| 25-10-2011 | 00:00:00

Phận đời không bạc bẽo

Mỗi em một quê, một cảnh khác nhau nhưng dưới mái ấm Hướng Dương (cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát) bao ước mơ vốn rất xa của học sinh nghèo dần biến thành hiện thực. Có thể xem nơi đây như một mảnh đất màu mỡ để ươm những hạt mầm giàu sức sống dưới sự vun đắp kiến thức của thầy Nguyễn Thế Vinh.

 

Một góc học tập của các em ở cơ sở Hướng Dương

Cổ tích giữa đời...

Ngày cuối tuần, cơ sở Hướng Dương khá yên ắng. Ở khu nhà ăn tập thể, người nội trợ trẻ tuổi đang tất bật chuẩn bị cơm trưa cho các em. Thỉnh thoảng, chị  pha trò hóm hỉnh, rồi tất cả cười vang thật nồng ấm. Qua bật mí của Thế (một học sinh lớp 10), chúng tôi mới được biết chị tên Cao Thị Muôn, học viên của cơ sở đồng thời là tân sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một. “Là ngày nghỉ nên em tranh thủ về cơ sở thăm các em, tiện thể nấu mấy món ngon để chị em cùng ăn. Hôm nay, cô nội trợ bận đi đám cưới người bà con” - Muôn mở đầu câu chuyện.

Mới đây, cơ sở Hướng Dương vừa làm lễ kỷ niệm 1 năm đi vào hoạt động. Một tin vui cho những người có tâm huyết với cơ sở này là trong khoảng 20 học viên tham dự kỳ thi tuyển đại học năm 2011, đã có đến 16 sĩ tử đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở Bình Dương, TP.HCM. Ở kỳ thi này, em Hồ Hữu Quyết đậu hệ cao đẳng nhưng em không theo học, bởi Quyết đang nuôi ước mơ đậu vào một trường đại học danh tiếng trong kỳ thi tới.

 

Muôn đến từ một vùng đất lắm đá nhiều sỏi (huyện Đạ Tẻ, Lâm Đồng). Nơi ấy, hầu hết người dân đều có cuộc sống rất khó khăn. Được nghe Muôn tâm sự về ước mơ, hoàn cảnh và những nghiệt ngã cuộc đời mà mình đã từng trải, không ai khỏi chạnh lòng. Đảo nhanh nồi cá kho rồi giọng của em nghẹn ngào cho biết: ba mất từ năm em lên 3 tuổi trong một cơn bạo bệnh. Cho đến bây giờ, trong em vẫn không còn một ký ức đậm nét nào về ba của mình. Cuộc sống cả nhà kể từ ngày ấy bắt đầu khó khăn dần. Mẹ không có nghề nghiệp, nhưng hàng ngày vẫn tảo tần dầm mưa dãi nắng nuôi hai chị em ăn học. Đôi bàn tay của mẹ sần sùi, nhăn nhúm dần theo thời gian, thân hình cũng gầy yếu dần do thiếu chất. Bởi vùng đất này lắm khắc nghiệt, đồng tiền mẹ kiếm được rất ít, có miếng ngon phải dành hết cho con. Năm tháng trôi qua, bà như một cây xanh khô cằn rồi nảy sinh đủ thứ bệnh. Những điều đó vẫn cứ ám ảnh trong đầu Muôn.

 

Muôn đang bận rộn với bữa trưa trong ngày cuối tuần tranh thủ về thăm cơ sở

Năm học lớp 7, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, em nhận được hung tin khi hàng xóm đến thông báo mẹ đã qua đời. Những ngày ấy, Muôn cùng người chị (Cao Thị Lê Mai đang học lớp 8) chết lịm trên tay hàng xóm đến nhiều lần vì cú sốc quá lớn. Trước mắt của hai chị em lúc này dường như chỉ còn một màu xám. Tuy còn nhỏ nhưng cả hai đã đủ nhận biết những ngày tháng khó khăn ở phía trước. Cả nội lẫn ngoại đều ở rất xa nên không được nương tựa. Trong căn nhà đơn chiếc thiếu vắng tình thương, hơi ấm của người thân, có lúc cả hai chị em không ổn định tinh thần, không buồn đến trường, đến lớp. Nhưng rồi được hàng xóm quan tâm giúp đỡ, thầy cô, bạn bè động viên, cả hai chị em bắt đầu gượng dậy. Song, lấy gì để ăn, để học? Những câu hỏi như thế cứ luẩn quẩn trong đầu Muôn theo năm tháng.

 

Toàn cảnh cơ sở Hướng Dương

Thương cho hoàn cảnh hai em, phía nhà trường đã miễn học phí. Để kiếm tiền mưu sinh, Muôn và chị tìm đến cơ sở hạt điều nhận hàng cạo vỏ lụa, rồi nhận đan sọt tre... Nhiều năm trời, hai chị em cứ buổi đến trường, buổi ra đồng làm mướn với nhiều công việc nặng nhọc. Đói ăn, thiếu mặc kéo dài, cũng vì thế mà cơ thể của cả hai gầy gò, xanh xao. Từ sách, tập, bút, viết... hầu hết đều được bạn bè, nhà trường trợ giúp. Chỉ một bộ đồ mới thôi, với hai chị em đó là một ước mơ to lớn khó thực hiện. Hoàn cảnh, số phận trớ trêu không thể đánh gục được các em. Tuy trải qua nhiều năm học trên những cuốn sách, tập cũ nhưng thành tích học tập cả hai vẫn đạt loại khá. Khi học hết học kỳ 1 năm lớp 12, Muôn được nhà trường báo tin mừng, thầy Vinh (Giám đốc cơ sở Hướng Dương) sẽ đón cả hai chị em về cơ sở, cả hai đã vỡ òa trong niềm vui sướng. Vì hơn ai hết, các em biết được những ngày tháng sắp tới, những khó khăn bao năm tháng đã được đẩy lùi. Và, ước mơ của cả hai đang dần biến thành hiện thực.

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 vừa qua, Muôn đậu vào khoa Cao đẳng hóa của trường Đại học Thủ Dầu Một, còn chị của mình đã trở thành tân sinh viên của trường Đại học Nông Lâm, Thủ Đức, TP.HCM. Với người dân Đạ Tẻ, chuyện học của hai chị em Muôn như một câu chuyện cổ tích có thực giữa đời thường.

Vượt lên số phận

Dưới cái nắng trưa hơi gắt, ở một góc sân trong khuôn viên cơ sở Hướng Dương, học viên Hồ Hữu Quyết (20 tuổi, quê Bắc Bình, Bình Thuận) đang cặm cụi trộn vữa hồ, toàn thân mồ hôi nhễ nhại. Quyết cho biết đang tranh thủ đắp lại con mương chắn nước. Vì mấy hôm nay, những lúc mưa to, nước ngoài đường tràn vào sân mà thầy Vinh lại đi công tác xa. Hiện tại ở cơ sở, Quyết gần như là anh cả của các em. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của Quyết hành nghề, thực sự không thua kém gì một thợ hồ chuyên nghiệp. Cũng vì tự lập sớm, Quyết đã từng trải đủ thứ công việc để mưu sinh. Dầm mưa dãi nắng nhiều, trông Quyết già hơn cái tuổi đôi mươi của mình với nước da ngăm đen mà gương mặt khá chai lì.

Năm học lớp 9, mẹ Quyết đã qua đời trong một lần đi làm đồng bị sét đánh. Quyết phải dọn về ở chung để chăm sóc bà ngoại vốn đã già. Hàng ngày, sau giờ học, Quyết phải tranh thủ kiếm công việc bán thời gian để kiếm tiền nuôi ngoại. Em làm tất các công việc từ đồng áng, thợ hồ, đào đất, đào giếng. Sau ngày mẹ mất không lâu, đau buồn, ba của em bắt đầu lâm bệnh rồi qua đời. Gánh nặng gia đình lại dồn hết lên đôi vai của em khi còn rất trẻ. Vừa học, vừa phải làm kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn, không ít lúc em đã đuối sức lâm bệnh, nhưng rồi phải gượng đứng dậy. Quyết tâm sự, tuần nào cũng mong đến thứ bảy, chủ nhật để được làm việc nhiều hơn, lịch nghỉ học vì thế cũng ngày càng dày thêm. Nhiều khi người mệt lả nhưng em không dám nằm một buổi. Bởi em nằm xuống thì cả nhà lấy gì ăn, tiền đâu mua thuốc cho ngoại...

Khi đến với cơ sở Hướng Dương, ngoài Quyết, Muôn, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm khác. Nếu như bao đứa trẻ cùng trang lứa chỉ biết ước mơ, được bảo bọc trong vòng tay yêu thương của người thân thì các em phải sớm lam lũ, mưu sinh. Phải vắt kiệt cả sức để làm công việc nặng nhọc nhưng các em đều có một nghị lực phi thường. Có người sớm mất ba, người mồ côi mẹ. Có em phải sớm nương tựa ông bà từ thuở bé, nhưng đều có một tinh thần học tập nghiêm túc, sống có trách nhiệm, ước mơ và hoài bão. Đó là Nguyễn Thị Thu Hà, Hồ Nguyễn Thế, Lê Thị Thảo Ny... đến từ Duy Xuyên, Quảng Nam. Từ đầu năm học cấp 2, Thu Hà đã dần làm quen với công việc đan chiếu. Hà cho biết, nếu làm thuần thục, nhanh tay mỗi ngày chỉ được 2 chiếc, số tiền kiếm được chỉ 20.000 đồng, nhưng chưa bao giờ em dám lơ là một buổi để rong chơi cùng bạn bè. Thảo Ny cũng thế, thương cho người mẹ tảo tần phải vắt sức lao động nuôi hai chị em, Ny phải sớm làm quen với việc gia công giày da từ năm 9 tuổi.

Những tháng ngày được nhận đến ăn ở, học tập tại cơ sở Hướng Dương, các em đều tỏ ra hài lòng và cho biết được ăn ngon, mặc đẹp nhưng nghiêm túc trong học tập. Ở đây, các em được sinh hoạt theo giờ quy định. Ngoài giờ học ở trường, thầy Vinh còn kiêm luôn phụ đạo 2 môn toán, lý tại cơ sở. Chia tay chúng tôi, Thảo Ny tâm sự: “Thầy Vinh rất thương các con. Không chỉ dạy cho các con kiến thức, thầy còn thường xuyên khuyên bảo các con phải học thật giỏi để tìm thấy tương lai tươi sáng phía trước, phải sống thật có ích cho xã hội”. Đó không chỉ là mong muốn của thầy Vinh mà cũng là mong mỏi chính đáng của biết bao người thân ở quê xa.

QUANG TÁM - KỲ TÂN

Chia sẻ