Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
3 tháng đầu năm 2022, ngành thuế tỉnh triển khai nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách và kiên quyết xử lý các trường hợp nợ đọng thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Tân Uyên giải đáp các vấn đề vướng mắc về thuế của hộ kinh doanh trên địa bàn
Tổng thu thuế giảm
Cục Thuế tỉnh đã thực hiện, triển khai nhiều giải pháp để thu nợ, giao chỉ tiêu thu nợ gắn với nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc. Tăng cường rà soát, xác định số thuế nợ đọng của từng người nợ thuế, thực hiện phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại các quy trình quản lý nợ thuế mà Tổng cục Thuế đã ban hành, đề ra các biện pháp đôn đốc thu nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ.
Ngoài ra, ngành thuế tỉnh cũng bám sát các doanh nghiệp (DN) có nợ lớn, dây dưa và theo dõi, xử lý kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, ngành cũng tăng cường triển khai, thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; quan tâm đôn đốc truy thu thuế và xử phạt qua thanh tra, kiểm tra.
Mặc dù vậy, đến hết quý 1-2022, nợ đọng thuế đã tăng 4% và bằng 7,06% so với dự toán thu năm 2022 với số thuế nợ đọng trên toàn địa bàn tỉnh gần 3.003 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2021, nợ đọng thuế đã tăng gần 110 tỷđồng. Trong đó, những khoản nợ có khả năng thu (nợ từ 1 đến trên 90 ngày) tăng 5% và chiếm tỷlệ 6,3% so với số dự toán thu năm 2022. Kết quả thu quý I-2022 là 11.646 tỷđồng, đạt 102,8% so dự toán quý I, 28,39% so dự toán năm Bộ Tài chính giao và bằng 77,04% so cùng kỳ.
Triển khai giải pháp tăng thu
Ông Phạm Thành Tài, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế Thuận An, cho biết trong quý I, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, DN trên địa bàn tương đối tốt. Tuy vậy, công tác đôn đốc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, tỷlệ đọng thuế lĩnh vực hộ kinh doanh cao. Đối với hộ khoán sử dụng hóa đơn, hầu hết chỉ quản lý doanh thu kê khai hóa đơn, chưa xử lý, kiểm tra doanh thu bán lẻ, thất thu về doanh thu bán hàng. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh không chấp hành nộp thuế, nợ đọng thuế dây dưa kéo dài.
Vấn đề thu hồi nợ đọng thuế đối với DN ngoài quốc doanh trên địa bàn Tân Uyên cũng trong tình hình tương tự, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Chi cục Thuế khu vực Tân Uyên, cho biết trong 3 tháng đầu năm 2022, công tác kiểm tra, chống thất thu thuế, xử lý nợ đọng thuế tiếp tục được đơn vị tích cực triển khai. Chi cục cũng đã xử lý kịp thời các khoản nợ đọng thuế, đôn đốc DN nộp thuế kịp thời. Tuy vậy, hiện đơn vị đang quản lý thuế trên 6.000 DN, cùng lúc đó, số thu ngoài quốc doanh từ các DN chiếm trên 94% trong tổng nguồn thu ngoài quốc doanh của đơn vị. Do vậy, bên cạnh số lượng DN giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định còn có DN siêu nhỏ, mức độ am hiểu pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao khiến công tác thu nồi nợ đọng thuế gặp khó khăn.
Đánh giá tình hình nợ đọng thuế chung trên toàn địa bàn tỉnh, ông Lê Thành Quý, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cho biết nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Bên cạnh còn có nguyên nhân chủ quan, các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định, hiệu quả công tác thu nợ chưa đạt mục tiêu kế hoạch. Mặt khác, nợ đọng thuế tăng ở các địa phương, nguyên nhân được cho là tình trạng DN gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh… Bên cạnh đó, còn do số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, các DN kê khai thuế tháng cuối năm 2021 và quyết toán thuế năm 2021 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn khiến tình hình nợ đọng thuế chưa được giảm như mục tiêu đặt ra.
THANH HỒNG