| 05-03-2014 | 00:00:00

Thông tư 16 và bài học “lợi dân”

 Thiệt hại người dân phải “gánh” thời gian qua bởi Thông tư 16 là người ta phải bỏ tiền mua cái mà người ta không hề được sử dụng! Do quy định nhập nhằng trong cách tính từ “tim tường, tim cột” thay cho cách tính diện tích thực tế sử dụng căn hộ (thông thủy), nên nhiều người mua căn hộ phải trả tiền cho phần diện tích không được sử dụng là cột, tường ngăn và hộp kỹ thuật nằm trong căn hộ. Thiệt hại mà người mua căn hộ còn phải “gánh” kế tiếp là phải đóng phí bảo trì cho cả phần diện tích không được sử dụng. Đối với những căn hộ cao cấp, số tiền này là không hề nhỏ và kéo dài hết năm này đến năm khác vì diện tích căn hộ đã được ghi trên hợp đồng, khó chối cãi!

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, Thông tư 16 hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư của Bộ Xây dựng là trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở, cũng như Bộ luật Dân sự. Tại phiên giải trình của Bộ Xây dựng do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức mới đây, vấn đề này đã được đưa ra với hàng loạt chất vấn, trong đó có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề có hay không lợi ích nhóm trong việc ban hành văn bản mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đẩy thiệt thòi về phía người dân? Trả lời chất vấn, phía Bộ Xây dựng vẫn khăng khăng không sai khi ban hành Thông tư 16.

Điều khó lý giải là mặc dù khẳng định Thông tư 16 không sai, nhưng theo thông tin đăng tải trên website Bộ Xây dựng (moc.gov.vn) mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD để sửa đổi, bổsung Điều 21 của Thông tư số16, quy định diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công (nếu có) gắn liền với căn hộ đó; không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.

Nếu không vì lợi ích nhóm mà vẫn ban hành Thông tư 16 thì rõ ràng Bộ Xây dựng đã không triển khai cuộc vận động học tập và làm theo những gì mà Bác Hồ đã răn dạy trong cán bộ nhân viên, nhất là bài học “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Khẳng định không sai nhưng vẫn sửa là bất nhất giữa lời nói và việc làm; biết sai nhưng nhất quyết không xin lỗi người dân, xem ra Bộ Xây dựng đã sai lại càng sai! Đó là chưa nói, đây còn là nguyên nhân khơi mào cho những kiện tụng căng thẳng giữa người mua nhà và chủ đầu tư.

 LÊ QUANG

Chia sẻ