| 07-02-2012 | 00:00:00

Người lưu giữ thời gian...

Ông đến với thú vui sưu tầm đồ cổ kể ra cũng hơn nửa thế kỷ nay. Cái duyên gắn kết ông với mỗi món đồ cổ cũng rất tình cờ. Nhờ cái duyên ấy mà “tài sản tinh thần” của ông ngày một lớn thêm. Ngoài đồng hồ cổ các loại, ông còn sưu tầm nhiều loại khác, trong đó có nhiều món đồ cổ có niên đại cách đây hàng trăm năm. Ông tên là Phạm Thụy Liên hiện ở khu phố 13, phường Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một...

Từ sưu tầm đồ cổ

Người “truyền” cho ông thú chơi đồ cổ chính là bố ông. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấy bố mình say mê những món đồ cổ giá trị. Nhưng vì hồi ấy còn nhỏ, lại mãi lo chuyện học hành nên ông “không chú tâm vào chuyện chơi” này. Bố ông là một người thích sưu tầm đồ gốm sứ cổ của Trung Quốc. Hiện nay, ông Liên còn lưu giữ món đồ cổ mà ông đã được thừa hưởng từ bố mình, đó là bộ đồ trà cổ Vị Thủy của Trung Quốc (dùng cho 4 người uống) được sản xuất từ thời nhà Thanh. Trên bộ đồ trà này có ghi dòng chữ “Khang Hy ứng chế” (tức sản xuất từ thời Khang Hy).

 Ông Phạm Thụy Liên với một góc trưng bày đồ cổ trong nhà mình

Sau này, ngoài bộ đồ trà trên, ông còn sưu tầm thêm một số đồ cổ khác. Ông sưu tầm tất cả những cái gì gọi là “đồ cổ” chứ không riêng gốm sứ cổ như bố mình. Về đồ gốm sứ, ông hay sưu tầm đồ gốm trong nước, như gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng và cả gốm Bình Dương. Hiện tại, ông còn lưu giữ một điếu hút thuốc lào bằng gốm Chu Đậu có niên đại sản xuất vào thế kỷ XV. Ngoài ra, ông còn sưu tầm được một cái tô bằng gốm Chu Đậu được sản xuất vào khoảng thế kỷ XVII. Về gốm Bát Tràng, ông sưu tầm được một chiếc bình đựng rượu được sản xuất vào khoảng thế kỷ XVII. Chiếc bình này đã bị gãy mất phần cổ. Ông tự mình chế thêm phần cổ cho nó và dùng để đựng trà pha nước uống hàng ngày.

 Chiếc đồng hồ cổ chim cúc cu

Trong những hiện vật cổ mà ông sưu tầm được, chúng tôi khá ấn tượng với tượng sa thạch hình Phật đầu chim. Đây là món đồ cổ ông sưu tầm được từ những người dân đi cào cát. Theo các tài liệu mà ông tìm hiểu có liên quan, món đồ cổ này có niên đại vào khoảng thế kỷ XII. Một món đồ cổ khác cũng rất có giá trị và hiếm gặp đó là chiếc đèn đốt bằng dầu của Hà Lan được sản xuất vào cuối thế kỷ XIX. Đây là món quà ông có được do một vị linh mục ở quê tặng... Trong nhà ông còn một số hiện vật cổ khác có giá trị về mặt thời gian mà ông chưa có điều kiện để giám định hết.

Đến sưu tầm đồng hồ cổ

Bước chân vào nhà ông chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng rất nhiều chiếc đồng hồ cổ mà ông đã sưu tầm được trong nhiều năm qua. Dù không nhiều bằng các “tay chơi” khác như ông nói, nhưng ở Bình Dương này so ra bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông cũng thuộc vào hàng nhất. Hầu như hai bên tường nhà ở phòng khách, trong các tủ kính, đến các ngõ ngách khác trong nhà chỗ nào cũng có những đồng hồ đủ kiểu dáng. Ông tự hào kể cho chúng tôi về lai lịch của từng chiếc đồng hồ. Có chiếc đồng hồ cao đến 2m, nhưng cũng có chiếc nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay. Với những người “lơ tơ mơ” về đồng hồ cổ như chúng tôi, nhìn ngắm gia tài của ông chỉ biết gật đầu trầm trồ, còn với ông Liên đó là một thú chơi.

 Tượng sa thạch Phật đầu chim

Ông đến với thú chơi sưu tầm đồng hồ cổ như một cơ duyên. Cái duyên ấy được bắt nguồn từ khi ông còn là sinh viên trường đại học. Lúc đó, ông ở trong nhà một người chuyên sửa chữa đồng hồ quả lắc cổ ở Hà Nội. Vốn ham học hỏi và “thấy công việc này cũng hay hay” nên ông xin học thêm cho biết. Học xong rồi để đó thôi vì ra trường ông công tác bên ngành tài chính và cũng không có thời gian để làm thêm nghề sửa đồng hồ. Dù thế, ông vẫn không quên cái nghề mà mình có duyên học được này.

Mãi đến sau giải phóng, khi đã vào Bình Dương công tác ông mới có điều kiện mua được hai cái đồng hồ cổ để chơi. Hai cái đồng hồ này hiện nay ông vẫn còn giữ. Một cái của Đức sản xuất từ thế kỷ XVII và một cái của Pháp sản xuất. Sau này, khi nhiều người sửa chữa, xây dựng nhà mới, những vật dụng trong nhà cũng được thay thế bằng những đồ mới hiện đại. Những đồ vật cũ kỹ, trong đó có những chiếc đồng hồ được bán cho những người đi mua ve chai. “Chẳng ai chú ý đến nó. Họ bảo nó hư rồi nhưng với mình thì chúng vẫn còn sử dụng được”, ông nói. Vậy là ông trở thành người thu mua lại những chiếc đồng hồ cổ bị chủ nhân của nó bỏ đi từ những người buôn bán ve chai này. Tất nhiên, ông mua với giá cao hơn các vựa thu mua ve chai nên mỗi khi có món đồ nào “nhìn thấy cũ cũ” là người ta mang đến bán cho ông.

Là đồ bỏ đi nên không có cái nào toàn vẹn. Để chúng trở lại hoạt động bình thường ông phải bỏ không ít công để sửa chữa. Không có linh kiện thay thế nên thường phải thu gom 2 - 3 chiếc mới sửa lại thành một chiếc chạy được. Cũng có những chiếc gom hoài mà không có linh kiện thay thế ông đành tự mình chế thêm. Sau nhiều ngày cặm cụi bên những chiếc đồng hồ cũ nát, ông thấy tinh thần mình trở nên minh mẫn, sảng khoái hơn. Ấy là khi ông vừa sửa xong một chiếc đồng hồ. Cứ thế, ông đã “hồi sinh” hết chiếc đồng hồ này đến chiếc đồng hồ khác. Rồi ông trở thành “người sưu tầm đồng hồ cổ” lúc nào không hay. Chỉ biết rằng, đến nay, trong “gia tài tinh thần” của ông có hơn 40 chiếc đồng hồ cổ các loại. Đây là những chiếc được ông giữ lại vì có nhiều kỷ niệm gắn bó với ông.

Ông sưu tầm tất cả các loại đồng hồ, trong đó phần lớn là loại đồng hồ chạy cơ và lên dây thiều chứ không sưu tầm loại đồng hồ điện tử. Đầu tiên phải kể đến loại đồng hồ quả lắc. Từ loại một lỗ (một dây thiều, còn gọi là dây cót) đến loại hai lỗ, loại ba lỗ. Riêng loại ba lỗ có nhiều nước sản xuất khác nhau, như: Anh, Đức, Pháp... Trong loại đồng hồ này lại có loại treo tường, loại để bàn, loại để tủ; hay loại lên dây chạy một tuần, loại chạy 15 ngày, loại chạy cả tháng, loại chạy cả năm. Sang một loại đồng hồ khác mà ông thường sưu tầm đó là loại đồng hồ công sở. Loại này thường do Pháp, Đức, Trung Quốc sản xuất. Kế đến là loại đồng hồ đeo tay. Loại này hiện nay ông có hơn 10 chiếc, chủ yếu do Nhật, Pháp sản xuất qua các thời kỳ... Nghe ông giới thiệu vanh vách nguyên lý hoạt động từng chiếc đồng hồ đến tiếng chuông, tiếng nhạc chiếc này khác chiếc kia ra sao, chúng tôi hiểu rằng đồng hồ cổ không đơn thuần là một thú chơi như ông nói, mà còn là một phần tâm hồn ông.

“Đây là thú chơi, là niềm vui của chú”, ông nói. Đã là thú vui thì khó mà đoán định được giá trị của mỗi chiếc. Nếu món đồ đó người chơi thấy thích thì giá bao nhiêu họ cũng mua. Bởi thế, có nhiều chiếc đồng hồ ông sưu tầm được có người trả giá rất cao nhưng ông không bán. Cách đây khoảng một năm, chiếc đồng hồ hiệu máy J do Đức sản xuất ông sưu tầm được người ta trả giá 40 triệu đồng nhưng ông không bán. Chiếc này luôn được ông treo ở phòng khách để giới thiệu với bạn bè mỗi khi họ ghé nhà chơi. Chia sẻ về niềm vui mà ông có được từ những chiếc đồng hồ cổ này, ông nói: “Chơi đồng hồ cổ có điều lý thú là từ chỗ nó không hoạt động, đã hư rồi nhưng mình sửa sang và làm cho nó sống lại. Và không chỉ sống lại, mình còn làm cho nó chạy nghiêm chỉnh, báo đúng giờ và đánh được những bản nhạc mình ưa thích. Bởi thế, nó giống như đứa con tinh thần của mình vậy...”. Thế nên, nói là chơi cho vui nhưng để chơi được cần phải có đam mê. Và một khi đã đam mê rồi thì người chơi có khi quên cả ăn, cả ngủ. “Thấy chú đã ngoài thất thập rồi mà còn ngồi còng lưng cả ngày sửa mấy chiếc đồng hồ cũ, nên cô cũng hay rầy vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thời kỳ mấy người bán ve chai đến “bỏ mối” cho chú mấy món đồ cổ nhưng bị cô đuổi nên chú mua trật nhiều cái lắm”, ông cười vui. Làm cho mình hết, ông quay sang sửa đồng hồ cổ cho bạn bè, anh em cùng cánh chơi với nhau. Có cái chỉ sửa mất vài ngày công, nhưng cũng có cái sửa đến cả tuần, nửa tháng mới xong. Nhiều lúc sửa xong anh em mang biếu hộp bánh, gói trà nhưng ông cũng thích làm. Ông làm là vì đam mê, vì niềm vui mà chỉ mình ông mới cảm nhận hết được.

Ngoài bản thân mình đam mê, ông còn muốn chia sẻ thú vui ấy cho bạn bè, người thân. Lâu lâu lại thấy ông cùng một số người, trẻ có, trung trung có và cả những người già cùng chung sở thích sưu tầm đồng hồ cổ tụ họp với nhau để bàn luận về đồng hồ cổ, về cái hay cái đẹp, về đôi tay tài hoa của người thợ làm ra những chiếc đồng hồ thời xưa. Rồi ông mang “gia tài có giá trị tinh thần” của mình chia bớt cho con, cháu trong nhà mỗi đứa một vài chiếc. Ông coi đó như là “tài sản vô giá” mà mình để lại cho con, cháu. Ông nói, cũng là cách để ông truyền lại niềm đam mê của mình cho đời sau.

HỒNG THUẬN

 

 

Chia sẻ