| 26-10-2017 | 08:30:08

Tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai: Có ngăn được hiểm họa?

Trước tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai ngày càng nhiều, mối quan tâm của chính quyền là hỗ trợ, bố trí quỹ đất tái định cư, tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân di dời. Tuy nhiên, các hộ dân sinh sống ven sông Đồng Nai có nguy cơ sạt lở cao vẫn không đồng ý di dời dẫu biết rằng hiểm nguy luôn rình rập. Người dân TX.Tân Uyên cho rằng, nguyên nhân không nhỏ gây ra tình trạng sạt lở đất do nạn khai thác, bơm hút cát trái phép trên sông.

Sống trong sợ hãi

Theo chân cán bộ xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Kim Lan, ấp Tân Hội. Căn nhà của bà nằm trong phạm vi có nguy cơ sạt lở cao (nhà cách bờ sông khoảng 5m) và có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa. Mảnh đất trồng sả sát bờ sông với những vết nứt dài khoảng 1m do sạt lở gây ra đang nằm lơ lửng, chỉ cần một cơn mưa xuống là sạt cả mảng đất. Bà Lan phàn nàn: “Mấy năm gần đây, diện tích đất gia đình tôi bị sạt lở một cách đáng sợ, khoảng 6 đến 7m. Vẫn biết là nhà ven sông sẽ bị sạt lở, song ở đây sạt lở tự nhiên thì ít mà do “cát tặc” rút ruột dòng sông thì nhiều. Người dân chúng tôi chẳng có cách nào ngăn cản được”. Hay trường hợp của gia đình bà Mai Thị Nguyệt, ấp Tân Hội lại càng nghiêm trọng hơn. Diện tích đất thu hẹp do sạt lở đã vào gần đến chân tường nhà hễ mưa lớn là bà Nguyệt và hai cháu nhỏ phải di dời đi nơi khác bởi nhà có thể bị đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào. Mùa mưa, gia đình bà sống trong cảnh lo sợ sạt lở, nguy hiểm rình rập.

Tình trạng sạt lở ven sông không chỉ riêng xã Thạnh Hội mà phường Thạnh Phước, phía bên kia sông cũng chẳng thua kém gì. Bên này sông lở, bên kia sông cũng lở. Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, phường Thạnh Phước. Những cơn mưa lớn trong thời gian qua đã làm gia đình anh mất đi một diện tích đất rộng gần 1m, dài khoảng 10m. Buồn thì có buồn mà không biết phải làm sao? “Hầu như nhà ai sống ven sông cũng đều bị lở đất, trung bình một năm sạt lở cướp đi cả chục mét đất”, anh Sơn tâm sự.

Thống kê cho thấy hiện nay trên địa bàn TX.Tân Uyên có 80 hộ dân sống ven sông Đồng Nai có nguy cơ sạt lở cao. Phường Thạnh Phước sạt lở dọc tuyến sông Đồng Nai có 32 hộ, cách bờ sông từ 1 - 8m; xã Thạnh Hội 28 hộ, cách bờ sông từ 5 - 10m; phường Uyên Hưng 7 hộ sát bờ sông; xã Bạch Đằng 3 hộ cách bờ sông từ 1 - 3m; phường Thái Hòa 10 hộ, cách bờ sông từ 3 - 5m. Các hộ dân cho rằng, do việc hút cát dưới lòng sông diễn ra nhiều năm nay nên mới ra nông nỗi này. Chị Ngô Thị Pha, người dân phường Thạnh Phước bức xúc: “Cứ vào khoảng 20 - 22 giờ đêm, “cát tặc” bắt đầu hành động, chúng dùng ống hút lớn đến 20 - 30cm và chỉ cần hút trong vòng 15 phút là đầy ghe. Cứ vậy mà chúng hút cát cho đến tận 2, 3 giờ sáng mới thôi. Tối nào chúng cũng hút cát thì làm sao mà không sạt lở”.

Nhà bà Nguyễn Thị Kim Lan, ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội nằm trong phạm vi có nguy cơ sạt lở cao, cách bờ sông khoảng 5m

Sạt lở đoạn rạch Bà Kiên, phường Thạnh Phước

Ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu, chính quyền, công an địa phương thường xuyên tổ chức những buổi tuần tra trên sông nhưng khi công an đi khỏi là chủ thuyền quay lại. Đa phần đối tượng bơm hút cát không phải là người địa phương. TX.Tân Uyên đã thành lập đội chuyên ngành đến các xã, phường phối hợp với Công an tỉnh và huyện Bắc Tân Uyên tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017 đã trực chốt, tuần tra 195 đợt, phát hiện và xử lý 34 vụ, 22 đối tượng.

Vào hội trường UBND các xã, phường ven sông Đồng Nai, chúng tôi còn thấy một lô tang vật thu giữ từ các ghe hút cát. Theo nhận định của các đơn vị chuyên ngành, tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai do tập quán sinh sống dọc bờ sông để thuận lợi cho sinh hoạt và phát triển sản xuất. Qua thời gian, tình hình dòng chảy thay đổi, hiện tượng bồi lở tự nhiên của dòng sông kèm với mưa bão, việc xả lũ các hồ đập trên thượng nguồn làm nước chảy xiết, gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát, bơm hút cát trái phép trong thời gian qua cũng làm cho dòng chảy bị tác động, gây sạt lở thêm.

Lo lắng về tốc độ sạt lở, ông Trần Kim Quan, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết:  “Trước năm 2009 khu vực ấp Tân Hội có chiều dài sông lớn cách sông con là 120m nhưng hiện nay sạt lở chỉ còn lại 80m, trong 8 năm đã lở 40m. UBND xã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời đến nơi an toàn nhưng các hộ không đồng ý di dời”. 

Có ngăn được nguy cơ?

Tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai làm đau đầu ngành chức năng, người dân lo lắng. Có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, như làm sao để dẹp bỏ được nạn bơm, hút cát lậu; rồi tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn trong mùa mưa bão.

Nói về các phương án chống sạt lở, di dời hộ dân, ông Ngô Quang Sự, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết: “Hiện nay, UBND TX.Tân Uyên đã thành lập đoàn kiểm tra, thường xuyên theo dõi tình hình sạt lở ven sông Đồng Nai, nhất là trong mùa mưa bão. Xây dựng bờ kè chống sạt lở ở những khu vực sạt lở nhiều. Thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời cho các hộ dân theo quyết định của UBND tỉnh, giao các địa phương bố trí quỹ đất tái định cư để cấp cho các hộ dân không có đất để xây dựng nhà ở mới. TX.Tân Uyên đã vận động di dời 40 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao”. Tiêu biểu là phường Thái Hòa đã vận động di dời toàn bộ 10 hộ dân ở khu phố Ba Đình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tất cả bà con đều đồng tình, thống nhất nhận đất tái định cư và được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng/hộ để yên tâm ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình. Riêng 1 hộ khó khăn được phường vận động hỗ trợ thêm 50 triệu đồng.     

Vấn đề chủ trương, chính sách di dời được các hộ dân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên hầu hết các hộ có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, trong khi kinh phí hỗ trợ di dời thấp nên việc di dời còn chậm. Bà Mai Thị Nguyệt, ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội nói: “Chủ trương di dời của Nhà nước là đúng đắn nhưng tôi đã 60 tuổi, không còn sức để lao động, gia đình khó khăn, không có tiền để xây nhà, kinh phí hỗ trợ di dời quá thấp nên không đủ trang trải”.

Trao đổi với chúng tôi về kinh phí hỗ trợ di dời, ông Ngô Quang Sự cho biết, căn cứ vào Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 22-2-2008 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân ven sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) thì kinh phí hỗ trợ di dời so với yêu cầu thực tế hiện nay là thấp (bình quân khoảng trên dưới 10 triệu đồng/nhà ở cấp 4 có diện tích xây dựng dưới 100m2), UBND TX.Tân Uyên đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ di dời nhà ở đối với các hộ dân sống ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, UBND các xã, phường cũng vận động hỗ trợ thêm để các hộ dân khó khăn có điều kiện xây dựng nhà ở mới an toàn theo khả năng của từng địa phương, tuy nhiên cũng chưa giải quyết được hết đối tượng thuộc diện phải di dời. 

Trong khi chờ đợi người dân di dời, UBND các xã, phường vẫn đang tiếp tục tuyên truyền vận động, cảnh báo người dân về mức độ nguy hiểm của tình trạng sạt lở; thường xuyên theo dõi vị trí sạt lở; tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp khai thác cát lậu trên sông, xóa các bến bãi cát không phép; đồng thời đình chỉ, nghiêm cấm các hộ dân không xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Đồng Nai. UBND các xã, phường còn hướng dẫn người dân trồng các loại cây chắn sóng, chống sạt lở như tầm vông, tre, tràm… để giữ bờ. Hiện nay, thị xã đã và đang được UBND tỉnh đầu tư xây dựng một số kè chống sạt lở khu vực phường Uyên Hưng đoạn từ cầu Rạch Tre đến Nhà Văn hóa thị xã.

KIM HÀ 

Chia sẻ