| 07-05-2019 | 09:12:45

Tự hào truyền thống vẻ vang – Bài 2

Bài 2: Công tác tư tưởng là then chốt

Trong 21 năm (1954-1975) trui rèn, chiến đấu trong lò lửa chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành tuyên huấn của tỉnh Thủ Dầu Một luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhưng họ - những người làm công tác tuyên huấn đã cống hiến trọn vẹn công sức, tâm trí và cả máu xương để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác chính trị, tư tưởng, góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân địa phương.


Ông Nguyễn Xuân Dũng
(trái) và Hà Quốc Chiến cùng ôn lại những kỷ niệm làm công tác tuyên huấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ

Giữ vững nguyên tắc

Cơn mưa trái mùa làm dịu đi cái nắng gay gắt đến ngột ngạt của những ngày tháng 5. Bên tách trà, tôi được nghe nhiều chuyện kể về ngành tuyên huấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ từ những cán bộ tuyên huấn “gạo cội” một thời như ông Hà Quốc Chiến ở Tiểu ban Khoa giáo, ông Nguyễn Xuân Dũng ở Tiểu ban Giáo dục…

Câu chuyện bắt đầu từ sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Lúc này, đồng bào miền Nam nói chung, nhân dân Thủ Dầu Một nói riêng phải bước vào cuộc kháng chiến với những khó khăn, thử thách mới. Chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện nhiều âm mưu thâm độc như “Tố cộng”, “Diệt cộng”, bắt bớ, trả thù những người kháng chiến và nhân dân yêu nước ở miền Nam. Trong bối cảnh đó, đến cuối tháng 7-1954, cơ quan tuyên huấn Đảng và thông tin tuyên truyền gần 50 người đã thu gọn lại còn trên dưới 10 người với tên gọi Ban Tuyên huấn đóng tại Bàu Xuân (xã Thanh Lâm, huyện Tân Uyên). Nhiệm vụ của ban lúc này là chôn giấu hết máy in chữ và tất cả dụng cụ nhà in nặng khoảng 1 tấn. Những dụng cụ được giữ lại để làm việc chỉ còn lại giấy mực, một máy in giấy sáp quay tay do anh em tự đóng và một máy đánh chữ để in văn bản Hiệp định Giơnevơ chuyển đến các Đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh. Vì đó là cơ sở pháp lý duy nhất mà quần chúng dựa vào để đấu tranh đòi hiệp thương Tổng tuyển cử, đòi quyền dân chủ, dân sinh, chống khủng bố, chống trả thù những người kháng chiến cũ… Hạn chế tối đa điều kiện hoạt động nhưng nào có yên, chỉ một tháng sau (cuối tháng 8-1954), cơ quan từ Bàu Xuân phải dời về Cây Chanh gần bờ nam sông Bé và chỉ non một tuần sau, cơ quan lại tiếp tục di chuyển đến Mã Đà vì sự càn bố của địch. Đến đầu tháng 10-1954, Ban Tuyên huấn tiếp tục dời về Suối Linh.

Năm 1968 là năm tổn thất nặng nề nhất của Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một với 21 cán bộ, nhân viên hy sinh; trong đó có 1 trưởng ban là phân khu ủy viên, 2 phó trưởng ban, 1 phó trưởng tiểu ban giáo dục, 4 diễn viên văn công, 5 cán bộ chiếu bóng, 2 cán bộ thông tấn báo chí… Có trường hợp, 4 đồng chí hy sinh cùng một lúc vì bom B.52...

Trong giai đoạn lịch sử này, đấu tranh chính trị là phương pháp duy nhất. Vì vậy, tất cả cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nguyên tắc bí mật, việc ai làm, ở đâu chỉ người đó và người phụ trách trực tiếp biết. Việc ăn ở, đi lại phải “quần chúng hóa” triệt để, chỉ quan hệ với những người trực tiếp công tác với mình. Những lúc học tập phải cố gắng nghe và cố nhớ, tuyệt đối không ghi chép. Việc truyền đạt vấn đề gì cho người khác chỉ bằng miệng, bằng trí nhớ của mình để cán bộ lỡ có lọt vào tay địch thì địch không có được tài liệu của ta. Cán bộ tuyên huấn phải kiêm cả công tác tổ chức và ai cũng phải thuộc “5 bước công tác cách mạng” (điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh) để hướng dẫn cho cán bộ tuyến dưới, nhất là cán bộ cơ sở, nắm chắc và thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản các bước vận động cách mạng trong quần chúng.

Lúc này, mỗi đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải xây dựng cho mình một hệ thống bí mật gồm nòng cốt, tích cực và cảm tình. Đây là một hệ thống xâu chuỗi như các rẽquạt. Mỗi hệ thống bí mật bao gồm từ 2 - 4 nòng cốt; mỗi nòng cốt có 2 - 4 tích cực; mỗi tích cực nắm từ 2 - 4 cảm tình. Vì thế, trước những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, các hệ thống bí mật này vẫn rỉ tai hàng ngày cho nhau về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân quyết tâm kháng chiến, vượt qua gian khổ ác liệt để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành tuyên huấn đã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, chống bắt những người kháng chiến cũ, chống bắt lính. Ban Tuyên huấn cũng đã biên tập tin tức đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và một số địa phương khác ở Nam bộ kèm theo những bài bình luận ngắn vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hành động can thiệp của Mỹ và tập đoàn tay sai phản động bán nước.

Đối đầu trực tiếp

Giai đoạn từ năm 1965 trở đi, cách mạng ta đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai, vì vậy công tác tuyên huấn cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Ông Nguyễn Xuân Dũng tự hào cho biết ngành tuyên huấn, trong tay không có tấc sắt, không có phương tiện thông tin tuyên truyền, chỉ có bằng tuyên truyền miệng. Cấp ủy, đảng viên, vừa giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng, củng cố tổ chức cho chính mình góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh, vừa lãnh đạo quần chúng; lấy giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm vũ khí đấu tranh với kẻ thù, đấu tranh với các thế lực phản động trong tay có đầy đủ công cụ cai trị, phương tiện đàn áp. Niềm tin vào Đảng, niềm tin tất thắng đã từng bước thắng kẻ thù.

Với những cống hiến về sức lực, trí tuệ, xương máu của cán bộ, ngành tuyên huấn đã góp phần cùng với các lực lượng khác, cùng với nhân dân tỉnh nhà, nhân dân miền Nam đánh thắng được các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến dịch Mậu Thân 1968, động viên quân và dân toàn tỉnh “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng tỉnh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Có vinh quang nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tự hào trước những chiến công đạt được thì cán bộ ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một cũng ngậm ngùi trước sự hy sinh của các đồng chí, đồng đội của mình. Đặc biệt, giai đoạn 1967-1971, địch thay đổi chiến thuật, dùng lực lượng nhỏ lẻ, tung biệt kích đánh sâu vào vùng rừng núi, gài mìn, phong tỏa gắt gao các ấp chiến lược, do đó lực lượng của ta bị đói cơm, thiếu muối, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu cần thiết cho cuộc sống nên thời gian này, số cán bộ, nhân viên tuyên huấn bị thương vong nhiều nhất.

Có thể chưa đầy đủ, nhưng hơn 100 đồng chí, đồng nghiệp đã ngã xuống vì độc lập, vì tự do, thống nhất đất nước. Mặc dù phải trải qua những tháng năm cực kỳ gian khổ và ác liệt, đối đầu với những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù, dưới mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật thiếu thuốc điều trị nhưng người cán bộ làm công tác tuyên huấn Thủ Dầu Một luôn nêu cao tinh thần cách mạng, chấp nhận hy sinh, vượt qua tất cả, cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi cuối cùng, góp phần đem lại hòa bình, tự do về cho quê hương, đất nước. Họ là tấm gương sáng để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của ngành tuyên huấn mà Đảng và nhân dân giao phó. (còn tiếp)

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành tuyên huấn đã tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, chống bắt những người kháng chiến cũ, chống bắt lính. Ban Tuyên huấn cũng đã biên tập tin tức đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và một số địa phương khác ở Nam bộ kèm theo những bài bình luận ngắn vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hành động can thiệp của Mỹ và tập đoàn tay sai phản động bán nước.

THU THẢO

 

Chia sẻ