| 24-07-2012 | 00:00:00

Trao tặng kỷ vật liên quan đến Bác Hồ

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, đằng sau mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động nối quá khứ với hiện tại. Đó là quyển thơ giấy đã ngả màu, chiếc áo trấn thủ đã cũ sờn sương gió, là cuốn sổ tay ố vàng dấu vết của thời gian… Dường như mỗi kỷ vật lại kể những câu chuyện của đời mình, vượt cả thời gian.

  NSƯT Trần Thị Tuyết (bên phải) trao tặng các kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM.    Cô thợ thêu với giọng oanh vàng

Đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định tận tay trao tặng các hiện vật, vậy nhưng vừa cầm biên bản giao nhận từ Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, NSƯT Trần Thị Tuyết lại bật khóc. Những kỷ vật thiêng liêng ấy đã gắn bó với bà, là niềm vinh dự, là sức mạnh động viên mỗi khi gặp khốn khó. Ngày mang hiện vật đến bảo tàng, bà cứ mân mê, hết cầm lên lại đặt xuống từng món một: mấy tấm ảnh gốc bà được chụp với Bác Hồ, quyển lịch bỏ túi có lời đề tặng được Bác Hồ tặng năm 1969, hai quyển thơ Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm được Bác tặng cùng một tập thơ chép tay mà bà đã cặm cụi chép sau ngày Bác mất.

Là con gái của đào nương Nguyễn Thị Phúc, nghệ nhân ca trù nổi tiếng đất Hà thành nhưng bà Tuyết không được mẹ truyền dạy. Những năm 1957 - 1958, bà Phúc làm cộng tác viên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Một hôm ông Hoàng Tấn, người tổ chức chương trình Đài TNVN hỏi chuyện gia đình, nghệ sĩ Phúc bảo: “Mấy đứa con nhưng tôi cho chúng ra làm công việc ngoài hết rồi, không đứa nào theo nghiệp. Có đứa con gái ở nhà thêu thùa may vá nhưng thấy nó cứ nghêu ngao ngâm thơ, ca hát suốt ngày”. Ông Tấn bảo bà hôm sau đưa con gái vào thử giọng. Cầm đoạn thơ ông Tấn đưa, Tuyết đánh liều ngâm vài dòng. Vừa dứt lời, ông Tấn vỗ tay oang oang: “Tuyệt vời, như thế là hay lắm rồi. Từ mai cô Tuyết vào làm cộng tác cho đài nhé”… Cả bà Phúc và Tuyết không ngờ rằng, cái duyên tiền định đã gắn một cô thợ thêu vào những vần thơ đêm đầy sâu lắng. Thế từ một thợ thêu quanh năm chỉ biết làm bạn với kim chỉ, vải vóc, Tuyết trở thành giọng ngâm thơ nổi tiếng, hay nhất thời đó.

    Tên Người là cả một miền thơ

Tiếng thơ của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết trên làn sóng Đài TNVN đến tai Bác. Bác gọi bà vào ngâm thơ. Lần đầu tiên được gặp Bác, Tuyết cảm giác đan xen giữa hạnh phúc, hồi hộp và run không thể tả. “Cháu đến rồi đấy à? Chờ Bác có lâu không?”. Giọng Người ôn tồn, thân tình và bình dị khiến Tuyết như cảm giác đang được trò chuyện với người ông, người cha của mình. “Tôi không ngờ được, Bác còn biết cả chuyện tôi có đứa con bị bại liệt. Bác hỏi con tôi đã khỏe chưa và căn dặn tôi dù thế nào cũng phải cho cháu đi học để sau này còn làm người có ích cho xã hội, tàn nhưng không phế! Lời của Bác từng câu từng chữ đến bây giờ tôi vẫn nhớ”, bà Tuyết kể lại.

Lần đó, Tuyết ngâm những bài thơ trong cuốn Nhật ký trong tù cho Bác Hồ nghe. Ngâm xong, Bác cho cô đi xem phim cùng các anh chị em trong Phủ Chủ tịch. Bác chia kẹo cho từng người. Đến lượt Tuyết Bác chia 5 cái kẹo vì nhà có 5 người. Một mẹ già, hai vợ chồng và 2 đứa con. Bà tâm sự: “Từ lần được gặp Bác Hồ, tinh thần tôi rạng rỡ hẳn ra. Giọng của Người cứ âm vang trong trái tim tôi, thúc giục tôi phải làm việc tốt hơn nữa để cống hiến cho đất nước. Tình thương của Bác thật bao la, bận trăm công ngàn việc như vậy Bác còn quan tâm đến tôi quả thật hạnh phúc không gì bằng”. Trước khi về, Tuyết còn được món quà đầu tiên của Người: một cuốn sổ tay Bác tặng để ghi chép công tác.

Sống và làm việc theo lời Bác dặn, Tuyết không sợ hiểm nguy, gian khổ. Bà theo đoàn dân công ra tiền tuyến ngâm thơ cho bộ đội nghe. Từ mặt trận Nghệ An đến chiến trường Bình Trị Thiên, bà và đồng nghiệp tới tận vùng căn cứ ác liệt nhất, những đơn vị đóng quân tận rừng già của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tiếng thơ của bà đã át đi tiếng bom đạn, khích lệ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ.

Đầu năm 1969, bà Tuyết được Bác tặng một quyển lịch bỏ túi, trang đầu có lời đề tặng viết tay: “Học tập tốt, phấn đấu tốt. Chú ý nên luyện thanh. Góp sức đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Bà bồi hồi: “Năm đó cũng là năm tôi ít được gặp Bác nhất vì sức khỏe Bác đã yếu. Khi bác Vũ Kỳ đưa tôi vào thăm thì Bác phải nằm nghỉ trên giường, không bảo tôi đọc báo hay ngâm thơ như mọi lần. Tuy rất mệt nhưng Bác vẫn hỏi thăm, dặn tôi phải giữ sức khỏe, chăm chỉ luyện thanh”.

Theo SGGP

Chia sẻ