| 12-09-2012 | 00:00:00

Thay đổi cách sống với môi trường

Những ngày gần đây, chúng ta thật đau lòng chứng kiến một loạt sự kiện xâm hại môi trường sống, gây hậu quả nghiêm trọng mà tự nó sinh ra. Một trận lở núi kinh hoàng xảy ra tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào ngày 7-9 đã vùi lấp 20 người đang mót quặng và một nhân viên bảo vệ Công ty Khai khoáng Thịnh Đạt. Hay khu vực Sông Tranh 2 thuộc địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam liên tục động đất từ tối 3-9 đến ngày gần nhất là 10-9. Các chuyên gia chưa trả lời câu hỏi về nguyên nhân gây động đất, nhưng điều đáng lo là hàng ngày, người dân nơi đây rất hoảng sợ, bởi ngoài đường nhiều chỗ đất nứt, sụt lún, trong nhà tưởng nứt hết, không biết sập lúc nào... Thậm chí họ không thiết gì đến công ăn việc làm và cuộc sống của mình... Lở núi, động đất rồi mưa lũ xảy ra là những lý do của một lối sống vô trách nhiệm với môi trường. Đó là chúng ta chưa nói đến những đợt hạn hán, do hệ quả từ sự nóng lên của trái đất và hậu quả của các kiểu làm ăn “vô ý thức” đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo các hiện tượng biến đổi thời tiết bất thường diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Thực tế cũng minh chứng hiện tượng biến đổi này qua các trận lụt, bão lũ gây thiệt hại về người và tài sản trong những năm qua, thế nhưng sự tàn phá về môi trường vẫn cứ tiếp diễn đến mức nghiêm trọng. Cụ thể cách đây vài năm, hiện tượng sóng thần ở Thái Lan, bão Nargis ở Myanmar và động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, lụt ở ngay Hà Nội, triều cường ở TP.HCM... chính là do môi trường bị tàn phá.

Các nhà chuyên môn cho biết tại Việt Nam, khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Sự biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho các thiên tai, đặc biệt bão lũ, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn, với mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn. Dự tính tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C. Và sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40.000km đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập... Trái đất nóng lên cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước ngọt, đất nông nghiệp giảm, rừng bị thu hẹp nhanh chóng, nhiều loài bị tiêu diệt và sức khỏe con người bị xâm hại thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, một thực tế buồn là ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân còn hạn chế. Một phần là do những khó khăn tồn tại của cuộc sống, làm cho con người chưa có thói quen để suy nghĩ đúng mức về BVMT. Trong khi đó, công tác tuyên truyền để người dân có ý thức và tiếp cận với những nguồn thông tin mới về BVMT rất ít và rất khó. Vì thế đã đến lúc, chúng ta cần mở rộng đa dạng các kênh truyền thông để giúp xã hội có nhận thức đúng đắn hơn về ý thức BVMT. BVMT phải trở thành một nét đạo đức trong lối sống và chúng ta phải thay đổi cách sống với môi trường trước khi quá muộn.

MAI HUY

Chia sẻ