| 07-07-2013 | 00:00:00

Nỗi buồn điện kế cụm!

(BDO) Thay vì sử dụng điện với giá quy định của Nhà nước, hàng trăm hộ dân thuộc xã Tân Định, huyện Tân Uyên hiện đang phải trả mức chi phí điện theo kiểu “cào bằng” mỗi tháng. Giá điện cao nhưng chất lượng điện thì chập chờn “lúc mờ, lúc tỏ”. Thực tế này đã tồn tại hơn 15 năm nay khiến cả người dân lẫn lãnh đạo địa phương đều bức xúc.

“Đèn thì chập chờn, cơm thì nhão”

Men theo con đường đất đỏ dẫn vào ấp Bà Đả, xã Tân Định là một đường dây điện mỏng manh, được đấu nối từ thùng điện kế cụm trên đường ĐT 746. Cứ cách vài trăm mét lại có một cột điện nghiêng ngả, có đoạn dây điện võng xuống gần sát mặt đất hoặc xuyên trong những lùm cây khá nguy hiểm.

Anh Huỳnh Đức Nhã, một hộ dân thuộc tổ 7, ấp Bà Đả chia sẻ: “Nhà tôi ở gần đường điện này, hàng ngày vẫn phải canh chừng vì sợ các cháu nhỏ ra chơi chỗ dây điện võng xuống. Trời mưa, trời nắng điện chập vô cùng nguy hiểm…”

Ngoài việc đường dây điện mất an toàn, điều khiến cả gia đình anh Nhã và bà con trong ấp bức xúc là chất lượng điện quá kém. “Cứ đến chiều tối là bóng đèn chập chờn như muốn tắt. Nhiều lúc muốn bơm nước phải thức dậy từ khoảng 2, 3 giờ sáng”, anh Nhã nói. Nhà anh Nhã cách đường ĐT 746 khoảng 700 mét nhưng dây điện lại chạy vòng hơn 1 km theo hướng khác để vào nhà. Buồn bực vì điện quá yếu, cách đây không lâu gia đình anh quyết định đấu nối thêm đường dây mới theo hướng đường nhựa chạy thẳng vào nhà, nhờ vậy điện có mạnh hơn nhưng anh vẫn phải trả tiền điện với giá 2.500 đồng/kw.

Cách nhà anh Nhã không xa là nhà ông Nguyễn Văn Phi, một trong những hộ nằm ở đoạn cuối của đường dây điện thì còn “dở khóc, dở cười” hơn. Vào giờ cao điểm, gia đình nấu cơm luôn bị nhão do điện không đáp ứng đủ công suất của nồi cơm điện, ti vi thì bật không lên, ánh sáng đèn neon lại leo lét,.. Ông Phi bức xúc nói, “Do điện quá yếu nên đồ điện tử, gia dụng trong nhà tôi thường xuyên bị hư và phải thay mới. Đã vậy mà mỗi tháng chúng tôi vẫn phải trả mức giá điện cao ngất ngưỡng. Tại sao chúng tôi không được làm chủ đồng hồ điện của mình mà cứ phải sử dụng chung như vậy hoài?”.

Hiện tại ấp Bà Đả có hơn 30 hộ sử dụng chung một điện kế đứng tên bà Đặng Thị Huê, một hộ dân trong ấp. Từ thùng điện kế cụm trên đường ĐT 746 đi vào các hộ đều có đồng hồ riêng, mỗi tháng số tiền điện được tính trên hoá đơn đứng tên bà Huê. Cách tính tiền điện ở đây cũng rất kỳ lạ bởi bà Huê không rành về chữ nghĩa, tính toán nên cả xóm phải thuê ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ xã Tân Định đến từng nhà thu tiền điện rồi sau đó nộp cho điện lực. Để tiện cho việc tính toán, ông Thanh sẽ căn cứ trên đồng hồ điện của từng nhà rồi thu với mức giá chung là 2.500 đồng/KW

15 ấp chịu chung “số phận”

Đồng hồ chung, hoá đơn chung nhưng mức điện mỗi nhà mối khác, có hộ sử dụng ít có hộ nhiều. Hộ sử dụng nhiều thì phản ánh “trả tiền nhiều mà điện vẫn yếu”, hộ sử dụng ít thì bức xúc vì mức giá “cào bằng” như những hộ dùng nhiều.

Điều đáng nói, ấp Bà Đả nằm gần đường lớn nhưng bao nhiêu năm nay người dân ở đây vẫn phải sử dụng điện từ điện kế cụm. Dù được trả phí cho những lần đi thu tiền điện nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cũng chẳng sướng gì. Bởi, việc thu tiền không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Ông Thanh tâm sự: “Có những tháng thu chưa kịp, chưa đủ tiền tôi phải móc tiền túi ra đóng trước vì sợ điện bị cắt. Phải chịu mức giá cao nên nhiều hộ rất phàn nàn, khó chịu, việc thu tiền cũng khá gian nan. Tôi cũng chỉ mong ngành chức năng sớm xoá điện kế cụm cho bà con ở đây được nhờ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có ấp Bà Đả mà trên địa bàn xã Tân Định đến thời điểm hiện nay vẫn còn 15 ấp đang sử dụng điện kế cụm. Cụ thể, ở ấp 3 còn tồn tại tới 3 cụm, một cụm do ông Huỳnh Văn Tám đứng tên đồng hồ điện với 29 hộ, cụm bà Lê Thị Mường đứng tên với 11 hộ và cụm ông Nguyễn Văn Công gồm 30 hộ. Còn tại ấp Vườn Ươm, người dân cũng vừa mừng vừa lo, mừng vì đường dây điện vừa mới được kéo đến nơi nhưng lo vì phải sử dụng chung điện kế cụm.

Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Tân Định cho biết: “Từ năm 1994 đường điện đi ngang địa bàn xã Tân Định và đến năm 1996 thì hầu hết các ấp ở trong xã đều có điện. Tuy nhiên, tình trạng điện kế cụm còn tồn tại ở 15 ấp là có thật. Trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh rất kịch liệt, không chỉ cử tri mà phía chính quyền địa phương cũng rất bức xúc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên cấp trên, đặc biệt là Điện lực huyện Tân Uyên. Phía Điện lực đã đưa ra hướng giải quyết nhưng đến bây giờ công tác triển khai vẫn chưa rõ ràng. Ở góc độ địa phương, chúng tôi mong muốn ngành Điện lực sớm giải quyết thực trạng trên, đặc biệt đối với những cụm bức xúc nhất”.

TÂM TRANG

 

Chia sẻ