Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhanh không để làm gì...
Về mặt lý thuyết, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với vận tốc tối đa 120km/giờ có thể giúp các xe rút ngắn đến một nửa thời gian so với tuyến quốc lộ 1A quen thuộc. Thực tế thì ít xe tải hàng hóa nào có thể “đạp lút ga” 120km khi bề mặt đường cao tốc có quá nhiều chỗ được đắp vá loang lỗ. Đó là chưa kể dọc tuyến đường này vẫn tồn tại các gờ cao thấp, nhiều vị trí lồi lõm khiến xe cộ bị dằn xóc khi lưu thông, nhất là tại các đoạn lên xuống các cầu vượt, đoạn qua các khe co giãn bằng sắt... Điều này khiến việc lưu thông trên đường cao tốc không thể đạt được tốc độ tối đa như mong muốn. Độ nhám của bề mặt đường cũng khiến các vỏ xe tải chở nặng trên cung đường này mau mòn hơn. Đó là chưa kể nếu xảy ra sự cố về máy móc, chi phí cứu hộ, sửa chữa, bồi thường trên đường cao tốc cũng cao gấp 5 - 7 lần bình thường. Tài xế ấy thẻ trước, đến cuối trạm thu phí sẽ đóng tiền tính trên cây số đường đã sử dụng
Anh Nguyễn Hữu Phước, tài xế xe tải 2,5 tấn cho chúng tôi “quá giang”, chia sẻ: “Đưa hàng từ Bình Dương về Long Xuyên, Châu Đốc hay Kiên Giang không thể quay về trong ngày vì các bến phà trên những tuyến này như An Hòa, Vàm Cống, mà nhất là Vàm Cống luôn bị kẹt xe kéo dài vài tiếng đồng hồ. Tranh thủ lên đường cao tốc cho nhanh, nhưng kẹt phà phải chờ tới mấy tiếng đồng hồ thì nhanh cũng chẳng để làm gì! “Xe container từ các cảng ở Sài Gòn về miền Tây phải chịu lỗ nặng nếu tiếp tục sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vì các chuyến quay về đều chạy xe với container rỗng nên mức phí cho 2 bận 640.000 đồng (phí tính 8.000 đồng/km) là quá cao so chuyện tiết kiệm thời gian. Hiện tại, để điều chỉnh đơn hàng vận tải tăng thêm 10% vì lý do phí cầu đường đã khó, trong khi cần phải tăng thêm 20% phí vận tải thì các nhà xe mới có thể sử dụng đường cao tốc thay cho quốc lộ 1A”, anh Phước phân tích.
Về chuyện tài xế than phiền đường cao tốc có nhiều đoạn chất lượng còn kém, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, xác nhận: “Hiện đơn vị thi công đã bảo hành sửa chữa khoảng 70% sự cố trên toàn tuyến, còn 30% khối lượng công việc dự kiến hoàn thành dứt điểm vào tháng 4 tới!”.
Cũng theo anh Phước, có điều “tế nhị” là đi đường cao tốc lúc chưa thu phí cũng không nhanh được bao nhiêu nhưng cảnh sát giao thông thì rất nhiều, từ đường dẫn phía TP.HCM vào ít nhất có 2 chốt bất kể ngày đêm, vào trong thì lại gặp lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, ra khỏi trạm thu phí phía Trung Lương thì có xe lưu động của Công an Tiền Giang chờ sẵn... Đường thì nhiều chỗ vá, lại cấm dừng cấm đậu nên nhiều khi tài xế mệt hoặc buồn ngủ cũng không dám đậu, vì dễ bị lực lượng cảnh sát giao thông gõ cửa! “Chỉ cần bị xé vài cái biên bản là vợ con đói ngay!”, anh Phước kết luận.
Xe “né” đường cao tốc
Trước khi về cầm lái xe tải 2,5 tấn của gia đình, anh Nguyễn Hữu Phước có thâm niên 5 năm tài xế xe tải chuyên chở hàng container thủy sản đông lạnh từ Cà Mau về Sài Gòn. Anh kể: “5 năm cầm lái xe tải chở cua cho chủ, tôi thấy mình quá liều! Từ Cà Mau lên TP.HCM họ ra điều kiện phải chạy 4 tiếng rưỡi, trễ lắm là 5 tiếng. Nếu quá thời gian quy định, cua chết bao nhiêu thì tôi phải đền bấy nhiêu. Đó là chưa kể việc trễ chợ tài xế cũng phải “ôm” hàng luôn”. Theo anh Phước, chủ hàng phán thế tài xế nào nhắm chạy được thì chạy, không thì thôi. “Suốt thời gian chạy xe chở cua hình như chân tôi không biết đạp thắng là gì, cứ leo lên xe là đạp ga cắm đầu, cắm cổ chạy cho kịp giờ. Trong khi chờ xuống hàng thì tranh thủ ngủ rồi lo đánh xe đi nhận hàng cho chuyến về. Chịu không thấu áp lực về thời gian, phần sức khỏe giảm dần, nên tôi sắm xe tải nhẹ để chở thuê. Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy mà... rùng mình!”, anh Phước tâm sự.
Cà Mau là nơi đóng đô của những nhà máy chế biến hải sản lớn. Cà Mau - TP.HCM là cung đường dài nhất trong các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chính vì “món hàng” đông lạnh đặc biệt này mà thời gian giao hàng được tính bằng giờ, khiến nhiều tài xế phải cắm đầu chạy bạt mạng. Từ khi hai cây cầu Cần Thơ và Mỹ Thuận được đưa vào hoạt động, áp lực thời gian đối với tài xế chở hàng đông lạnh cũng đã giảm nhẹ hơn nhiều so với trước. Hiện tài xế chỉ cần “cân đong” sao cho có lợi nhất với các khoản phí qua cầu, phí “mua đường” cao tốc (vừa đưa vào thu phí kể từ ngày 25-2). Tuy nhiên, lượng xe tải cần “đua thời gian” là không nhiều, các xe không cần “đua thời gian” đều “né” đường cao tốc vì mức phí quá cao. Ông Trần Hậu Ninh, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết trước đây có khoảng 30.000 lượt phương tiện lưu thông qua đường cao tốc mỗi ngày, nhưng trong buổi sáng đầu tiên bắt đầu thu phí, số phương tiện lưu thông qua đường cao tốc giảm trông thấy so với trước khi thu phí.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng mức phí cao đang gây tác dụng ngược vì đánh mất mục tiêu chính của hệ thống đường cao tốc là tăng tốc độ xe và rút ngắn thời gian, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Còn theo ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Đặng Tiến, mức phí cao cuối cùng cũng được doanh nghiệp vận tải đưa vào giá thành và đối tượng lãnh đủ vẫn là người tiêu dùng... “Lãi ròng của một chuyến hàng cho quãng đường trên dưới 100km chỉ từ 300.000 đến 400.000 đồng. Số tiền này không đủ đóng phí cho việc đi lại trên đường cao tốc”, ông Trung phân tích.
Và, để buộc xe cộ phải đi đường cao tốc thay cho quốc lộ 1A, các cơ quan chức năng đã tính toán xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A (thuộc TP.Tân An, tỉnh Long An). Khi trạm này đi vào hoạt động thì xe cộ đi các tỉnh miền Tây buộc phải đi đường cao tốc cho dù không muốn!
Theo quy định, từ ngày 25-2, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thu phí với các mức cụ thể như sau: Xe dưới 12 chỗ, xe dưới 2 tấn và các loại xe buýt là 1.000 đồng/km. Xe từ 12 - 30 chỗ, xe từ 2 đến dưới 4 tấn là 1.500 đồng/km. Xe từ 31 chỗ trở lên, xe từ 4 đến dưới 10 tấn là 2.200 đồng/km. Xe từ 10 - 18 tấn và container 20 feet là 4.000 đồng/km. Xe 18 tấn trở lên và container 40 feet là 8.000 đồng/km (toàn tuyến cao tốc hiện nay dài 61,9km). Phí sẽ được tính trên số km thực tế lưu thông. Khi bắt đầu vào đường cao tốc, tài xế dừng ở trạm thu phí để nhận vé (dạng thẻ từ). Trên vé có ghi các thông tin về địa điểm, mã trạm ngõ vào đường cao tốc, loại xe. Khi ra khỏi đường cao tốc, tài xế xuất trình vé đã nhận, máy sẽ kiểm tra và xác định số km mà phương tiện đã lưu thông trên đường cao tốc, đồng thời tính tiền và in chứng từ thanh toán.
NG.PHƯỚC - NGỌC THỊNH