Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mô hình tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang được nhân rộng ở nhiều địa phương và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và các đơn vị kinh doanh trong tỉnh. Điều này đang dần thay đổi thói quen thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt sang phương thức quét mã QR-Code, chuyển khoản, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số.
Người dân tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo hào hứng với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch
Trải nghiệm dịch vụ mới
Hiện huyện Phú Giáo đang triển khai thí điểm mô hình tuyến phố TTKDTM trên 4 tuyến đường ở thị trấn Phước Vĩnh gồm Hùng Vương, 18-9, Độc Lập, ĐT741 nhằm thúc đẩy, khuyến khích và tạo thói quen cho người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán trực tuyến khi mua sắm, giao dịch. Hiện tại, có khoảng gần 500 hộ kinh doanh trên các tuyến phố này đã được trang bị mã QR-Code để thanh toán trực tuyến.
Tại các quán cà phê, quán ăn, cửa hàng thời trang trên đường 18-9, thị trấn Phước Vĩnh, nhiều khách đến mua sắm và thưởng thức đồ uống thay vì phải chi trả tiền mặt đã thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại hoặc thẻ tiện lợi. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu, chủ quán giải khát tại số 35 đường 18-9, thị trấn Phước Vĩnh, chia sẻ chị được ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản để thanh toán trực tuyến. Rất hào hứng với hình thức mới này, chị luôn khuyến khích khách hàng của mình thanh toán bằng cách quét mã QR-Code.
Với sự hưởng ứng tích cực của các hộ kinh doanh, thói quen dùng tiền mặt của khách mua hàng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt. Anh Nguyễn Thanh Hà, khu phố 9, thị trấn Phước Vĩnh cho biết: “Trước đây, tôi nghĩ TTKDTM chỉ áp dụng khi mua bán các mặt hàng có giá trị lớn nhưng nay uống 1 ly cà phê, mua từng viên thuốc cũng có thể thanh toán bằng cách quét mã hoặc chuyển khoản. Giờ ra ngoài chỉ cần cầm theo chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán mọi thứ, rất tiện lợi”.
Cùng với huyện Phú Giáo, mới đây các huyện như Dầu Tiếng, Bàu Bàng cũng triển khai thí điểm tuyến phố TTKDTM tại tuyến đường trung tâm huyện. Tuyến đường NC, khu phố Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tuyến đường Hùng Vương, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng là các tuyến đường đã triển khai mô hình này. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, ngân hàng thương mại tích cực hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử như mã QR, máy POS, ví điện tử, ứng dụng Mobile Banking, internet Banking.
Chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương kinh doanh tại khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng, cho biết: “Có tài khoản tôi nhận thấy thuận lợi, nhanh chóng cho cả người mua và người bán. Lúc đầu, tôi thanh toán qua hình thức điện tử cũng bỡ ngỡ, nhưng thao tác thực hiện một, hai lần là thấy dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều so với dùng tiền mặt”.
Xây dựng thói quen
Hình thức TTKDTM rất thuận tiện, không chỉ được doanh nghiệp, người dân mà các nhà cung cấp dịch vụ, chính quyền các địa phương rất quan tâm. Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết: “Trước khi chọn tuyến đường làm điểm xây dựng mô hình TTKDTM, các ngành, đoàn thể đã đến từng hộ kinh doanh vận động tuyên truyền, được bà con tiểu thương đồng thuận rất cao, các đơn vị viễn thông, ngân hàng hỗ trợ cài đặt ứng dụng cấp mã QR Code, mọi việc thực hiện rất nhanh chóng”.
Cũng theo bà Trần Hồng Dung, tới đây, huyện sẽ phối hợp với các xã, còn lại của huyện thực hiện mô hình này. Trong đó, mỗi xã có ít nhất 5 hộ là người dân, người kinh doanh mua bán, giao dịch bằng hình thức thanh toán điện tử, kể cả 2 xã nông thôn là An Long, Phước Sang có mật độ người kinh doanh thương mại dịch vụ thấp, khả năng người tham gia ít. Từ đó, góp phần thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số của huyện và từng bước nâng cao tỷ lệ TTKDTM trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng khẳng định việc triển khai tuyến đường TTKDTM trên địa bàn nhằm tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, TTKDTM. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay”.
THANH HỒNG