| 20-09-2013 | 00:00:00

Thay đổi lối sống trước khi quá muộn

 Bão lũ ngày càng diễn ra nhiều hơn, mạnh hơn và dữ hơn. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng đã kịp thời cảnh báo các hiện tượng biến đổi thời tiết bất thường diễn ra thường xuyên hơn. Thực tế minh chứng hiện tượng này không chỉ qua các trận lụt, bão lũ mà còn là những đợt hạn hán kéo dài do hệ quả từ sự nóng lên của trái đất và hậu quả của các kiểu làm ăn “vô ý thức” đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Hiện tượng lụt ở ngay Hà Nội, triều cường ở TP.HCM… xảy ra nhiều năm nay xuất phát từ kiểu làm ăn “vô ý thức” đó.

Các chuyên gia cho biết tại Việt Nam, khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Sự biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho các thiên tai, đặc biệt bão lũ, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn, với mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn. Dự tính tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C. Và sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40.000km đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập... Trái đất nóng lên cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước ngọt, đất nông nghiệp giảm, rừng bị thu hẹp nhanh chóng, nhiều loài bị tiêu diệt và sức khỏe con người bị xâm hại thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người Việt Nam còn hạn chế. Một phần nguyên nhân do những khó khăn tồn tại của cuộc sống, làm cho con người chưa có thói quen để suy nghĩ đúng mức về BVMT. Trong khi đó, công tác tuyên truyền để người dân có ý thức và tiếp cận với những nguồn thông tin mới về BVMT rất ít và rất khó. Vì thế, hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay, chúng ta cần mở rộng các kênh truyền thông để xã hội có nhận thức đúng đắn hơn về ý thức BVMT. BVMT nhất thiết phải trở thành một nét đạo đức trong lối sống và thay đổi trong cách sống trước khi quá muộn.

 MAI HUY

Chia sẻ