Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ý thức bảo tồn, phát triển làng nghề thủ công truyền thống, sự vươn lên tìm kiếm cái đẹp là yếu tố giúp Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (Sơn mài Tư Bốn) mang đến cho khách hàng những sản phẩm giá trị vượt thời gian của vùng đất Bình Dương.
Nghệ nhân Lê Bá Linh luôn trăn trở với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống
Thích ứng với thị trường
Được thành lập từ năm 2007, để vững vàng hơn trong tiếp nối truyền thống nghề sơn mài, Sơn mài Tư Bốn chuyên sản xuất hàng thủ công sơn mài mỹ nghệ theo hướng hiện đại. Sản phẩm của công ty được làm từ những chất liệu khác nhau như gỗ, ván ép, MDF, tre, fiber-glass, ceramic, kết hợp với nghệ thuật cẩn trứng, ốc, dát vàng, bạc, veneer, lục bình, cói, da, đồng, sắt và gạch, mang đến cho người tiêu dùng một dòng sản phẩm độc đáo. Trong những năm qua, các sản phẩm của Sơn mài Tư Bốn đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Với ý chí vươn lên tìm kiếm cái đẹp, Sơn mài Tư Bốn mang đến cho khách hàng khắp nơi những bộ bàn ghế, lọ hoa, bình, hũ, hộp... đậm dấu ấn đặc trưng của nghệ thuật sơn mài Bình Dương.
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng của nhiều công ty thương mại trong và ngoài nước với các dòng sản phẩm đa dạng như đồ trang trí nội thất, bàn tủ, ghế, quà tặng, bao bì sơn mài cao cấp… Doanh số của công ty mỗi năm đạt từ 6 - 7 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/ người/tháng. Trên thị trường xuất khẩu, mặt hàng sơn mài tăng trưởng bình quân 5 - 7%/ năm, trong khi đó thị trường nội địa tăng hơn 10%/năm.
Doanh số và mức tăng trưởng đó đối với một doanh nghiệp là khiêm tốn, nhưng rất đáng trân trọng đối với một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng truyền thống trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt. Ở đó, luôn có tên của lòng tự hào và ý chí bảo tồn, phát triển làng nghề của nghệ nhân Lê Bá Linh, Giám đốc Sơn mài Tư Bốn. Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân này luôn tự hào về thời huy hoàng của sơn mài cũng như những dự định trong tương lai để phát huy giá trị kinh tế bên cạnh lưu giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Từ năm 2010, cùng với khó khăn chung của các làng nghề, sơn mài Tương Bình Hiệp cũng có bước chững lại. Thị trường xuất khẩu hàng sơn mài giảm sút do sự cạnh tranh từ nhiều mặt hàng quà tặng, trang trí… đa dạng về chất liệu, mẫu mã và giá rẻ. Trong khi đó, giá các mặt hàng sơn mài do chi phí sản xuất cao vì còn làm thủ công, giá thành cao không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Trước thực trạng đó, Sơn mài Tư Bốn đã mạnh dạn đầu tư thay thế máy móc, thiết bị phù hợp để tăng năng suất, giảm chi phí lao động và nguyên vật liệu nhằm cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, những năm gần đây, công ty vẫn giữ vững doanh thu, ký kết được nhiều đơn hàng và đưa sản phẩm đến với thị trường quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển, nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, sản phẩm sơn mài hiện nay chủ yếu chia làm 2 dòng. Dòng mỹ thuật mang tính chất hàn lâm với độ tinh xảo và tính mỹ thuật rất cao. Dòng sản phẩm này rất kén người tiêu dùng, bởi ngoài việc đòi hỏi trình độ thẩm thấu tác phẩm còn đòi hỏi người chơi sơn mài phải có điều kiện kinh tế (giá sản phẩm khá đắt). Đối với dòng sản phẩm ứng dụng đang được sử dụng khá phổ biến ở các khách sạn, hộ gia đình... Nhiều năm nay, công ty đề ra chiến lược theo đuổi dòng sản phẩm ứng dụng để có thể thích ứng và gìn giữ làng nghề trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Lý giải sâu về điều này, ông Linh cho biết bản thân luôn ý thức rằng để một ngành nghề phát triển thì phải gắn với giá trị kinh tế thị trường, phải đa dạng khách hàng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh và đội ngũ lao động nhuần nhuyễn tay nghề, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong hoàn cảnh ấy, buộc mỗi doanh nhiệp, cơ sở sản xuất phải thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng nguyên vật liệu mới, mẫu mã sản phẩm đa dạng, ứng dụng công nghệ để tồn tại và phát triển trên nền bản sắc truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, làm sơn mài đòi hỏi phải cần cù, chịu khó. Ngoài sự say mê, sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi sự am tường thị trường, làm chủ chất liệu.
Ước vọng vươn xa
Thời gian qua, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho các nghệ nhân gắn bó cả đời mình với nghề sơn mài như ông Lê Bá Linh. Bên cạnh hỗ trợ về xúc tiến thương mại, phát triển du lịch gắn kết với làng nghề sơn mài, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây là tín hiệu tốt cho ngành sơn mài phát triển bền vững. Cùng với đó, việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang đứng trước nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi này. Mới đây, UBND TP.Thủ Dầu Một đã thông qua Đề án “Bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, phía trước con đường phát triển của sơn mài vẫn đầy rẫy những thách thức. Các doanh nghiệp, cơ sở tại làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về năng lực quản lý, khả năng nguồn lao động trẻ có tay nghề. Thêm vào đó, đa số doanh nghiệp, cơ sở tại làng nghề đều siêu nhỏ. Do vậy việc tiếp cận, tìm hiểu về tiêu chuẩn quản lý chất lượng hoặc đầu tư máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng còn rất hạn chế.
Nghệ nhân Lê Bá Linh đề xuất cần có sự gắn kết “ba nhà” (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp) để bảo tồn và phát triển làng nghề theo định hướng phát triển thành phố thông minh Bình Dương. Theo nghệ nhân này, Nhà nước tạo điều kiện để các trường Đại học Mỹ thuật, Kiến trúc hoặc những trường khác có các khoa mỹ thuật công nghiệp, công nghệ sáng tạo… hợp tác với các nghệ nhân, doanh nghiệp tại làng nghề đưa nghệ thuật, kỹ thuật truyền thống trong chế tác các tác phẩm, sản phẩm vào thiết kế mới. Sự kết hợp truyền thống với hiện đại sẽ tạo ra sản phẩm thích nghi với thị trường, với xu hướng nghệ thuật mới phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không làm mất đi nét đặc trưng truyền thống của địa phương. Có thể mời những nghệ nhân, thợ giỏi hướng dẫn nghệ thuật, kỹ thuật chế tác sản phẩm cũng như thuyết minh lịch sử hình thành nghề, phân tích ưu, khuyết điểm trong quá trình làm ra sản phẩm, cách sử dụng nguyên vật liệu truyền thống… Tạo điều kiện cho sinh viên học sinh học tập, tham quan làng nghề để hiểu được những giá trị nghề truyền thống tạo nên ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn luôn phải đồng hành với phát triển. Sơn mài hiện đang rất cần có nguồn nhân lực trẻ. Nhà nước nên tạo điều kiện để kết nối nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo những lao động có tay nghề và tâm huyết với nghề, bảo đảm đầu ra ổn định cho lao động. Các doanh nghiệp sơn mài hoàn toàn có thể kết nối với công nghệ từ các trường đại học nghệ thuật thay vì đầu tư máy móc quá cao vượt quá khả năng. Việc kết nối này giúp hỗ trợ cho sinh viên thiết kế mẫu mã, tạo kiểu dáng nhanh đẹp và ngược lại giúp cho doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tiếp cận với thiết bị mới phục vụ phát triển sản xuất.
Và quan trọng không kém, để làng nghề vươn xa, Nhà nước cần vận động, hỗ trợ để gắn kết các doanh nghiệp trong làng nghề để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm cả về chất lượng lẫn số lượng. Ở đó, mỗi doanh nghiệp tiếp nhận phần thế mạnh của mình. Các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về nghệ thuật, kỹ thuật, chất liệu, từ đó có sự liên kết giữa các làng nghề với nhau, cùng nhau bảo tồn và phát triển. Công tác quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh cùng với phát triển du lịch làng nghề theo hướng tập trung sẽ là hướng ra đầy triển vọng với nghề sơn mài.
TIỂU MY