| 11-04-2016 | 09:11:49

Thông tư 28/2015/TT-BCT về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là nền tảng để doanh nghiệp tham gia TPP

Ngày 20-8-2015, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 28/2015/TT-BCT quy định thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Đây là điểm mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp xu thế chung của thế giới là “quyền lợi của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, thạc sĩ - luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, Thông tư 28/2015/TT-BCT về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là nền tảng để doanh nghiệp tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại và triển khai Thông tư 28/2015/TT-BCT do Cục Hải quan Bình Dương vừa tổ chức Ảnh: DUY CHÍ

- C/O có ý nghĩa như thế nào đối với hàng hóa của doanh nghiệp khi tham gia thị trường xuất khẩu và việc chứng nhận C/O được thực hiện ra sao, thưa ông?

- C/O là kết quả của quá trình kiên trì đàm phán của Chính phủ trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tham gia thị trường thế giới thông qua con đường ưu đãi thuế quan.

Hiện tại, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều nước và khối các nền kinh tế lớn như EU, ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Tùy từng nơi, từng mặt hàng, nhóm mặt hàng mà mức ưu đãi thuế quan được hưởng từ 5% đến 30%. Chẳng hạn, cùng một mặt hàng hoặc nhóm mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Úc, nếu là thành viên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thì được hưởng mức thuế quan ưu đãi 0%, nhưng với hàng hóa của nước chưa là thành viên FTA với Úc thì mặt hàng đó phải chịu mức thuế từ 5% đến 30% theo quy định của Úc. Đây là lợi thế rất quan trọng giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia hội nhập thị trường thế giới.

Có 2 nơi được giao nhiệm vụ cấp C/O là Phòng Quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công thương và VCCI. Trường hợp doanh nghiệp ở xa muốn thuận tiện trong đi lại thì có thể làm công văn yêu cầu một trong hai nơi trên ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp hoặc Sở Công thương nơi doanh nghiệp đứng chân hoạt động.

- Cục Hải quan Bình Dương vừa tổ chức đối thoại và triển khai Thông tư 28/2015/ TT-BCT của Bộ Công thương, giao quyền cho doanh nghiệp tự chứng nhận C/O cho hàng hóa của mình khi tham gia thị trường xuất khẩu. Ông có thể giải thích rõ hơn về những điểm mới này?

- Có thể nói, Thông tư 28/2015/TT-BCT của Bộ Công thương vừa là điểm mới cũng vừa tạo ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với nền tảng pháp luật thương mại thế giới mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018, mà hiện tại Luật Thương mại của Hoa Kỳ đã quy định việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp là do doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm. Như vậy, ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa khi tham gia hội nhập sâu vào thị trường thế giới thì doanh nghiệp cũng phải “chuẩn hóa” về pháp luật để cạnh tranh và phát triển.

Vì làm thí điểm nên Thông tư 28/2015/TT-BCT của Bộ Công thương nói rõ, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chí như: Là nhà sản xuất, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất, tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp mẫu C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD…

- Xin cảm ơn ông!

 

 DUY CHÍ (thực hiện)

 

 

Chia sẻ