Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, kết hợp với các định hướng chiến lược toàn diện trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra cơ hội bứt phá mới cho Bình Dương trong thu hút đầu tư.
Lợi thế từ cơ sở hạ tầng
Nhiều công trình, dự án trọng điểm của Bình Dương được khánh thành, khởi công vào dịp công bố Quy hoạch tỉnh trong niềm hân hoan của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nếu như công trình cầu Bạch Đằng 2 là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các huyện phía Bắc và cả tỉnh Bình Dương. Dự án này là mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông của Bình Dương và các vùng lân cận.
Quy hoạch tỉnh mở ra cơ hội cho Bình Dương tăng tốc thu hút FDI trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP.Dĩ An)
Cùng với các dự án hạ tầng giao thông, Bình Dương cũng khởi công Khu phức hợp vòng xoay A1 rộng 7 ha tại Thành phố mới Bình Dương và Khu công nghiệp Cây Trường. Theo nhận định của các chuyên gia, Quy hoạch tỉnh là cơ hội để Bình Dương tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế về địa lý, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới nhằm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh.
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bình Dương năng động, sáng tạo, là động lực phát triển lớn của vùng và cả nước. Thủ tướng đề nghị Bình Dương thực hiện 3 tiên phong trong kết nối nền kinh tế với vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế; số hóa, xanh hóa kinh tế để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới; tiếp tục phát huy vai trò đi đầu trong thu hút đầu tư và lắng nghe nhiều hơn nữa các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, nhà đầu tư. |
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bình Dương đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các dự án giao thông trọng điểm huyết mạch liên vùng đang triển khai, sắp triển khai như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… sẽ giúp kết nối và “chia lửa” cho Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn; tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông và tạo đà cho phát triển đô thị, tạo tiền đề quan trọng để Bình Dương phát triển ngày càng bền vững hơn.
Cơ hội bứt phá
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển; khi có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, tạo cơ hội mới, giá trị mới”.
Đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với 4.354 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 41,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8,5% tổng vốn FDI của cả nước. Đây là kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của Bình Dương trong thời gian qua. Không chỉ tăng về số lượng, những năm gần đây dự án FDI đầu tư vào tỉnh ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn, thông minh hơn.
Khách hàng tham quan Triển lãm Năng lượng và tự động hóa toàn cầu 2024 tổ chức tại Bình Dương
Tập đoàn Tektro Technology Corporation vừa được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dịp công bố Quy hoạch tỉnh vừa qua. Nói về lý do chọn Bình Dương để đặt nhà máy sản xuất, ông Tsai Szu Fang, Chủ tịch tập đoàn này, cho biết nhiều địa phương có vị trí, điều kiện tương tự Bình Dương nhưng Bình Dương có lợi thế nhất định so với các tỉnh, thành khác. Một trong những lợi thế đó là Bình Dương đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng rất phù hợp cho hoạt động sản xuất công nghệ cao. Bình Dương còn thể hiện môi trường đầu tư năng động và thuận lợi, bằng chứng là tập đoàn được cấp giấy phép đầu tư chỉ trong vòng 7 ngày.
Mục tiêu phát triển của Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được xác định sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo; có sơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, người dân có mức thu nhập cao, kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa các khu vực. Trong đó, giai đoạn 2021- 2030 Bình Dương tập trung phát triển kết nối vùng, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng vùng đổi mới sáng tạo, xây dựng chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hình thành các tổ hợp công nghiệp đô thị, dịch vụ. Bám sát Quy hoạch tỉnh để triển khai, thực thi hiệu quả, tiếp tục phát huy tốt nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển là cách để tạo thêm giá trị gia tăng mới, khẳng định vị thế của Bình Dương ngày càng vững chắc hơn trong giai đoạn tới.
NGỌC THANH