| 22-06-2015 | 09:54:43

Trần Trọng Tuấn - cải lương tuồng cổ là “nghề và nghiệp”

Ngày nay, trước sự lên ngôi của các loại hình giải trí hiện đại, những nghệ thuật truyền thống như cải lương tuồng cổ gặp không ít khó khăn để tồn tại. Khán giả thưởng thức cải lương mai một dần khiến cho người nghệ sĩ cũng không còn nhiều đất diễn. Trong hoàn cảnh như vậy, tìm được một nghệ sĩ trẻ tuổi mà vẫn yêu nghề và quyết tâm theo nghề như Trần Trọng Tuấn (sinh năm 1987) thì quả đáng trân trọng...

 Trọng Tuấn (bìa phải) vai Nguyên soái Châu Thần Oai trong tuồng Ngọc Kỳ Lân

Tuấn sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, tốt nghiệp cấp 3 trường THPT Võ Minh Đức năm 2006. Tuấn mê ca hát từ nhỏ. Hồi đó, vì nhà ở ngay cạnh Công viên Thanh Lễ, cứ vào cuối tuần là Tuấn có mặt ở đây để được nghe hát, được ngắm các ca sĩ, diễn viên, rồi ước mình cũng được hát, được diễn như họ… Học hết cấp 3, Tuấn quyết định thi vào cải lương nhưng chưa biết gì ngoài việc nghe đài, nghe từ sân khấu rồi hát theo… Tuấn cũng hy vọng được học nghề trên đất Bình Dương, nhưng lúc bấy giờ một số trường đại học ở Bình Dương không có học viên để đào tạo chuyên ngành sân khấu. Vì thế, Tuấn quyết tâm khăn gói về Sài Gòn để “luyện võ”. Tuấn thi đỗ vào trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM, khóa 6 (năm 2007-2010).

Vào trường, Tuấn theo chuyên ngành cải lương. Vì sẵn có đam mê và có năng khiếu, em nhanh chóng lĩnh hội được những kỹ năng cơ bản nhất từ vũ đạo, diễn xuất, múa kiếm, múa giáo, múa quạt… Đặc biệt, Tuấn rất có khiếu trong kỹ năng hóa trang, chỉ cần nhìn qua là anh có thể thực hiện như ý.

Ngay từ thời sinh viên, Trọng Tuấn đã bắt đầu lăn xả khắp nơi để được tiếp cận với đam mê cải lương tuồng cổ của mình. Cơ duyên đã đưa Tuấn đến với đoàn hát Văn Ngon (Tân An - Long An). Khi mới vào đoàn, Tuấn nhận những vai nhỏ như quân sĩ để rèn luyện kỹ năng đứng trên sân khấu biểu diễn. Bằng tinh thần học hỏi, Tuấn đã dần thế những vai diễn lớn hơn khi ông bầu cần. Và cũng nhờ được đứng cùng sân khấu với những nghệ sĩ có tên tuổi, Tuấn mới thấy mình còn quá nhiều thiếu sót. Anh đã quyết định tìm thầy để lĩnh hội sâu hơn cải lương tuồng cổ. Tuấn tâm sự: “Tổ nghiệp đã đưa tôi về lại Dĩ An gặp thầy Lý Phước, trưởng đoàn Tuồng cổ Dĩ An. Được thầy nhận và dạy một cách tận tình, Tuấn nghĩ giấc mơ trở thành “nghệ sĩ” là đây…”.

Vốn đã có chút nền tảng từ trường, khi được truyền đạt kinh nghiệm thực tế từ người thầy có gia đình từng 4 đời theo nghề tuồng cổ như thầy Lý Phước, Tuấn như cá gặp nước. Chỉ qua vài mùa phục vụ tại đoàn của Thầy, hiện tại, Trọng Tuấn là một trong những kép chính và cũng là học trò cưng của thầy Phước. Chia sẻ với chúng tôi về nghệ thuật cải lương tuồng cổ một cách đầy hào hứng, ở Tuấn toát lên một tình yêu nghề đến lạ. Tuấn cho rằng, đây là nghề và cũng là nghiệp của ông Tổ đã dành cho mình. Vì vậy, anh luôn trân trọng và đầu tư một cách bài bản, công phu để không phụ lòng tổ nghiệp.

Gặp Tuấn khi anh vừa kết thúc “show” diễn của mình, nghe anh kể về những trang phục, chúng tôi mới thấy sự nghiêm túc của anh: Chi phí may một bộ trang phục ít nhất là 25 triệu đồng. Tôi tỏ ra ngạc nhiên thì anh giải thích chỉ riêng cặp lông trĩ làm mũ đội đầu đã mất 6 triệu đồng… Nhưng trong tủ đạo cụ của anh đã có 6 - 7 bộ đồ cho các vai diễn khác nhau.

Thời gian gần đây, mỗi lần Tuấn xuất hiện ở các buổi diễn, bạn bè, đặc biệt là bạn học phổ thông, không khỏi ngạc nhiên trước sự lựa chọn của anh. Nhưng với Tuấn đó là hạnh phúc, hạnh phúc khi chọn đúng con đường để đi và sống trọn vẹn với nghề mình yêu thích.

 SONG ANH

Chia sẻ