| 03-07-2015 | 10:07:30

Sống nhẹ nhàng, ra đi thanh thản!

Một mất mát quá lớn cho nền âm nhạc Việt Nam khi cả 3 con người nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho văn hóa nghệ thuật ra đi quá gần nhau. Những con người mà ngoài tài năng của họ, mọi người còn nể bởi nhân cách sống thật giản dị nhưng đáng quý biết bao...

Sau GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ (NS) Phan Huỳnh Điểu ra đi, người ta lại ngỡ ngàng với tin NS Phan Nhân đã mất. Nhưng, những con người của thập niên 20, 30 có đi mãi thì sáng tác của các ông, kho tàng âm nhạc đồ sộ của các ông vẫn còn lưu giữ với thời gian. Đáng trân trọng, tự hào là thế khi mà đóng góp của mỗi người đều rất lớn.

GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921, NS Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 nên NS Phan Nhân được xem là “đàn em” về tuổi tác, ông sinh năm 1930. Nhưng, trong nghệ thuật, các ông còn là những người cùng chí hướng với nghệ thuật, với cái đẹp, hết lòng cho quê hương đất nước Việt Nam!

NS Phan Nhân sinh ngày 15-5-1930 tại Long Xuyên, An Giang. Ông từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam II (TP.HCM) và sống tại TP.HCM sau khi nghỉ hưu. Nhắc đến NS Phan Nhân, người yêu nhạc nhớ ngay đến các bài hát nổi tiếng của ông như: Hà Nội - niềm tin và hy vọng, Nhớ về Pắc Bó… Ông cũng sáng tác nhạc thiếu nhi với các bài hát như Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu… NS Phan Nhân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba…

Ai từng gặp, chuyện trò với những nghệ sĩ này cũng nhận xét ở các ông một sự hiền lành, minh triết thật dễ thương. Hầu như các ông sống rất giản dị và hiền lành. Một điều đáng nói là cách các ông chọn để “ra đi” cũng bình dị, giản đơn như thế. GS-NS Trần Văn Khê sau khi hỏa táng sẽ được thờ tự tại gia, nơi mà giờ đây như một thư viện âm nhạc cho mọi người. NS Phan Huỳnh Điểu lại có di nguyện đưa tro cốt của ông về với sông Hàn - con sông quê hương tắm mát suối nguồn âm nhạc, cho “cuộc đời vẫn đẹp sao”. NS Phan Nhân cũng có di nguyện hỏa táng, tro cốt đưa về thờ tại chùa Hải Tuệ (Q.3, TP.HCM).

Người ta nói, nghệ sĩ thường có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và cũng rất giản dị, bao la tình yêu thương. Nghệ sĩ, bằng sự tinh tế đó nên cũng là những người sớm nhận biết cuộc sống là vô thường, là hữu hạn. Thế nên, các ông, những con người đáng kính của nghệ thuật đã sống nhẹ nhàng và ra đi thật thanh thản như thế…

 Q.NHƯ

Chia sẻ