| 07-10-2015 | 10:53:17

Những điển hình tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số

Hội nghị điển hình tiên tiến hệ thống cơ quan công tác dân tộc năm 2015 tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bình Dương vinh dự có 6 cá nhân được Ủy ban Dân tộc khen thưởng. Họ là những người có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của địa phương, gương đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực vận động bà con dân tộc xây dựng đời sống văn hóa. 

Cô Lý Thị Nguyên: Người phụ nữ chăm chỉ

Đến ấp 6, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên hỏi về cô Lý Thị Nguyên (SN 1961), người dân tộc Nùng làm kinh tế giỏi ai cũng biết. Mọi người còn đặt cho cô biệt danh “người phụ nữ chăm chỉ”. Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, cô Nguyên chia sẻ: “Tôi sinh ra tại mảnh đất Lạng Sơn. Năm 1975, Nhà nước khuyến khích người dân vào vùng kinh tế mới, trong đó có gia đình tôi. Mới vào Bình Dương, gia đình tôi là một trong những hộ ĐBDTTS thuộc diện nghèo của xã Vĩnh Tân. Sau khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cấp đất, cho vay vốn sản xuất, gia đình đã tập trung mở rộng trồng cây cao su, điều. Nhờ đó đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”.

Ban đầu gia đình cô Nguyên trồng hoa màu và làm thuê để trang trải cuộc sống nơi quê hương mới. Tích góp vốn từ những vụ trúng mùa và làm thuê, gia đình cô chuyển sang mua bán nhỏ. Có được số tiền cô mua thêm đất để trồng cây cao su, điều. Hiện nay, gia đình cô có hơn 7 ha đất trồng cây cao su, điều đang cho thu hoạch. Hàng năm, trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình cô khoảng 150 triệu đồng.

Gia đình cô đã thoát nghèo và xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy... các con của cô được học hành đến nơi đến chốn. Cô Nguyên cho biết thêm: “Tôi nhận thấy các chính sách cấp đất, cho vay vốn hỗ trợ sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật của Nhà nước là rất hữu ích, không chỉ riêng gia đình tôi mà còn có nhiều hộ khác trong xã đã thoát nghèo. Tuy nhiên, khi có điều kiện sản xuất mà bản thân mình không chăm chỉ, siêng năng cũng sẽ không thành công. Do đó, các thành viên trong gia đình tôi luôn nhắc nhau cố gắng làm ăn để nhanh chóng ổn định cuộc sống“.

Giảm nghèo và làm giàu chính đáng là những thành công trong cách làm kinh tế của cô Lý Thị Nguyên. Cô thực sự là một tấm gương điển hình, đáng để bà con các ĐBDTTS khác trong tỉnh học tập và làm theo. Cô đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh về lao động giỏi năm 2014, bằng khen của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

 Cô Thạch Thị Ngọc: Tích cực làm giàu và làm từ thiện

Một trong số những tấm gương điển hình ĐBDTTS biết vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, đó là cô Thạch Thị Ngọc (SN 1966), người Khmer xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay cô đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Mỗi năm thu nhập gia đình của cô hơn 1 tỷ đồng. Với số tiền làm ra, cô đã tích cực giúp đỡ người nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Kể về những ngày đầu khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn, cô Ngọc bộc bạch, khi đến xã Minh Hòa làm kinh tế, cô thấy diện tích đất khá rộng lớn nên đã khai hoang trồng cây ăn trái. Sau nhiều lần thất bại do sâu bệnh, giá cả bấp bênh, cô chuyển sang chăn nuôi, trồng cao su, điều. Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên cô gặp không ít khó khăn, thất bại. Nhưng với tinh thần chịu khó nghiên cứu, học hỏi những mô hình sản xuất hay trong xã và được tham dự các lớp học về ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, cùng với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, cô đã gặt hái nhiều thành công. Đến nay, diện tích cao su, tràm bông vàng... của gia đình cô gần 40 ha, trong đó diện tích cao su chiếm khoảng 30 ha. Ngoài ra, cô còn nuôi bò sinh sản khoảng 50 con.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, cô còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ bà con trong ấp về con giống, cây trồng và hướng dẫn các hộ dân về cách làm ăn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, gia đình cô còn tạo công ăn việc làm ổn định thường xuyên cho 20 lao động, 30 lao động thời vụ. Cô còn tích cực tham gia công tác từ thiện, hàng năm giúp đỡ 10 hộ khó khăn về vốn, giúp 5 cháu mồ côi đến trường; hỗ trợ tập, sách cho học sinh nghèo; tặng 50 phần quà, trị giá 25 triệu đồng cho hộ nghèo… Cô Ngọc nói, trước đây mình khó khăn, đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Do đó, cô tâm niệm khi có điều kiện khá giả mình sẽ giúp lại những mảnh đời bất hạnh. Mặc dù món quà, sự giúp đỡ của cô tuy ít ỏi nhưng đây là động lực để người nghèo khó tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, các cháu nhỏ được đến trường để trở thành người có ích cho xã hội.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ