| 13-12-2010 | 00:00:00

Những chuyến cứu trợ nặng nghĩa tình

Kỳ 2: Trong hoạn nạn ta có nhau... (tiếp theo kỳ trước)

Rời Phú Yên, chúng tôi di chuyển về Bình Định, một tỉnh kế cận cũng bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt ở miền Trung. Đi đến đâu, chúng tôi cũng phải chứng kiến hàng vạn sự mất mát, đau thương khác. Nhiều đến mức có cảm giác nỗ lực cứu trợ của mình như những giọt muối bỏ bể...

Về vùng tâm lũ

Kết thúc ngày làm việc tại 4 xã đặc biệt khó khăn của Phú Yên, trời đã tối mịt lại mưa to rất to. Vẻ bơ phờ, mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt từng người trong đoàn. Theo đúng lịch trình, đoàn sẽ cứu trợ tại 5 xã bị thiệt hại nặng của tỉnh Bình Định vào ngày 2-12. Cái mệt không đáng nói nhưng trên suốt dọc đường làm việc tại Phú Yên, qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi được biết lũ đang dâng cao và nhấn chìm thành phố Quy Nhơn cùng các huyện phía đông tỉnh Bình Định. Điện thoại của các thành viên trong đoàn cũng liên tục nhận được sự quan tâm của người thân ở Bình Dương và thậm chí là từ rốn lũ Bình Định. Di chuyển từ Phú Yên ra Bình Định ngay trong đêm là hết sức nguy hiểm, vì lũ có thể dâng cao bất cứ lúc nào. Thế nhưng chỉ sau gần 20 phút dừng lại ven đường dùng cơm qua quýt, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiên quyết chỉ đạo: “Chúng ta phải lập tức ra Bình Định với đồng bào vùng lũ. Hơn lúc nào hết, bà con vùng lũ đang cần sự trợ giúp của những phần quà cứu trợ từ Bình Dương”.

  Đoàn Bình Dương trao tiền cứu trợ tận tay người dân vùng lũ Bình Định

Lại một chuyến đi nhọc nhằn vì đường xấu kinh khủng, lại đặc biệt khó đi trong đêm. Đến Quy Nhơn, đã là 2 giờ sáng và nhiều tuyến đường bị chìm trong biển nước. Chợp mắt đến 5 giờ sáng là dậy để di chuyển về huyện An Nhơn, rốn lũ của cả tỉnh. Vừa đến thì bà con đã đứng chật cả lối đi vào UBND xã Nhơn Hòa, một trong những xã thiệt hại nặng nề nhất tỉnh này. Kiệm lời phát biểu, bỏ qua lễ nghi đón tiếp, những phần quà cứu trợ rất thiết thực đã được chuyển đến tận tay từng người. Cầm phần quà lên đến 500 ngàn đồng trong tay, chị Nguyễn Mỹ Lệ, thôn Huỳnh Kim không giấu vẻ xúc động: “Tôi sống chung với mẹ già đã mất sức lao động. Năm nay lũ triền miên, nhà bị ngập đến 6 lần rồi, may mà có món quà quý giá lần này. Hy vọng đây đã là đợt lũ cuối và phần quà này sẽ giúp tôi vượt qua khó khăn trước mắt”.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ làm việc đến cuối giờ chiều ngày 2-12 để hoàn thành phần đợt cứu trợ tại Bình Định nhưng giờ chót ông Nguyễn Tấn Lộc chỉ đạo đoàn căng sức ra hỗ trợ tất cả bà con ngay trong buổi sáng hôm ấy để quà cứu trợ sớm được đến tận tay bà con. Đi khắp 5 xã Nhơn Hòa, Nhơn Hạnh, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hậu của huyện An Nhơn, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những mảnh đời khắc khổ trong lũ dữ. Đi trên đường bê tông liên huyện nước ngập tràn qua cả mặt đường, phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng trong nước lũ đục ngầu là những căn nhà cấp 4 ngập đến quá nửa. Hoa màu ngập chìm, xác chết gia cầm nổi trôi trên mặt nước. Đến xã nào cũng xin bản số liệu thống kê thiệt hại rồi lặng người khi đập vào mắt là những con số hoa màu bị sa bồi thủy phá, những ngôi nhà bị sập rồi người thiệt mạng vì mưa lũ...

Đến xã Nhơn Hậu, chúng tôi xúc động lặng người khi cụ Nguyễn Thị Bốn, 75 tuổi sau khi nhận quà cứu trợ của đoàn cứ nấn ná mãi không về. Khi các thành viên trong đoàn ra về, cụ cầm lấy tay ông  Nguyễn Tấn Lộc nói: “Xin cảm ơn nhân dân Bình Dương! Xin cảm ơn đoàn! Những lúc khó khăn thế này chúng tôi mới thấm thía hết nghĩa tình của bà con trong ấy với ngoài này. Cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất”.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Khi xe của đoàn cứu trợ vừa vào đến cổng UBND xã Nhơn Phong, chúng tôi thấy một cô gái trẻ kêu khẽ lên: “Ôi Bình Dương!”. Lân la hồi lâu và phải sau nhiều lần dọ hỏi, chúng tôi mới biết cô gái tên Nguyễn Thị Trang, 19 tuổi, là người của thôn Trung Lý. Trang mồ côi cha từ nhỏ. Học xong bậc THPT, Trang phải vào Bình Dương làm công nhân may mặc để phụ mẹ nuôi bà. Đọc trong bản thống kê thiệt hại của toàn xã mới thấy, hộ Nguyễn Thị Minh, bà của Trang thiệt hại nặng nhất khi toàn bộ căn nhà chìm trong nước, sập hoàn toàn. Đó chính là nguyên nhân khiến cô phải xin công ty về quê để giúp bà và mẹ.

“Trong Bình Dương mình chẳng có lũ lụt gì cả, lại nhiều công ty, xí nghiệp nên cuộc sống của người dân trong đó không vất vả như ở đây” - Trang rút ra nhận xét, rồi tiếp: “Cả xóm em, thanh niên ở lại quê ít lắm, đều vào Nam làm việc, riêng ở Bình Dương có 6 người. Cả xã còn đông hơn. Em thực sự rất bất ngờ và xúc động vì bỗng dưng ở đây lại có một đoàn cứu trợ lũ lụt của... Bình Dương”. Khi đoàn chia tay với xã Nhơn Phong, chúng tôi luyến lưu mãi với cô bé Trang, một công nhân đang làm việc tại Bình Dương với lời nhắn cuối cùng: “Sau đợt này, em tranh thủ giúp mẹ vài hôm nữa rồi lên đường vào lại công ty lo cho đợt tăng ca cuối năm. Mong rằng sẽ kiếm thêm được nhiều tiền về phụ mẹ xây lại nhà”.

  Sau lũ, những nông dân Bình Định lại bắt tay vào vụ mới để ổn định cuộc sống

Chưa có một thống kê chính thức nào về số lượng lao động Bình Định làm việc tại Bình Dương cũng như số người Bình Định chọn Bình Dương làm bến đỗ làm ăn, nhưng theo ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định thì con số ấy là rất lớn. Điều đó cộng với những lần chia sẻ gian khó đầy nhiệt tình của Bình Dương với đồng bào bị thiên tai, bão lũ tại Bình Định cho thấy tình cảm khắng khít giữa hai tỉnh. Đó cũng là một cầu nối thân thiện khiến cho ngày càng nhiều con em Bình Định sau khi học tập và rèn luyện ở các trường đại học, cao đẳng chọn Bình Dương làm đất lập nghiệp.

Ba ngày sau, khi đoàn cứu trợ bão lụt của Bình Dương quay vào, tôi có dịp trở lại 5 xã mà đoàn đã tham gia cứu trợ tại huyện An Nhơn trước đó. Lũ đã đi qua, nhịp sống bình thường đã trở lại đối với bà con nơi đây. Những thửa ruộng bị sa bồi, thủy phá được bà con chung tay dọn dẹp và chỉnh trang gọn gàng, sạch sẽ. Dưới những thửa ruộng thẳng tắp và còn lưu tích sức tàn phá của mưa lũ, họ miệt mài chuẩn bị cho vụ gieo sạ đông xuân.

Dù thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Đau thương và mất mát dường như đã là thứ mà những con người miền Trung này quen phải hứng chịu hàng năm. Điều quan trọng là họ vẫn thường đứng dậy rất nhanh sau những mất mát ấy. Nhưng trong muôn vàn nỗ lực vượt sức của bà con vùng lũ, rất đáng vui mừng là đã có bàn tay chung sức khỏa lấp mất mát và niềm đau của nhân dân Bình Dương và cả nước. Thực tế cho thấy Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và lũ lụt. Chính vì thế mà năm nào cũng có những chuyến xe cứu trợ xuyên suốt chiều dài đất nước. Mừng thay, lúc nào và ở đâu ta cũng có nhau. May mà ta có nhau!

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ