Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ lâu các món ăn được chế biến từ cá như chả cá, cá viên chiên... đã có mặt trong thực đơn của nhiều gia đình. Sau này không chỉ có cá, mà từ nguyên liệu là thịt bò, thịt nguội... người ta còn chế biến thành nhiều món khai vị cho các đám tiệc hay món nhắm cho các quý ông khi gặp bạn hiền. Hiện nay, khi đến với các khu du lịch, thị trấn đông dân hay cổng trường học... chúng ta dễ dàng bắt gặp những xe cá viên chiên. Đây là món “Fast food” giàu chất dinh dưỡng không chỉ dành riêng cho trẻ con. Và, một bộ phận lao động đã sống được, thậm chí làm giàu nhờ vào xe cá viên chiên...
Nhộn nhịp phố cá viên chiên ở công viên TX.Dĩ An
Nhiều chiêu giữ nghề
Bình Dương hiện có hàng chục điểm chả cá chiên nổi tiếng. Tuy nhiên, địa chỉ chả cá chiên thơm ngon nhất, đậm đà nhất, ăn nên làm ra nhất vẫn là gia đình vợ chồng anh chị Trang Huệ Bình, Trần Thị Thanh Mai, ngụ phường Phú Cường, TX.TDM. Hơn 30 năm nay, khắp Bình Dương đều biết tiếng chả cá của anh chị Bình - Mai. Chị Mai khẳng định: “Đây là nghề gia truyền. Từ ngày mẹ mất, vợ chồng tôi đã cố gắng giữ nghề, giữ khách hàng cũ và phát triển thêm nhiều mối khách hàng mới”.
Nói về bí quyết của nghề, chị Mai cho biết nguyên liệu để làm chả cá là cá thác lác và cá hường. Để chả cá tươi ngon, yếu tố quan trọng hàng đầu là chọn nguyên liệu thật tươi và lượng cá thác lác càng nhiều thì chả càng ngon. Tỷ lệ cá thác lác tùy vào giá cả khách hàng đặt. Chả cá của chị Mai có 2 giá, nếu lượng cá thác lác gần bằng cá hường thì giá chả là 100.000 đồng/kg; còn lượng cá hường nhiều hơn thì chả có giá 80.000 đồng/kg. Yếu tố thứ hai là phải nêm nếm gia vị đúng mức, vừa miệng, nhiều hương liệu để hết mùi tanh của cá. Tuy nhiên, để giữ khách hàng thì theo chị Mai yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá cả. Chỉ cần bán rẻ hơn người ta mỗi ký vài ngàn đồng là có thể “cạnh tranh” được. Điểm chả cá của chị Mai còn có mặt hàng chả hấp. Đây là mặt hàng mà khách có thể chế biến thành các món chiên, kho, xào, nấu đều tiện. “Từ lúc các xe cá viên chiên bán dạo nở rộ, chúng tôi còn làm thêm mặt hàng cá viên để đáp ứng nhu cầu của mối hàng”, chị Mai nói.
Vợ chồng Định Hạnh đang chuẩn bị hàng cho một ngày rong ruổi
Từ món cá viên chiên bán dạo trên chiếc xe đẩy ban đầu, những người bán dạo món cá viên chiên chiều theo sở thích của khách hàng còn “sáng chế” thêm nhiều món mới và phát triển thành gian hàng, xe hàng thức ăn nhanh với hơn chục món, như: bò nướng lá lốt, bò viên, xúc xích lớn, xúc xích nhỏ, thịt đông, thịt nguội, chả lụa, chả giò, hoành thánh chiên... Vợ chồng Định Hạnh, sở hữu một gian hàng cá viên chiên ở TX.Dĩ An, cho biết: “Ban đầu vợ chồng em chỉ lấy mấy mặt hàng cá viên chiên, xúc xích của bạn hàng rồi chiên lên bán. Sau đó chiều theo ý khách hàng em làm thêm các món đang ăn khách là bò cuốn lá lốt, hoành thánh chiên. Giờ thì xe hàng của vợ chồng em có tới 6 mặt hàng: cá viên, hoành thánh, xúc xích lớn và nhỏ, tàu hủ... Mặt hàng mới nhất em làm cách đây 2 năm và cũng là mặt hàng hút khách nhất là bánh tráng muối ớt. Các em nhỏ rất thích trộn chung cá chiên, xúc xích vào bịch bánh tránh muối ớt. Chúng em luôn chọn nguyên liệu tươi ngon, dù giá có đắt một chút, nhưng giữ được khách hàng”.
Rảo một vòng quan sát thị trường cá viên chiên, chúng tôi thấy hầu hết những người bán cá viên chiên đều có ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Mai ở phường Phú Cường cho biết: “Để làm ăn lâu dài, ngoài việc làm chả cá ngon chúng tôi còn phải bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ mối. Chỗ chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”. Còn vợ chồng Định Hạnh ở TX.Dĩ An thì thật thà cho biết: “Các cháu toàn là con vàng, con ngọc không hà chị ơi. Mình sống được là nhờ khách nên không dám làm ẩu, làm bậy. Các cháu ăn vào mà có bề gì thì kể như mình dẹp tiệm là cái chắc”.
Chính vì biết chăm sóc khách hàng, giữ vững chữ tín, nên những thương hiệu “Mai chả cá” ở TX.TDM, “Định Hạnh cá viên chiên” ở TX.Dĩ An... đã giữ được nghề và làm ăn ngày càng khấm khá.
Bỏ công làm... giàu!
Nếu là cơ sở chế biến chả cá bỏ mối như gia đình chị Mai thì đa số thời gian là làm tại nhà. Chị Mai cho biết: “Công việc của tôi bắt đầu lúc 3 giờ sáng, đến 21-22 giờ tối mới nghỉ”. Bắt đầu một ngày của chị Mai là đi chọn cá, sau đó mang về chế biến, rồi chiên cá, bán hàng tại nhà cho đến tối. 3 giờ sáng hôm sau là phải trở dậy bỏ mối hàng cho hàng chục bạn hàng ở các chợ, bếp ăn trường học, bếp ăn công ty... trước khi đi lấy cá cho ngày hôm sau.
“Con muốn ăn cá viên chiên cơ!”
Còn các bạn hàng, đại lý, nhà phân phối nhỏ lẻ thì năng động hơn với các phương tiện xe đẩy, xe đạp hay xe honda. Vợ chồng Định Hạnh ở TX.Dĩ An thì dùng cả hai phương tiện, vợ đẩy xe trong khoảng cự ly vài ba cây số gần nhà, còn chồng rong ruổi suốt ngày trên xe máy với bán kính rộng hơn. Hạnh cho biết: “Vợ chồng em bắt đầu một ngày làm việc vào lúc 5 giờ 30 phút và kết thúc vào lúc 24 giờ đêm. Mười năm nay, tụi em không biết đến ngày nghỉ cuối tuần hay lễ tết là gì. Vì chính những ngày đó tụi em bán được nhiều hàng hơn nên không dám nghỉ. Chủ nhật là ngày em cực nhất vì phải làm hàng cho cả hai vợ chồng bán ngày hôm sau”. Nói về nghề, Hạnh tâm sự: “Cực nhất là món bò cuốn lá lốt. Để có lời, em còn lội mương, băng suối để xin hái lá. Có khi rách cả quần áo, trầy xướt cả người mới tìm đủ lá lốt cho một ngày bán!”.
Vất vả là vậy, nhưng chị Mai, vợ chồng Định Hạnh và cả những người làm nghề này đều không bỏ nghề để chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn. Định kể: “Ngày mới đến Dĩ An, em bị một anh cùng nghề chém tét lưng chỉ vì cái tội cạnh tranh, giành mối. Nhưng anh em cán bộ ở địa phương đã quan tâm hòa giải và giải thích cho cả hai rằng không nên cạnh tranh bằng dao búa, mà nên cạnh tranh lành mạnh. Anh này sau đó hiểu ra, không gây sự với em nữa”. Còn chị Thu, người bán cá viên chiên ở cổng trường tiểu học Phú Cường (TX.Thủ Dầu Một) hay như chị Lan, chị Hồng bán cá viên chiên ở công viên TX.Dĩ An; anh Minh ở cổng trường Lê Quý Đôn (TX.Dĩ An) đều có chung ý kiến là nếu chịu cực thì chỉ cần bỏ công nghề này có thể đem lại mỗi ngày vài chục đến cả trăm ngàn tiền lời, đủ chi phí cho cái ăn, cái mặc. Đây là nghề không chỉ xóa đói giảm nghèo, người theo nghề nếu khéo tích lũy có thể làm giàu. Bởi theo chị Mai thì ngày đắt hàng chị có thể bán đến vài trăm ký cá chả chiên, cá viên chiên. “Mấy mươi năm theo nghề, nhờ tích lũy dần mà tôi đã mua được nhà cửa, xe cộ và nuôi con ăn học khôn lớn”, chị Mai nói.
Vợ chồng Định, Hạnh cho biết: “Những ngày đầu từ Trảng Bom đến Dĩ An, vợ chồng em khổ lắm. Ngay cả tiền để mua xe cho anh Định cũng phải vay. Được bạn bè chỉ vẽ theo nghề cá viên chiên, hai vợ chồng động viên nhau cố gắng chịu cực làm ăn để nuôi con. Ngày mới theo nghề, vốn hàng mỗi ngày chỉ vài trăm ngàn, còn nay đã tăng lên cả triệu. Số tiền lãi nhờ đó cũng tăng theo. 10 năm theo nghề cá viên chiên vợ chồng em đã nuôi được 2 đứa con trai ăn học nên người và tích lũy mua được 1 ha rẫy, làm nhà hết 250 triệu đồng và mới đây là lo cho đứa con trai lớn đi du học ở Nhật...”. Cháu Đông, con trai của vợ chồng Định Hạnh năm nay 19 tuổi, cao lớn hơn cha và suy nghĩ cũng rất chín chắn: “Con thương cha mẹ cực khổ nên con cố gắng học giỏi, rút ngắn thời gian học tập, đi du học sớm hơn thời hạn để tranh thủ vừa học vừa làm thêm, bớt đi phần nào gánh nặng cho cha mẹ. Con quyết tâm học hành thành đạt để đền ơn, báo hiếu cha mẹ”.
Không chỉ làm giàu, người theo nghề cá viên chiên tuy có cực khổ hơn so với nghề khác nhưng vẫn thành công trên nhiều mặt: mua đất, cất nhà, tậu xe và nuôi con ăn học nên người. Vui với niềm vui của gia đình Định Hạnh, vui với cơ hội của nghề cá viên chiên, tôi như “sáng ra” khi đi tìm nhân chứng để viết bài này, bởi một lẻ: “Không có nghề nhỏ, chỉ có chí nhỏ”!
BẢO ANH