Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, xã hội luôn phàn nàn chương trình giáo dục Việt Nam chú trọng dạy chữ hơn dạy lễ nghĩa. Lại thêm trong bối cảnh hiện nay khi mà một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên có biểu hiện băng hoại về đạo đức, lối sống thì việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là nhu cầu bức thiết của người dân và là điều mong đợi của cộng đồng xã hội.
Hơn một thập niên qua, môn đạo đức - giáo dục công dân đối với các cấp học phổ thông luôn khiến xã hội cảm thấy bức xúc vì sự giáo điều, khô cứng của môn học này. Một lãnh đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng thừa nhận, nội dung chương trình hiện hành của môn học này còn nhiều điều chưa hợp lý. Cụ thể là nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong sách giáo khoa môn đạo đức - giáo dục công dân còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm HS. Thêm vào đó, hiện nay hầu hết HS coi môn học này là môn phụ. Giáo viên dạy môn học này cũng bị xem là giáo viên phụ. Và chính vì “phụ” nên nhiều năm qua, ngành giáo dục đã không có sự quan tâm thỏa đáng cho môn học này. Trong khi yêu cầu đứng lớp môn học này phải là những giáo viên tâm huyết, yêu nghề, luôn cập nhật thường xuyên kiến thức thực tiễn để truyền đạt, dẫn dắt HS, gợi mở cho các em biết soi mình vào những chuẩn mực đạo đức xã hội để góp phần hoàn thiện nhân cách cá nhân.
Mặc dù chúng ta không đổ lỗi hết cho ngành giáo dục, nhưng phải thừa nhận rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức và vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học đạo đức-giáo dục công dân trong nhà trường. Vì thế, đổi mới cách dạy và học môn học này từ lâu đã là yêu cầu bức thiết trong quá trình đổi mới toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài chương trình giảng dạy ở nhà trường, phải đồng thời thiết lập được mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội; tạo một môi trường sống, môi trường giao tiếp và học tập tốt; phải dạy lễ giáo trước khi dạy chữ, giáo dục đạo đức cho HS ngay từ nhỏ và công việc giáo dục phải thường xuyên, nhất là về kỹ năng sống, lý tưởng sống…
NHẬT HUY