Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chúng tôi về làng bè ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng khi hay tin sắp tới người dân nơi đây sẽ được Nhà nước công nhận quốc tịch Việt Nam. Chuyến đi của chúng tôi đầy cảm xúc như niềm vui của người làng bè khi quăng mẻ chài, mẻ lưới ăm ắp cá tôm. Đối với bà con làng bè, đây là niềm vui không có ngôn từ nào có thể diễn tả.
Việc được công nhận quốc tịch Việt Nam là hạnh phúc lớn lao của người dân làng bè
Nhọc nhằn mưu sinh nơi xứ người
Đưa chúng tôi tới thăm các nhà bè bằng chiếc ghe nhỏ, lướt trên mặt hồ nước trong mát, anh Thái Đức Vũ, Phó ban Điều hành ấp Hòa Lộc, khẳng định hiện ấp Hòa Lộc có 56 hộ dân với 177 trường hợp người di cư tự do từ Campuchia về nước đang sinh sống trên lòng hồ. Ngoài giọng nói đậm chất người Việt, họ không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh đã sinh ra và cư trú tại Việt Nam. Do không có giấy tờ tùy thân nên việc mua tài sản, xin việc làm, chuyển nhượng bất động sản, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các giao dịch khác không thể thực hiện được. “Trước đây đã có một số trường hợp thai phụ sinh con mượn giấy bảo hiểm của người khác, gây khó khăn cho trung tâm y tế trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Không có bảo hiểm y tế, bà con phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cao nên cuộc sống mưu sinh ngày càng đè nặng”, anh Vũ nói.
Khi biết chúng tôi là nhà báo, bà con làng bè tiếp đãi khá thân mật. “Được lời như cởi tấm lòng”, họ kể mãi không thôi về những năm tháng nhọc nhằn “du mục” ở Biển Hồ Campuchia. Người ít thì ngót nghét cư trú 10 năm, người nhiều thì cũng có đến 40 năm. Hàng chục năm biền biệt ở Biển Hồ, cuộc sống cứ dần trôi theo con nước nên con chữ và các loại giấy tờ tùy thân với bà con đều trở nên xa lạ. Khi về lòng hồ Dầu Tiếng, họ lại neo đậu cuộc sống trên những lán trại tròng trành mặt nước.
Ông Cao Văn Quang, một hộ dân nơi đây cho biết: “Trước đây tôi sống với cha mẹ ở làng nổi Chong Khneas, Campuchia. Năm 1993 tôi và gia đình theo con nước trở về lòng hồ Dầu Tiếng. Những năm tháng ở Campuchia, gia đình tôi sống trôi nổi trên Biển Hồ dựa vào nghề đánh bắt cá. Mùa nắng phải dời chòi ra giữa dòng, mùa mưa lại tìm chỗ an toàn để núp. Cuộc sống mưu sinh chỉ quanh quẩn ở lưới tôm, chài cá cho qua ngày. Gia đình tôi và nhiều bà con khác không có giấy tờ tùy thân cũng không có quốc tịch nên con cái không được học hành nhiều”.
Người dân làng bè còn nhắc mãi câu chuyện của chị Phạm Thị Lắm - người phụ nữ đơn thân nuôi 3 con và mẹ già đau bệnh. Sau khi chồng mất, chị Lắm lên bờ xin vào công ty làm công nhân. Không giấy tờ thùy thân, chị Lắm mượn giấy chứng minh nhân dân của chị Thái Thị Như Hạnh. Việc mượn tên để xin việc của chị Lắm là vi phạm pháp luật, Bảo hiểm xã hội tỉnh phát hiện và truy cứu trách nhiệm. Thời gian ấy chính quyền ấp rồi xã phải đứng ra làm chứng, bảo lãnh cho chị Lắm để chị vừa có việc làm ổn định vừa thực hiện tốt quy định của pháp luật.
Mơ ước không còn quá xa
Thấy chúng tôi dong thuyền đến một số hộ giữa lòng hồ, trẻ con các bè nhao nhao làm xóa tan không gian tĩnh lặng của lòng hồ. Có những em bé tóc cháy vàng, da đen nhẻm, lấp ló sau những túp lều xiêu vẹo, bẽn lẽn nhìn chúng tôi rồi khoanh tay lễ phép chào. Trẻ con làng bè cũng đến trường học chữ. Một vài trẻ khác không có giấy khai sinh được học ở lớp học tình thương do huyện tổ chức. Ông Nguyễn Văn Lên về làng bè từ năm 2004 tâm sự: “Xưa tôi theo gia đình sống du mục ở Campuchia bằng nghề lặn hụp, bắt cá nên gia đình ít tiếp xúc với bên ngoài. Lâu dần tôi mất quê hương, không biết gốc gác của mình ở đâu. Ước mơ lớn nhất của tôi là được Nhà nước công nhận là công dân để đời con, đời cháu mình biết đến cội nguồn dân tộc”.
Ước mơ của ông Lên cũng chính là ước mơ của 56 hộ dân làng bè. Mang tâm tư của bà con làng bè, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa và được biết, hiện địa phương và các ngành đang phối hợp chặt chẽ tiến hành xác minh lai lịch để cấp quốc tịch cho người dân. Với những trẻ sinh ở Việt Nam, địa phương đã làm giấy khai sinh. Chuyện bà con có quốc tịch Việt Nam không còn xa vời nữa, vấn đề chỉ là sớm hay muộn thôi. Sau khi Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục cấp quốc tịch, cấp hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân ngay cho tất cả những người dân hiện chưa có giấy tờ tùy thân. Ông Liêm nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương nhất quyết không để dân đói. Xã đã chỉ đạo các đoàn thể, khu ấp đẩy mạnh chăm lo đời sống bà con làng bè nhằm bảo đảm an sinh xã hội”.
Chuyển đổi nghề nghiệp
Theo ghi nhận của chúng tôi, cuộc sống “du mục” theo đuôi con cá trên sông nước của bà con làng bè phụ thuộc vào thời tiết. Mùa nước lên tôm cá đầy ghe nhưng mùa nước xuống bà con chỉ còn cách nhìn mông lung ra phía lòng hồ lồ lộ đáy. Do cuộc sống bấp bênh, những năm trước, một số hộ dân rời mặt nước di cư lên vùng đất trũng bán ngập của lòng hồ làm nhà ở, kết hợp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ đó một số hộ đã phất lên, có những hộ giàu, khá và đa phần đời sống kinh tế tương đối vững chắc.
Nổi tiếng nhất làng bè có lẽ phải kể đến gia đình ông Cao Văn Quang với trại cá Tư Tiến. Năm 2003 là năm đáng nhớ nhất với gia đình ông khi nuôi thành công cá bống tượng giao cho các thương lái ở huyện và thu về nguồn lợi lớn. Ở làng bè, ngoài gia đình ông Quang, gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ cũng được bà con trong làng, ngoài xã nhắc tên như một tấm gương vượt khó, chuyển đổi nghề nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu đi bằng ghe máy của người dân, ông Đỏ chuyển từ nghề đánh bắt sang nghề sửa chữa, lắp ráp mô tơ, máy nổ và mở cửa hàng buôn bán nhu yếu phẩm tại nhà. Bên cạnh sửa chữa mô tơ, ông còn đầu tư 2 xe tải thu mua cá bán cho thương lái. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình ông trong một năm chưa trừ chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong những chuyến đi công tác cơ sở của chúng tôi, có lẽ không đâu đặc biệt như làng bè bởi tấm chân tình của bà con. Họ nài nỉ chúng tôi đi thả lưới đánh bắt cá giữa lòng hồ mênh mông nước. Chúng tôi lại nghe bà con bàn về việc chuyển đổi nghề nghiệp, rời xa nghề lặn hụp đã gắn bó với họ suốt quãng đời.
Ông Cao Văn Quang băn khoăn: “Ở lòng hồ mà không đánh bắt, nuôi cá thì khác nào cá không có nước. Vài chục năm nay tôi gắn bó với nghề lặn hụp, nếu phải lên bờ tôi không biết phải sống sao trong khi nhà là chiếc bè nổi lênh đênh trên sông nước”. Như để trấn an ông Quang và những hộ dân nơi đây, ông Vũ chia sẻ: “Về lâu dài, lòng hồ Dầu Tiếng phải được bảo đảm môi trường sinh thái. Chủ trương di dời các hộ dân sống ở làng bè đã có từ lâu và sớm muộn gì cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, cần phải thực hiện theo lộ trình, từng bước để bảo đảm đời sống cho bà con. Hiện xã, ấp đang tích cực kết nối, liên hệ với các công ty, xí nghiệp để giới thiệu việc làm, hướng bà con học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế bền vững”.
Ấp Hòa Lộc có 56 hộ dân với 177 trường hợp người di cư tự do từ Campuchia về nước đang sinh sống trên lòng hồ. Ngoài giọng nói đậm chất người Việt, họ không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh đã sinh ra và cư trú tại Việt Nam. Do không có giấy tờ tùy thân nên việc mua tài sản, xin việc làm, chuyển nhượng bất động sản, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các giao dịch khác không thể thực hiện được. |
KIM HÀ