Từ đồng cảm đến bài học
Kim đồng hồ điểm 20 giờ 30 phút, khách trong quán thưa dần.
Trước cổng quán, chiếc xe máy đã cũ của một thanh niên dừng vội, anh ta bước
vào và đến từng bàn ăn mời khách mua những túi trái cây ướp lạnh. Sau khi bán
cho một thực khách, trên nét mặt anh thể hiện niềm vui rõ mồn một, anh đã cảm
ơn khách rồi nhanh chân lên xe đi bán tiếp tục. Người đàn ông khoảng 50 tuổi dẫn
chiếc xe đạp từ từ vào quán cùng một người thanh niên bị tật, chống nạng từng
bước khập khiễng mời khách mua vé số, rồi hai người họ cũng quay lưng đi sau những
cái lắc đầu. 21 giờ, gia đình tôi chuẩn bị rời khỏi quán để về nhà, nghe
tiếng rao của người bán bắp nấu, tôi đã mua một trái vì đây là “sở trường” của
con bé nhà tôi. Người phụ nữ bán bắp nói: Đây là bắp nhà trồng nên ăn rất dẻo, mềm
nên mấy đứa nhỏ rất thích. Con của tôi cũng vậy”. Cùng là phụ nữ nên tôi đã tiếp
chuyện chị đôi lời. Chị bảo: “Giờ phải về cho kịp vì nhà còn cách xa cả chục
cây số”. Chị đi, tôi đã tự nhủ: Có lẽ nghị lực cuộc sống, tình yêu thương gia
đình chính là động lực để đôi chân của chị mỗi ngày đi - về trên chiếc xe đạp
hơn 20 cây số dài… Vào thời gian này, nhiều gia đình đang sum họp, nghỉ ngơi
thì họ còn phải lao động vất vả. Họ buôn bán cả ngày cũng chỉ kiếm lời không
hơn 100.000 đồng, thậm chí có người chỉ có vài chục ngàn đồng… Hình ảnh của họ
khiến tôi phải nhìn lại cuộc sống quanh ta vẫn còn nhiều người khó khăn, nghĩ lại
bản thân mình đôi lúc tiêu xài chưa cân nhắc. Họ đã cho tôi bài học nghị lực vượt
khó, biết trân trọng những gì mình có và cần biết chi tiêu đúng mực, tiết kiệm
trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả leo thang… NHƯ Ý