| 27-12-2013 | 00:00:00

Quản lý chặt việc đào tạo ngành nghề

Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết khi so sánh các năm gần đây thì thấy rõ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm tăng mạnh cả về tỷ lệ phần trăm và con số tuyệt đối. Bà Mai đưa ra con số dẫn chứng, nếu như năm 2010, người có trình độ đại học ở độ tuổi 21 - 29 thất nghiệp chỉ chiếm 6,84% thì đến năm 2013 số người thất nghiệp có trình độ đại học tăng lên 9,89%...

Thông tin bà Mai đưa ra không gây bất ngờ cho nhiều người, vì đây là thực tế đã được nhiều chuyên gia từng cảnh báo hơn 10 năm về trước. Điều người dân đang hết sức lo lắng là chúng ta đã chưa giải quyết tốt vấn đề cung - cầu lực lượng lao động trên thị trường. Nguyên nhân của thực trạng này thì có nhiều nhưng ở đây xin nhìn nhận ở khía cạnh quản lý chất lượng đào tạo ngành nghề của các cấp, các ngành hiện nay.

Trở lại chuyện thi đại học hơn 20 năm trở về trước, khi đó con em thi đậu vào một trường đại học là mơ ước của rất nhiều gia đình, người thật sự giỏi mới có thể vào được đại học; khi ra trường đa số sinh viên có việc làm ổn định. Đem câu chuyện này ra so sánh với điều kiện hiện nay cũng có phần khập khiễng, nhưng điều cần nhìn nhận đó là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khi đó được các bộ ngành, các trường quan tâm, xem chất lượng đầu ra của sinh viên là thước đo uy tín của trường mình.

Chủ trương mở rộng các loại hình đào tạo ngành nghề hiện nay là đúng đắn, phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển của đất nước, nhưng trong quá trình thực hiện, quản lý của ngành chức năng còn nhiều bất cập.

Một bất cập có thể thấy được đó là có quá nhiều trường đại học được thành lập, trong khi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo của nhiều trường chưa tương xứng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thành lập trường đại học hiện nay quá “thoáng”, dễ như thành lập một doanh nghiệp. Chính vì thế mới có những trường “quên” chất lượng đầu ra của sinh viên, chạy theo số lượng để tăng nguồn thu cho trường. Có những trường chỉ xét tuyển với điểm sàn rất thấp, thậm chí có trường còn xét tuyển không đủ chỉ tiêu. Thực tế này thử hỏi làm sao những trường này đào tạo sinh viên có chất lượng được?!

Một bất cập nữa là việc quản lý đào tạo các ngành nghề chưa tốt nên dẫn đến tình trạng nhiều trường đào tạo theo phong trào, sở thích mà chưa tính đến nhu cầu của thị trường. Chính vì thế mà mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành đang “thừa” đầu ra…

Việc cần làm của các ngành chức năng và các trường học hiện nay là phải làm tốt công tác hướng nghiệp, tăng cường đưa thông tin về thị trường lao động đến các vùng miền, làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực… để có chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề, ổn định cuộc sống, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

HOÀNG ANH

Chia sẻ