Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau 3 ngày diễn ra, lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần II năm 2019 đã kết thúc tốt đẹp. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, về phương hướng phát triển loại hình du lịch dã ngoại kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn sông nước trên địa bàn thị xã.
- Thưa ông, sau lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần II năm 2019, TX.Tân Uyên có giải pháp gì để phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trên địa bàn?
- Từ thành công của lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần này, TX.Tân Uyên định hướng phát triển du lịch xanh, phát triển xã Bạch Đằng trở thành điểm đến du lịch trong tương lai, kết nối với các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh và các địa phương khu vực sông Đồng Nai.
Theo đó, thị xã sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc gia kèm với các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ được lượng khách lớn; cùng với đó là xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng đường giao thông, phòng trưng bày, điểm dừng chân, bãi đỗ xe… Bên cạnh đó, thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan định hướng xây dựng các nhà hàng, quán ăn có những món ăn truyền thống của người dân Nam bộ nói chung, những món ăn đặc trưng của Tân Uyên nói riêng để xây dựng thương hiệu gắn với các dịch vụ ăn uống; đồng thời đầu tư các dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm tại các khu, điểm di tích lịch sử trên địa bàn.
Khách mua sắm tại một gian hàng tham gia lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần II năm 2019. Ảnh: TIỂU MY
- Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn đã và đang được TX.Tân Uyên thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đảng bộ và chính quyền TX.Tân Uyên luôn xác định vai trò, tầm quan trọng của việc thu hút, duy trì đầu tư lâu dài vào lĩnh vực du lịch của thị xã; thu hút và giữ chân các nhà đầu tư đến thị xã là giải pháp tiên quyết trong 4 nhóm giải pháp thị xã đưa ra để phát triển du lịch thị xã (gồm quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch, xã hội hóa phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực thực hiện du lịch).
Việc xã hội hóa mời gọi nhà đầu tư đến đầu tư vào dịch vụ du lịch tại thị xã sẽ góp phần quan trọng vào phát triển cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ du lịch trên địa bàn. Thị xã đã, đang và sẽ tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư lâu dài trên địa bàn thị xã.
- Được biết, TX.Tân Uyên đã hoàn tất dự thảo đề án về phát triển du lịch sinh thái của địa phương. Xin ông cho biết một vài nét về đề án này?
- Thị xã đã hoàn tất dự thảo kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn TX.Tân Uyên giai đoạn năm 2018-2020. Theo đó, thị xã phấn đấu đến năm 2020 phục vụ trên 40.000 lượt khách tham quan, du lịch; tạo nhiều việc làm cho người dân khu vực có các khu, điểm phát triển du lịch; phát triển du lịch thị xã trên cơ sở khai thác các tiềm năng lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và các sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn. Đặc biệt, thị xã chú trọng đến những lợi thế tiềm năng về vị trí địa lý đường ven sông trên địa bàn.
Kế hoạch đề ra 3 nội dung thực hiện, đó là: Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; du lịch dã ngoại ven sông Đồng Nai; du lịch sinh thái tại xã Bạch Đằng, xã Thạnh Hội. Kế hoạch này cũng đề ra các giải pháp chủ yếu, gồm kết nối các sản phẩm du lịch. Theo đó, thị xã tập trung kết nối trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, hoa, cây kiểng tại các điểm dừng chân, khu du lịch nghỉ dưỡng; kết nối các đơn vị lữ hành trong và ngoài thị xã; kết nối tuyến du lịch ven sông Đông Nai. Thị xã cũng xây ựng các tour du lịch sinh thái, tham quan kết nối với các điểm di tích lịch sử - văn hóa và các đình, chùa, miếu trên địa bàn thị xã, các cơ sở sản xuất thủ công, tham quan và mua nông sản tại vườn rau sạch xã Thạnh Hội…
Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể là thị xã hỗ trợ xã Bạch Đằng khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch xanh, du lịch hộ gia đình; hỗ trợ các hộ nông dân quảng bá, giới thiệu nông sản trưng bày, tiếp cận thị trường phát triển du lịch; định hướng tập trung sản phẩm du lịch vùng miền, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch (xã Bạch Đằng, xã Thạnh Hội)... Cùng với đó là giải pháp xã hội hóa phát triển du lịch, theo đó mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ phát triển du lịch. Giải pháp tiếp theo là phát triển đội ngũ phát triển du lịch. Cụ thể là thị xã duy trì và phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử - cải lương trên địa bàn thị xã, gắn sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ này với các tour du lịch, giao lưu phục vụ du khách tại các khu, điểm tham quan.
- Thực hiện đề án này, địa phương sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- TX.Tân Uyên có điều kiện thuận lợi về thiên nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái, cụ thể là có sông Đồng Nai chảy qua nhiều xã, phường, tạo thành môi trường sinh thái cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dã ngoại của du khách. Đặc biệt, cù lao Bạch Đằng nổi tiếng với những vườn bưởi đặc sản đã tạo được thương hiệu uy tín; cù lao Thạnh Hội với di tích cấp quốc gia - di tích khảo cổ học Cù Lao Rùa và những cánh đồng lúa xanh mát, vườn rau sạch thuận lợi để phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao và phát triển các vùng chuyên canh theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã còn có 9 di tích được xếp hạng, hàng năm thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TX.Tân Uyên được tỉnh chọn là nơi phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Theo đó, thị xã chọn 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng với các điểm tham quan như di tích cấp quốc gia Cù Lao Rùa, vườn bưởi Bạch Đằng, di tích Đình Tân Trạch, di tích Nhà cổ Đỗ Cao Thứa, Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi…
Bên cạnh những thuận lợi, trong phát triển lĩnh vực du lịch, TX.Tân Uyên vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể là việc phối hợp, mời gọi các công ty du lịch để phát triển các tour đường sông từ TP.Hồ Chí Minh về thị xã; công tác quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn chưa được triển khai toàn diện, chưa thu hút nhiều đơn vị, người dân tham gia. Bên cạnh đó, công tác mời gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như các bến thuyền, nhà hàng, khách sạn của thị xã còn nhiều khó khăn; công tác phát triển đội ngũ để phát triển du lịch cần nhiều thời gian, đầu tư lâu dài… Hiện thị xã đang tập trung xử lý tốt những khó khăn này để dự án đạt được kết quả tốt đẹp.
- Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)