| 29-01-2016 | 09:31:47

Viết về những người mẹ kiên trung: Chúng con gửi đến mẹ nén hương thành kính

 Có được độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay bao thế hệ đã phải nằm xuống. Họ, những người nông dân chân lấm, tay bùn đứng lên đánh đuổi quân thù như một điều tất yếu. Không một chút do dự, sợ sệt xả thân mình để giành lại sự bình yên cho quê hương. Và những bà mẹ Việt Nam cũng đã kiên trung, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Với mẹ Nguyễn Thị Cơi, ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, câu chuyện của mẹ cũng khiến cho chúng tôi tự hào khi nói về mẹ… 

Có lẽ chúng tôi là những người của thế hệ hậu sinh may mắn khi có dịp tiếp xúc, trò chuyện cùng các mẹ Việt Nam anh hùng. Qua chuyện trò cùng các mẹ, chúng tôi có thêm tư liệu, thêm nhiều thông tin cho những vùng đất vốn rất ác liệt của chiến tranh. Qua các câu chuyện chúng tôi nhận ra một điều, mẹ nào cũng nói “Những việc làm của mẹ là điều cần làm, bởi không có gì quý hơn độc lập, tự do…”. Câu nói của các mẹ nghe có vẻ thường tình nhưng với chúng tôi, đó là sự hy sinh vô bờ bến. Sự gan dạ, dũng cảm của các mẹ đã một lần nữa nhắc nhở chúng tôi, nhắc nhở thế hệ trẻ hãy trân trọng hòa bình, độc lập này mà ra sức học tập, gìn giữ nó.

Chị Trần Thị Lệ thắp nhang cho mẹ Cơi

Bức hình chân dung của mẹ Cơi lần này chúng tôi thực hiện đã không trọn vẹn bởi mẹ đã về với chồng, con từ 3 tháng nay. Thế nhưng, chúng tôi vẫn muốn đến để thắp cho mẹ nén hương thành kính nhất. Chúng tôi thầm báo với mẹ danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vừa được Chủ tịch nước phong tặng cho mẹ, mong mẹ yên lòng nơi chín suối, chúng con rất tự hào về mẹ.

Qua lời kể của chị Trần Thị Lệ, người con út của mẹ Cơi, cho đến ngày nhắm mắt, xuôi tay ở tuổi 88 mẹ vẫn không oán trách, mà vẫn luôn tự hào về những cống hiến của gia đình cho Tổ quốc. Và trong cuộc chiến, chồng và con mẹ đã anh dũng hy sinh. Sau hòa bình, mỗi lần nhắc đến chồng, đến con mẹ chỉ thoáng buồn và kể về những kỷ niệm đẹp của họ. Chồng mẹ, ông Trần Văn Lang, sinh năm 1922, ở An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh đã giác ngộ cách mạng từ năm 14, 15 tuổi, rồi tập kết ra Bắc. Chiến tranh ác liệt ông Lang từng vào tù, ra khám và có thời gian dài ông bị tù đày Côn Đảo năm 1956 đến 1960. Sau khi ra tù, ông Lang tiếp tục hoạt động bí mật và hy sinh năm 1969 tại Nhuận Đức, Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, các con mẹ Cơi cũng đã lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương. Anh Trần Văn Cu, người con trai thứ hai của mẹ Cơi, sinh năm 1949 tham gia cách mạng cũng chỉ mới 14 tuổi. Chị Lệ nói: “Mẹ hay kể về anh hai, anh gan dạ lắm, anh là lính đặc công. Huy chương được trao nhiều lắm và mẹ cũng rất tự hào về anh, nhưng cũng hay dặn vui con mình là xanh cỏ đỏ ngực nghe con, cố gắng cẩn thận khi làm nhiệm vụ con à…”. Nhưng chiến tranh mà, lằn ranh giữa sự sống và cái chết luôn rất mong manh. Tất cả, một lòng một dạ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong một lần làm nhiệm vụ, tổ công tác của anh có 8 người. Tất cả tiếp cận bót giặc để gài trái, 4 người đi trước và không may, 4 anh đã trúng mìn của quân thù, hy sinh. Trong trận đó, anh Trần Văn Cu con của mẹ đã hóa thân vào mảnh đất quê hương, mong mang lại bình yên cho Tổ quốc.

Chồng, con đã hy sinh nhưng mẹ vẫn tiếp tục động viên những người con còn lại thà “chết vinh hơn sống nhục”. Vậy là anh ba, Trần Văn Nhàn sinh năm 1952, chị tư, Trần Thị Thu, sinh năm 1956 cũng tham gia cách mạng, cũng làm nhiệm vụ, đấu tranh cho đến ngày hòa bình, non sông trở về một mối.

Riêng mẹ, nhìn qua hồ sơ chúng tôi thấy quá tự hào và hạnh phúc. Bốn năm hoạt động cho kháng chiến chống Pháp, 13 năm kháng chiến chống Mỹ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Mẹ Cơi từng là cán bộ phụ nữ, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ… Sau giải phóng, Huân chương Kháng chiến hạng ba mà Đảng và Nhà nước trao tặng với mẹ là phần thưởng vô giá về mặt tinh thần. Tấm Huân chương mẹ dùng để nhắc nhở cháu con hãy sống cho thật ý nghĩa, trọn tình với những người đã ngã xuống vì quê hương.

Chị Trần Thị Lệ cho biết: “Mẹ là bà mẹ chịu thương, chịu khó, không oán thán mà luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng lao động, làm việc và nuôi dạy con cháu nên người. Còn với những đứa cháu, câu chuyện của bà về quê hương, biết bao gian khó đã qua đi, các cháu hãy học tập thật tốt, ra sức giữ gìn nền hòa bình này, sống xứng đáng với sự hy sinh của ông cha…”. Chị Lệ vui mừng, hay tin mẹ được công nhận danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, mẹ vui lắm, giá mà danh hiệu này đến với mẹ sớm hơn chút nữa thì hay quá. Nhưng dù sao, nơi suối vàng chắc mẹ cũng an lòng, cũng mỉm cười cùng cháu con vì sự hy sinh chung của dân tộc cho cuộc sống ấm no như hôm nay…

 SONG ANH

Chia sẻ