tâm sự: “Gia đình tôi được giúp đỡ nhiều lắm mới được như hôm nay. Con cái đi học được hỗ trợ từ học bổng của chương trình Học đường không biên giới! Tôi luôn biết ơn những ai đã đến, giúp đỡ cho những người bệnh tật như tôi...”. Con trai bà là anh Trung Hiếu cũng được kết nạp Đảng, hiện vừa công tác ở đây vừa đi học Đại học Tài chính kế toán. Ngôi nhà chừng 70m2, có thêm ít diện tích canh tác xung quanh vườn, là tổ ấm của gia đình bà Loan nơi này...
Đi quanh “làng phong”, tôi ngỡ ngàng khi nhà nào cũng thấy gắn anten K+ để xem truyền hình. Thanh bình là cảm giác khi đến đây dù rằng cuộc sống họ còn khó khăn, vất vả. “Cặp đôi” cùng đón chúng tôi và cười rất tươi là ông Điểu Bom (người S’tiêng) và bà Huỳnh Thị Hồng. Họ chào vị bác sĩ nhân hậu mà có lẽ, họ coi như là ân nhân của mình. Theo giới thiệu của bác sĩ Trước, họ cùng bệnh và vào đây, “gá nghĩa” cùng nhau để có bạn già ấy mà!...
Khu tập thể của bệnh nhân nữ có 3 cụ bà ngồi chuyện trò cùng nhau. Nghe chuyện bà Đoàn Thị Trang (Cà Mau) mới cảm hết được nỗi đau, sự tự ti, mặc cảm của người mắc bệnh này. Bà nói: “Hơn 30 năm trước, tôi một mình đi khám bệnh và khi biết mình mắc bệnh quái ác này, tôi bỏ nhà đi biệt xứ! Sợ người thân lo lắng, tủi hổ! Lên đây, tôi bớt buồn vì có bạn cùng cảnh...”.
Vợ chồng nhà thơ Đơn Phương thì sống trong một “túp lều lý tưởng” đúng nghĩa! Trời nóng hầm hập. Con suối cạn trước nhà được tưởng tượng là suối mơ mới đúng là... hồn thơ lai láng thật! Tôi bước qua cái cổng nhà ông, vào khu vườn này bỗng thấy như ở đây thời gian và không gian đều ngưng đọng. Và rồi, khi chia tay những bác sĩ khả ái, chia tay những bệnh nhân phong, chợt thấy mọi sự bon chen ở đời này là vô nghĩa hết trơn...
Khu điều trị phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do Soeur Rose - người Pháp và Soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước tiếp quản. Từ năm 1976 được giao cho Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Khu điều trị phong có cơ sở chính là Trại phong Bến Sắn với diện tích là 96 ha và 3 cơ sở phụ: Thanh Bình (Q.2, TP.HCM), Bình Minh, Phước Tân (Đồng Nai). Nhiệm vụ chính ở đây là giúp bệnh nhân và con em họ phòng ngừa, chữa trị và phục hồi về mặt y tế, đồng thời động viên giúp đỡ họ ổn định tinh thần, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm ra của cải vật chất để sống tự lập và cùng đóng góp cho xã hội. Đội ngũ cán bộ, nhân viên hiện tại có 164 người gồm: y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên hành chính... Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, tập thể cán bộ nhân viên Khu điều trị Trại phong Bến Sắn đã đem hết tâm huyết của mình phục vụ bệnh nhân gồm có 11 khoa với 245 giường bệnh nội trú, 2.100 trại viên và con cháu họ, để họ được điều trị khỏi bệnh, sống đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một người công dân trong xã hội.
QUỲNH NHƯ - THANH LÊ