Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Không đấu nối được đường điện quốc gia nên nhiều năm qua, 30 hộ dân ở tổ 2, khu phố Nhị Đồng, thị trấn Dĩ An phải xài điện từ đồng hồ tổng của một hộ ở cùng khu phố với giá cao ngất ngưởng. Điều đáng nói nhất chính là nhà của các hộ dân này chỉ cách Trung tâm hành chính Dĩ An chưa đầy 200m và kế cận khu dân cư quy mô bậc nhất Dĩ An của doanh nghiệp tên tuổi vốn phất lên nhờ đất dự án trên địa bàn.
Giá điện 4.700 đồng/kWh!
Từ Trung tâm hành chính Dĩ An rực rỡ ánh đèn, tôi rẽ vào tổ 2, khu phố Nhị Đồng mà như lạc vào một thế giới khác. Thế giới của bóng đêm. Điện, cái mà nhu cầu sinh hoạt bình thường hàng ngày không thể thiếu của người dân nhưng ở đây là thứ hàng xa xỉ nhất. Cả một đoạn đường dài với 30 ngôi nhà hai bên cùng quay ra mặt đường, thế nhưng mới 7 giờ tối cả con đường này tối om vì ánh sáng le lói từ nhà hắt ra không đủ để soi rõ mặt đường. Ở đây, nhà cửa trông rất khang trang. Bên trong nhà, việc xài điện của các hộ dân thuộc hàng tiết kiệm nhất, thay vào những bóng đèn neon thường dùng, trông nhà nào cũng xài loại bóng tiết kiệm điện 5 W nhằm giảm thiểu tối đa điện năng tiêu thụ. Nhưng việc tiết kiệm này không phải tự nguyện mà là bất đắc dĩ vì điện giá cao lên đến 4.700 đồng/kWh và vô cùng yếu ớt.
Khu nhà của 30 hộ dân xài điện sinh hoạt trả tiền 4.700 đồng/kWh
Điện luôn là đề tài sôi nổi và dai dẳng nhất của khu phố. Ông Đào Văn Đạt, chủ nhà 70/2 bức xúc phản ảnh: “Chỉ cách trung tâm hành chính huyện mấy trăm mét thôi, thế nhưng suốt nhiều năm qua chúng tôi không được kéo điện kế của Nhà nước mà phải trả tiền điện giá cao với giá ngất ngưởng, từ nhiều tháng qua đã lên đến 4.700 đồng/ kWh. Với thu nhập của người lao động chỉ vài triệu đồng/tháng buộc chúng tôi cắt giảm tối đa nguồn điện trong sinh hoạt: tivi, tủ lạnh không dám dùng; các cháu nhỏ không được học bài khuya; cả đường lối chính sách trên phương tiện thông tin đại chúng người lao động cũng không nghe và nhìn được vì trả tiền điện cao quá!”. Cũng như ông Đạt, ông Trần Văn Lợi ở số nhà 56/2 cho biết: “Chúng tôi là những người dân lao động có hộ khẩu, có nhà hợp pháp nhưng xài điện còn cao hơn nhà trọ. Tôi cũng biết Dĩ An đã có quyết định lên thị xã, nhưng sống kế trung tâm chỉ mấy trăm mét mà phải mua điện với giá 4.700 đồng/kWh thì vui sao nổi”. Nói đến giá điện trên trời, ông Hoàng Minh Đạt, nhà số 65/2 nêu thực tế: “Thu nhập hạn chế nhưng nhà có trẻ em thì phải xài điện, tuy rất tiết kiệm và chỉ xài có 120 - 150 kWh mà phải trả đến trên 600.000 - 700.000 đồng/tháng quả là gánh nặng. Đã trả giá cao nhưng điện rất yếu, xài cái gì đều mau hư hỏng. Chúng tôi rất mong chờ sự quan tâm giải quyết từ các cơ quan chức năng để người lao động ổn định cuộc sống”.
Tiết kiệm bất đắc dĩ, nhà nào cũng xài bóng điện 5W
Nói đến việc xài điện ở đây, nhiều chuyện thật diễn ra thường nhật mà kể lại nghe như bịa. Khi trò chuyện với bà Trần Thị Hồng (chủ nhà 40/2), là hộ xài điện nhiều nhất ở đây. Cầm một xấp biên lai thu tiền điện trên tay của năm 2010 mà bà Hồng đưa, tôi trông toàn là từ 1,4 đến 1,6 triệu đồng mà phát ớn với chi phí cho điện. Đang trò chuyện cùng bà Hồng, chợt điện thoại của con bà Hồng là anh Nguyễn Tuấn vang lên. Qua trò chuyện trong điện thoại anh Tuấn quay lại tôi và nói lớn: “Anh thấy không, vợ em đi làm về bảo em đừng nấu cơm điện đó, tiện đường về sẽ ghé vào mua cơm trắng, ở nhà chỉ làm thức ăn thôi”. Thấy tôi tròn mắt lên nhìn như không tin lời mình nói, anh Tuấn lý giải: “Nếu đem nấu nồi cơm cho 4 - 5 người ăn, chưa kể gạo thì đã tốn khá nhiều tiền điện, cộng cả gạo thì hơn vài chục ngàn. Số tiền này mà đem mua cơm trắng thì cũng như nhau. Được cái mình khỏi phải tốn thời gian rửa nồi đó anh nhỉ”! Tiếp lời anh Tuấn, nhiều bà con kể hàng chục câu chuyện buồn vui về điện mà tôi thấy phần nhiều đều chua cát, đắng cay!
Có bình hạ thế nhưng điện chưa về!
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các hộ dân trên đều mua đất của ông Võ Cầu để xây dựng nhà ở và hiện đã ổn định cuộc sống. Theo quan sát của chúng tôi về việc xài điện của 30 hộ dân này, tại đầu hẻm một đường dây kéo từ đường Truông Tre vào hộ nhà một người dân, rồi từ nhà hộ dân này đường điện mới đấu vào mạng điện nội bộ của con hẻm. Từ đây, điện được đến các hộ khác và cuối tháng bà con phải gom tiền. Do xài chung, điện yếu và hao hụt nên các hộ dân phải chịu giá cao.
Cũng tại đầu hẻm này, một bình biến điện để kéo điện cho 30 hộ dân đã được gắn lên rất mới. Tuy nhiên theo phản ảnh của các hộ dân thì nhiều tháng qua đường dây kéo vào bình điện này cũng chưa được bắt. Ông Nguyễn Quang Hợp và nhiều người dân ở đây kể: “Sau nhiều năm kiến nghị, tháng 8-2010, người dân ở đây đã đóng góp tiền để đầu tư việc kéo điện. Đến cuối tháng 9, công trình đã hoàn thành thì nhận được tin Ban giám đốc Công ty Areco, chủ đầu tư khu dân cư, nơi có đường dây đi vào bình hạ thế không cho đấu nối mặc dù người dân ở đây khẩn thiết đề nghị và nhờ cả chính quyền nói giúp”.
Mang bức xúc của người dân, chúng tôi đến Chi nhánh Điện lực Dĩ An. Giám đốc Chi nhánh Điện lực Dĩ An Đoàn Văn Hiếu cho biết: “Trong đầu tư lưới điện cho khu dân cư, Công ty Areco cam kết sẽ bàn giao cho ngành điện quản lý, nhưng tới giờ này công ty chưa bàn giao gì cho ngành điện. Chính vì thế nên mặc dù đã bắc bình hạ thế nhưng đường dây vào bình này lại đi qua dự án của Công ty Areco, mà Areco chưa đồng ý nên ngành điện tạm dừng việc này lại. Việc người dân bức xúc ở đây nhiều năm rồi, cả UBND huyện cũng không giải quyết được. Chúng tôi cũng vừa nhận văn bản của người dân kiến nghị. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi buộc phải dời bình hạ thế đã bắc ra phía đường cách vị trí cũ 200m. Hiện chúng tôi đang khảo sát và sẽ giải quyết có điện trước tết cho dân. Việc phải dịch chuyển khỏi vị trí tuy có tốn kém hơn nhưng để giải quyết điện cho dân thì không có cách nào khác”.
Qua ý kiến của lãnh đạo điện lực Dĩ An, chúng tôi hy vọng niềm mong ước và đợi chờ bao năm của 30 hộ dân trên sẽ thành hiện thực, xuân này có điện giá phải chăng để xài và thoát cảnh xài một phải trả năm như trước. Song chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi niềm tin vào sự chia sẻ của người dân vào chủ đầu tư khu dân cư nhiều năm qua lại đi vào ngõ cụt. Quan sát hạ tầng khu dân cư và Siêu thị Đông Hòa, nơi mà 30 hộ dân nuôi hy vọng chủ đầu tư cho kéo đường dây qua để có điện xài, quả thật hạ tầng của khu này gần như hoàn tất và rất khang trang, đường sá khá đẹp và nhất là hệ thống điện. Theo quy chế đầu tư khu dân cư, việc quản lý điện này trước sau gì cũng bàn giao cho ngành điện quản lý khi chủ đầu tư hoàn tất hạ tầng. Thế nhưng dù điện lực có văn bản gửi chủ đầu tư, rồi người dân khẩn thiết được giúp đỡ nhưng chủ đầu tư chưa hồi âm và phớt lờ là điều đáng trách. Phải chăng “lợi ích cộng đồng không bằng... đồng lời của doanh nghiệp” nên doanh nghiệp này quay lưng lại với sự khẩn thiết của người dân?
TRỌNG MINH