Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“...Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB), phát hiện, ngăn chặn và xử lý những biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế ngoài công lập (YTNCL). Chỉ thực hiện ký kết hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT của số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại phòng khám đa khoa tư nhân (PKĐKTN). Tại các cơ sở này không tổ chức KCB BHYT đối với các trường hợp chuyển tuyến, vượt tuyến, trái tuyến”. Đó là nội dung Công văn số 245 ngày 18-2-2012 của BHXH Việt Nam. Thực hiện công văn này, ngày 4-2-2012, BHXH Bình Dương đã có Công văn số 543 và 940 hướng dẫn thực hiện Công văn 245 của BHYT Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tuần thực hiện quy định mới đã bộc lộ nhiều điều, mà trên hết vẫn là: Không hợp lòng dân... Cha mẹ các bé dưới 6 tuổi sẽ không còn tiện đâu KCB cho con ở đó khi quy định mới ra đời
Như “gáo nước lạnh”!
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương xã hội hóa y tế, mảng YTNCL ở Bình Dương đã phát triển vượt bậc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh. Theo báo cáo số liệu từ ngành y tế, toàn tỉnh hiện có 2.295 cơ sở YTNCL. Còn theo số liệu của BHXH, năm 2011 cơ quan BHYT đã ký hợp đồng KCB với 51 cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó có 24 cơ sở YTNCL. Tuy nhiên, khi quy định mới cấm các cơ sở YTNCL tổ chức KCB BHYT đối với các trường hợp chuyển tuyến, vượt tuyến, trái tuyến kể như “tước quyền thi đấu” của các cơ sở này. Đây được xem như là “gáo nước lạnh” dội vào các cơ sở YTNCL đang hừng hực với khí thế phát triển theo chủ trương xã hội hóa y tế, đi ngược với chủ trương này.
Bác sĩ Vũ Thị Mộng Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Vạn Phúc (TX.TDM), bức xúc: “Đây là quy định không đúng luật BHYT, vì tinh thần Luật BHYT vẫn cho bệnh nhân KCB trái tuyến, vượt tuyến bất cứ nơi nào. Quy định này không đúng về phân cấp, phân tuyến của ngành lâu nay. Theo tôi, đây là quy định không hợp lòng dân. Chỉ sau 2 tuần thực hiện quy định này, số bệnh nhân có thẻ BHYT đến KCB tại bệnh viện giảm hơn 1/3. Hiện bệnh nhân có thẻ BHYT trái tuyến đến KCB, chúng tôi phải giải thích để họ biết nội dung của quy định mới là họ phải đóng tiền 100%, rồi sau đó đến BHXH thanh toán lại, mức chi trả theo quy định của BHXH. Vì vậy, chúng tôi rất mệt mỏi vì phải giải thích luôn miệng, còn bệnh nhân thì hầu hết đều tỏ ra bực bội với quy định phiền hà này”.
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Văn Hưởng, DNTN Phòng khám Đa khoa Nam Anh (TX.Dĩ An), cũng cho biết: “Đây là quy định rất bất hợp lý, vì trên thực tế có rất nhiều công nhân, cán bộ hưu trí đến Nam Anh là vì gần, vì chuyên môn, vì trang thiết bị và cả vì sự phù hợp về thời gian. Để phục vụ bệnh nhân, chúng tôi tổ chức KCB cả ngoài giờ và thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, quy định mới đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, sức khỏe của người có thẻ. Kế đó là làm ảnh hưởng đến các phòng khám tư nhân và “làm nguội” nhiệt huyết đóng góp của chúng tôi”.
Cũng như BS Hưởng, tất cả các giám đốc PKĐKTN có thực hiện KCB BHYT mà chúng tôi trao đổi đều có cùng quan điểm là: “Nơi nào làm sai thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Còn chỉ vì có nơi làm sai quy định về BHYT mà ban hành một quy định như thế sẽ ảnh hưởng đến tất cả các phòng khám khác và trên hết vẫn là ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ”.
Năm 2011 vừa qua, số lượng người đăng ký tham gia BHYT là 1.044.783 thẻ, so với cùng kỳ tăng 12,1%. Tổng số lượt người KCB BHYT là 3,2 triệu lượt với ước tính tổng chi phí KCB cho các đối tượng có thẻ BHYT là 456 tỷ đồng, tăng 60% so cùng kỳ. Đó là chưa kể chi phí KCB ngoài tỉnh vào khoảng 141 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng BHYT tự nguyện chỉ chiếm 8% tổng số thẻ, nhưng lại có số chi 123 tỷ đồng (chiếm đến 20% tổng số chi và bội chi 86 tỷ đồng). Từ những số liệu đó cho thấy ở Bình Dương đã có hiện tượng lạm dụng BHYT. Thực trạng lạm dụng BHYT là đáng báo động và cần chấn chỉnh. Tuy nhiên, giải quyết thực trạng này bằng việc ban hành một văn bản làm ảnh hưởng đến chủ trương đã dày công xây dựng như xã hội hóa y tế và không hợp lòng dân thì đúng là không phải cách!
Không hợp lòng dân!
Không thể phủ nhận sự đóng góp, “chia lửa” của mảng YTNCL đối với hệ thống y tế công lập trong thời gian qua. Các cơ sở KCB YTNCL phần lớn tập trung tại các huyện, thị có nhiều khu công nghiệp như Thuận An, Dĩ An, TDM, Bến Cát. Năm 2011, những cơ sở này đã KCB cho 496.285 lượt người, chiếm tỷ lệ gần 8% so với tổng số KCB chung. Kể từ khi quy định mới ra đời, đa số bệnh nhân có thẻ đều rất bức xúc.
Chị Võ Thị Lệ Hằng, ở phường Tân Bình, TX.Dĩ An, cho biết: “Con tôi là bé Trần Thị Khánh An, 2 tuổi, có thẻ BHYT do xã cấp, nơi KCB ban đầu là trạm y tế phường. Nhưng do tôi là công nhân Công ty Yazaki, có thẻ BHYT và nơi đăng ký KCB ban đầu là Bệnh viện Nam Anh. Sau một thời gian KCB ở đây tôi rất vừa ý về chuyên môn, cũng như về giờ giấc nên chúng tôi có thể vừa KCB, vừa bảo đảm giờ giấc, ngày công làm việc. Mỗi khi bé bệnh, tôi đều đưa bé đến đây KCB, có thể KCB cho con sau giờ làm việc rất tiện lợi. Quy định mới không cho các cơ sở KCB YTNCL khám BHYT trái tuyến là rất bất lợi cho tôi. Chúng tôi muốn được quyền lựa chọn nơi thuận tiện để KCB chứ buộc phải đi đúng tuyến thì ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Còn nếu nói KCB trái tuyến đóng 100% rồi sau đó đến BHXH thanh toán lại thì lại càng bất tiện vì tốn nhiều thời gian, công sức quá!”.
Anh Trần Thăng Đỉnh, 31 tuổi, quê ở Thái Bình, hiện đang là công nhân tại KCN Sóng Thần, cho biết: “Nơi KCB ban đầu của công ty em là Bệnh viện Quân đoàn 4, nhưng do lượng bệnh nhân đến bệnh viện rất đông, nên bạn bè em đều đến KCB ở Bệnh viện Nam Anh. Riêng em do bệnh nghề nghiệp nên thường bị viêm mũi và cũng thường đi khám trái tuyến ở các phòng khám y tế tư nhân và Bệnh viện Nam Anh vì có thể đi ngoài giờ. Mỗi lần KCB số tiền không nhiều mà phải đi thanh toán lại viện phí tận BHXH Bình Dương chắc em bỏ luôn chứ làm sao đủ tiền xăng xe, chưa nói là phải bỏ ít nhất một buổi làm việc!”.
Ngay cả những người rất có ý thức nhường nhịn, chia sẻ, rất ít đi KCB vượt tuyến, trái tuyến cũng không đồng thuận với quy định mới này. Đó là các anh chị làm ở các sở ngành của tỉnh, nơi đăng ký KCB ban đầu là BVĐK tỉnh, nhưng nhà lại ở các huyện, thị khác cũng thỉnh thoảng phải vượt tuyến, trái tuyến và thường nhất là đi bác sĩ tư nhân. “Nếu phải khám tổng quát hay bệnh nặng chúng tôi mới đến BVĐK tỉnh, chứ còn cảm xoàng thì đi mua thuốc hoặc bác sĩ tư cho nhanh, để dành suất đó cho những bệnh nhân nghèo. Với quy định mới này chắc chúng tôi bỏ luôn KCB vượt tuyến, trái tuyến, mà nếu có KCB trái tuyến cũng bỏ chứ thời gian đâu đi thanh toán lại. Quy định mới này quả là làm khó những người đi làm việc xa nhà như tụi tui!”, anh Thanh - một cán bộ đang làm việc tại cơ quan hành chính của tỉnh, nói.
Phó Giám đốc BHXH Bình Dương LÊ QUANG DOÃN: “Bệnh nhân có thể xin chuyển nơi KCB ban đầu chứ không nên KCB vượt tuyến, trái tuyến”
Theo Luật BHYT, người có thẻ BHYT đi khám đúng tuyến được hưởng 80% (không thuộc diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi). Nếu KCB vượt tuyến, trái tuyến từ bệnh viện hạng III trở xuống được hưởng 70%, bệnh viện hạng II được hưởng 50% và bệnh viện hạng I được hưởng 30%. Từ khi luật ra đời đến nay, bệnh nhân được hưởng phần khám trái tuyến, vượt tuyến tại cơ sở KCB và chỉ đóng phần chênh lệch, chi phí còn lại BHXH sẽ thanh toán trực tiếp với cơ sở y tế.
Tuy nhiên, trước hiện tượng lạm dụng ngày càng nhiều, với giá trị ngày càng lớn BHYT thì BHXH buộc phải có cách làm mới. Bởi có người thuộc nhóm BHYT người nghèo, mệnh giá thẻ chỉ 500.000 đồng/năm, nhưng chỉ trong thời gian 9 tháng đã đi KCB hơn 100 lần, chi phí hơn 50 triệu đồng; có người đi KCB 2 - 3 nơi trong một ngày... Những trường hợp này chúng tôi đã nhờ công an vào cuộc điều tra. Để khắc phục hiện tượng lạm dụng BHYT, BHXH Việt Nam đã có quy định mới. Thực hiện quy định này, từ đầu năm 2011, BHXH Bình Dương cũng quy định bệnh nhân phải đóng 100% chi phí nếu khám tại PKĐKTN, sau đó mang hóa đơn đến BHXH để được thanh toán lại (trừ cấp cứu). Thực hiện quy định này, chúng tôi cũng đã nghe các cơ sở YTNCL và bệnh nhân kêu ca, nhưng trước mắt, chúng tôi vẫn phải thi hành theo quy định của BHXH Việt Nam. Tất cả những phản ánh của các cơ sở YTNCL, của bệnh nhân sẽ được tập hợp, sau đó kiến nghị lên BHXH Việt Nam giải quyết.
Chúng tôi cũng khuyến khích người dân nên mua thẻ BHYT và KCB đúng tuyến, bởi sắp tới có hơn 400 dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Nếu bệnh nhân tín nhiệm PKĐKTN nào đó thì xin chuyển BHYT về nơi đó chứ không nên khám vượt tuyến, trái tuyến.
BẢO ANH