| 28-12-2013 | 00:00:00

Nghiên cứu khoa học hay “nghiên cứu” bớt, xén?

Một công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước có kinh phí thực hiện 2,7 tỷ đồng, do một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì, ấy vậy mà lại xảy ra những chuyện “lùm xùm” quanh vấn đề tiền bạc thực sự làm công luận bất ngờ trong những ngày qua. Từ chỗ bất ngờ, công luận lại càng phải đặt câu hỏi rằng, còn bao nhiêu công trình khoa học “lùm xùm” tương tự chưa được nêu ra?

Tiếp cận thông tin xung quanh công trình nghiên cứu “Những tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ” hẳn những ai quan tâm sẽ không khỏi giật mình thốt lên rằng, đây là một công trình khoa học nghiêm túc hay là một công trình để “nghiên cứu” chuyện bớt, xén kinh phí thực hiện? Theo thông tin từ báo chí vừa nêu, sự “lùm xùm” tiền bạc không đến từ những nhà khoa học thực hiện đề tài mà lại đến từ người đứng đầu trung tâm nghiên cứu này. May thay, trước những lời đề nghị phi khoa học về vấn đề kinh phí của người đứng đầu đơn vị chủ trì đã bị nhà khoa học chủ nhiệm đề tài phản ứng gay gắt. Không những vậy, nhà khoa học thực hiện đề tài đã thẳng thừng tố cáo những lời đề nghị của vị giám đốc trung tâm kia ra trước “bàn dân thiên hạ” thông qua con đường báo chí với những bằng chứng không thể chối cãi!

Theo nhà khoa học - tiến sĩ Phạm Huyền - Chủ nhiệm đề tài khoa học nêu trên rằng, ông không chấp nhận và cũng không thể tưởng tượng việc giám đốc đơn vị chủ trì đề tài gợi ý phải trích lại tới 50% kinh phí thực hiện để đơn vị chủ trì lo cho công tác quản lý, thậm chí là lo luôn chuyện “ngoại giao”, “trà nước”! Theo ông Huyền, lời đề nghị trên nếu đáp ứng thì chẳng khác nào buộc những người trong nhóm thực hiện phải… gian dối. Với những nhà khoa học chân chính, từ kinh phí thực hiện đến các cứ liệu khoa học đều không có chỗ để sự dối trá tồn tại. Một tinh thần khoa học rất đáng để hoan nghênh.

Hoan nghênh ông Huyền và những người trong nhóm thực hiện đề tài này khi họ đã mạnh dạn nói lên sự thật, một sự thật đắng lòng với những ai làm khoa học đúng nghĩa của nó. Hoan nghênh, nhưng lại còn đó những băn khoăn chưa có lời giải đáp. Bởi hàng năm, trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, từ cấp tỉnh, thành đến cấp quốc gia có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn đề tài khoa học được thực hiện bằng kinh phí Nhà nước. Ai dám chắc trong số đó có bao nhiêu phần trăm đề tài được nghiên cứu một cách nghiêm túc? Bao nhiêu đề tài bị bớt xén kinh phí nghiên cứu để lo những chuyện ngoài khoa học hoặc tư lợi cá nhân? Rất khó để giải đáp những câu hỏi đặt ra. Thôi thì cứ tin tưởng lạc quan rằng, những người làm khoa học đúng nghĩa vẫn là số đông, những con người “nghiên cứu” phi khoa học chỉ là số ít, rất ít vậy!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ