| 17-11-2011 | 00:00:00

Nghề giáo, nghề y ở một gia đình giáo

Những người quen thân với gia đình ông nói đùa rằng, với “nhân sự” hơn chục người của 3 thế hệ từ ông bà, cha mẹ, con cháu dâu rể như thế đủ để thành lập một ngôi trường. Ông bà chỉ cười nhưng ánh mắt lấp lánh tự hào khi con cháu biết theo nghề... truyền thống, vừa làm lương y vừa làm nhà giáo. Cuộc sống bình dị, an lành, không bon chen là điều ai cũng cảm nhận ở gia đình này nếu một lần đến chơi nhà... 

 Nối tiếp nghề giáo

Đó là gia đình ông Lê Hưng. Ông năm nay đã 73 tuổi, nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc Bình Dương. Khi về hưu, ông lại tiếp tục làm việc ở phòng mạch tư tại số 500 đường 30-4, Chánh Nghĩa, TX.TDM, Bình Dương. Nhưng “xuất thân” ông là một nhà giáo. Trước đây, ông công tác ở trường Lâm nghiệp Trung ương 4 Sông Bé - Bình Dương. Sau đổi tên là trường Bồi dưỡng quản lý kinh tế và bổ túc văn hóa Lâm nghiệp Trung ương 2 (từ 1975-1990). Nay trường này là Phân hiệu Đại học Thủy lợi Bình Dương. 

Ông bà Lê Hưng luôn vui khi con cháu sum vầy

Người bạn đời của ông là bà Vương Kim Dung cũng làm nghề giáo. Bà nguyên là giáo viên (GV) dạy toán cấp II trường THCS Phú Cường, THCS Hiệp Thành. Nối nghiệp ba mẹ, con gái ông bà là thạc sĩ (Anh ngữ) Lê Vương Ly, hiện là Hiệu phó trường THPT Võ Minh Đức, TX.TDM. Với quá trình phấn đấu và học tập không ngừng, cô Lê Vương Ly cũng đã vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Con gái thứ hai là Lê Vương Nga, hiện là giảng viên bộ môn Y học cổ truyền trường Trung học Y tế An Giang.

Con trai ông bà, anh Lê Vương Duy, trước khi chuyển công tác đến Sở Khoa học công nghệ cũng là nhà giáo. Anh nguyên là GV môn sinh học trường THPT Võ Minh Đức (từ năm 1988-2008). Con gái thứ tư, Lê Vương Chinh hiện cũng là GV Anh ngữ trường THPT Võ Minh Đức. Con trai út, anh Lê Lã Vương Linh cũng nối gót ba mẹ, anh chị, hiện là giảng viên bộ môn vật lý kỹ thuật trường Đại học Thủ Dầu Một. “Có duyên” với nghề giáo nên ông bà còn có thêm hai cô con dâu đều theo nghề này và một con rể (chồng chị Chinh) là anh Huỳnh Công Khoa, hiện cũng là GV Anh ngữ trường THPT An Mỹ...

Vẫn “còn duyên” với nghề giáo nên vợ chồng ông hiện có 4 cháu ngoại, 2 cháu nội và cũng đã có 2 cháu vào đại học. Những người cháu của ông bà cũng theo ngành sư phạm và sẽ là nhà giáo trong nay mai... Cách học của gia đình là không ép buộc học hành, không chạy theo thành tích, chuyện học ở nhà ông cứ như là chuyện đương nhiên vậy! Mấy đứa cháu cũng không học thêm mà học ở nhà cùng bà nội, bà ngoại cho đến hết lớp 9. Học văn khoa từ trước 1975 nên bà vừa dạy kiến thức, vừa trò chuyện cho con cháu định hướng trong nếp sống, trau dồi đạo đức để thành người tốt. Nghề thì để “con cháu tự chọn” và cuối cùng, nghề giáo “đắt hàng” nhất như thế đó!

Dạy con cháu tôn trọng gia phong

Dù ai làm gì, học theo ngành nào thì vẫn phải giữ nghề gia truyền mà theo ông Hưng, đó là nghiệp tốt đẹp phải giữ để cứu người, giúp đời. Văn phòng Hội Laser Y học cũng là phòng mạch của gia đình ông, hiện do 2 con trai đang quản lý và trực tiếp trị bệnh sau khi tan sở làm đến 19 giờ mỗi ngày.

Ông bà có cách dạy con giữ gia phong rất hay là cứ để tự nhiên, con sẽ học theo ba mẹ mà giữ nếp nhà. Ông luôn tự hào về ba mình là cụ Thiên Lương (1910-1999), rất giỏi kinh dịch và suốt đời sống theo 4 chữ “tâm đức vĩnh hinh” (tạm dịch: tiếng thơm của cái đức con người mới để lại được lâu). Ông cũng tự hào về bác ruột của mình là cụ Đẩu Sơn nổi tiếng với nghề Đông y có phòng mạch Phúc Mãn Đường.

Trong nhà, ông không nói nhiều, không giáo điều mà chỉ nói ngắn gọn, dạy con những điều cần thiết nhất. Ông cho treo các bức sơn mài nói về nghề giáo, nghề y để tự con cái ý thức về nghề nghiệp, ý thức về cách làm người như: Phi trí bất hưng; Lương sư hưng quốc và Lễ nghĩa liêm sĩ. Chỉ vậy thôi và con cháu có nhiệm vụ phải làm theo.

Về cuộc sống của gia đình riêng các con mình, ông bà luôn là người giúp đỡ, chỉ bày cho con cháu cách sống vui, sống tốt với nghề nghiệp, với mọi người. Theo ông, đã chọn nghề giáo, nghề y thì phải biết sống khiêm nhường, nhã nhặn. Ngày nhà giáo hàng năm, ông bà thường tổ chức họp mặt con cháu như một dịp đoàn viên của tình thân gia tộc và  của... đồng nghiệp! Mọi người sẽ cùng “nhìn lại sự nghiệp” của mình để có hướng học tập, phấn đấu thật tốt, làm đúng với lương tâm, với nghề nghiệp của mình. Nhiều lớp học sinh cũ của Bình Dương vẫn giữ cái lệ đến chúc mừng “những thế hệ giáo viên” của nhà ông bà nên họ càng tự hào hơn về nghề vun bồi tri thức cho mọi người của gia đình mình. Đó cũng là một nếp được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Các thành viên trong nhà có quyền tự hào khi mình biết sống mà luôn lấy đạo đức, y đức  làm trọng, sống bằng tình cảm chân chất, hiền lương giữa người với người...

Ông bà còn cho biết, mình phải “sống rất hạnh phúc để làm gương cho con cháu và cũng dạy con cháu không có gì quý giá bằng hạnh phúc gia đình”. Ở nhà ông, thường ngày mọi người ai lo việc nấy nhưng cuối tuần là dịp cả nhà cùng nhau sum họp bên chén trà, ly cà phê để chuyện trò với nhau...

QUỲNH NHƯ

 

 Giải thích về dòng họ Lê Lã của mình, ông Lê Hưng nói: Tôi nghe ông bà kể lại, xưa, dòng họ Lã ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nhà đông con, có nghề thuốc nam gia truyền. Nhà họ Lã chữa được bệnh cho nhà họ Lê ở trong làng. Họ Lê nhận nuôi một đứa con của họ Lã và đổi tên thành Lê Lã Cơ. Họ Lê Lã có từ đó và tính đến đời ông Hưng là đời thứ 4. Cháu nội của ông hiện giờ là đời thứ 6. Riêng dòng họ Lê Lã ở Sông Bé - Bình Dương thì từ thời cha của ông Lê Hưng đã vào lập nghiệp từ những năm 30 của thế kỷ XX cho đến nay.

Dù đi đâu làm gì thì dòng họ ông luôn giữ lời dạy truyền nghề y để cứu người, nghề giáo để giúp người có tri thức, góp phần hoàn thiện nhân cách. Hiện dòng họ có nhiều người theo ngành y ở các tỉnh, thành. Bản thân ông cũng đã nghiệm lý về sức khỏe để khuyên mọi người. Theo ông, sức khỏe đích thực phải là trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và tương tác xã hội của mỗi người. Sức khỏe không chỉ là không có bệnh tật. Muốn sống khỏe con người cần nhớ: không vui, buồn, tức giận quá độ; không lo sợ quá đáng khi bệnh tật, không ưu tư quá đáng khi tuổi về già; siêng năng vận động, tận dụng thực phẩm đơn giản, an toàn hàng ngày... Với nghề nghiệp đã chọn là hết lòng hết sức yêu quý nó, vì nó để cống hiến tốt nhất tâm sức của mình dù có khó khăn, vất vả nhường nào.

 

 

 

Chia sẻ