| 01-02-2016 | 07:57:38

Viết về những người mẹ kiên trung: Tự hào khi có mẹ!

Tự hào khi có mẹ!

 

 Những người mẹ đã nếm trải đủ mọi tủi đau và mất mát, đã gần đi hết con đường số phận, nhưng tôi vẫn tin rằng những gì các mẹ đã sống, đã hy sinh sẽ là hơi ấm mãi lan tỏa trong lòng của bao thế hệ. Lịch sử sẽ hát mãi những bài ca bất tử, bài ca về những người mẹ anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng. Trong số những người mẹ đó có mẹ Nguyễn Thị Kéo ở khu phố 2, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một.

 Mẹ Kéo kể cho chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, con gái mẹ (bên phải) những câu chuyện trong chiến tranh

 Chúng tôi đến thăm khi mẹ đang thắp cho chồng, con nén nhang tưởng nhớ. 91 tuổi, mẹ Kéo tóc bạc trắng màu khói sương. Người con gái thứ 6 của mẹ, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng kể: “Mấy hôm nay trời trở gió, mẹ kêu đau nhức khắp người. Dù tuổi đã cao, nhưng vì còn đi lại được nên mọi việc vệ sinh, ăn uống mẹ vẫn tự lo, không muốn làm phiền đến con cháu”.

Ngắm nhìn di ảnh của chồng, con, mẹ Kéo kể với tất cả tình yêu của một người vợ, người mẹ. Chồng mẹ, một cán bộ kinh tài gan dạ, mẫu mực của huyện Bến Cát. Chồng hoạt động, mẹ ở nhà vừa chăm lo con cái, vừa nuôi giấu cán bộ. Chồng mẹ bị giặc bắt, chúng dùng tất cả những thủ đoạn tra tấn tàn độc nhất để hành hạ ông. Ông đã chịu đựng, nhất định không chịu khai một lời. Sau đó, chồng mẹ bị giặc bắn chết ở gò Định Hòa (Bến Cát). Đồng đội đã bí mật đưa xác ông về chôn cất chu đáo.

Mất chồng, mẹ một mình vượt qua nỗi đau nuôi các con khôn lớn và âm thầm nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, người con gái của mẹ, chị Huỳnh Thị Hoa cũng xin thoát ly hoạt động cách mạng khi tròn 14 tuổi. Mẹ nén nước mắt, tiễn con lên đường. Sau những ngày tháng mỏi mòn, trông ngóng, cuối năm 1967 (chị Hoa tròn 20 tuổi), mẹ nhận được giấy báo tử của chị. Mọi người cho biết, chị hy sinh do địch phục kích bắn chết tại Thới Hòa (Bến Cát). Lúc này, gia đình chỉ hay tin chị hy sinh chứ không xác định được vị trí chôn cất. Đến nay, sau bao năm nhờ đồng đội, người dân ở Thới Hòa tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Huỳnh Thị Hoa.

Đôi mắt nặng trĩu nỗi buồn, mẹ nhìn lên bàn thờ chồng, con rồi trải lòng: “Mẹ hy vọng đến lúc nhắm mắt xuôi tay có thể tìm thấy hài cốt con Hoa đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ở đó, nó có bạn, được người thân thăm viếng sẽ cảm thấy đỡ lạnh lẽo”. Giờ đây, sống trong thời bình, được con cháu chăm sóc chu đáo, mẹ cảm thấy yên lòng khi sự hy sinh của chồng, con cho đất nước thanh bình, mọi người được sống trong hạnh phúc. Mẹ nói: “Mẹ thật vui khi chứng kiến sự tiến bộ, phát triển, giàu đẹp của quê hương, đất nước. Mẹ luôn gửi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo đã luôn thăm hỏi, phụng dưỡng mẹ lúc tuổi cao, sức yếu. Mẹ cũng hy vọng lớp trẻ hãy học tập cha ông, luôn sống hết mình vì quê hương, đất nước để xây dựng nơi đây thêm giàu đẹp”.

Qua những lời tâm sự đó, có thể thấy, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kéo nói riêng và các mẹ Việt Nam anh hùng nói chung luôn là hình tượng đẹp, tượng trưng sâu sắc nhất về hình tượng của Tổ quốc. Cuộc đời các mẹ chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng mẹ vẫn luôn lạc quan, yêu cuộc sống. Nghĩ về tấm gương của mẹ, mỗi một chúng ta đều “cần có một tấm lòng”, cần phải cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong công tác và trong cuộc sống.

 Xuân này mẹ vui hơn

 Chiến tranh dẫu có ác liệt, cướp đi của mẹ những người con yêu quý nhất, nhưng mẹ vẫn một lòng một dạ theo cách mạng. Bởi, với mẹ, khi nào quê hương không còn bóng quân thù, không còn tiếng bom đạn thì dân mình mới hết khổ. Với niềm tin đó, mẹ Nguyễn Thị Lang (SN 1920, ấp Phú Thứ, xã Phú An, TX.Bến Cát) đã cống hiến những gì có thể cho độc lập dân tộc.

 Mẹ Lang trò chuyện cùng các con cháu

Mẹ kể, năm 18 tuổi, mẹ kết hôn với ông Trần Văn Muộn (SN 1919) rồi theo chồng về làm dâu ở ấp Phú Thứ. Tuy vừa làm ruộng, vừa cạo mủ cao su vất vả nhưng mẹ Lang vẫn toát lên một vẻ đẹp hiền hậu của người phụ nữ Việt Nam. Những năm Nhật đảo chính Pháp, chồng mẹ không làm công tác kinh tài nữa mà tham gia kháng chiến, lập nhiều chiến công lớn, được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Mẹ ở nhà vừa nuôi con nhỏ, vừa âm thầm đào hầm nuôi giấu bộ đội và tiếp tế lương thực cho các anh.

Mẹ sinh được 3 người con (2 người con trai và 1 người con gái). Năm 1961, cả 3 người con của mẹ là anh Trần Văn Bọt (SN 1939), anh Trần Văn Bôn (SN 1942) và chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1947) đều lên đường tòng quân. Anh Bọt công tác tại đơn vị C81, được đơn vị cử đi học quân sự ở trên R (Trung ương Cục miền Nam). Sau khi học xong, anh chuyển công tác về Tiểu đoàn 306. Trong trận chiến ác liệt tại Bông Trang - Nhà Đỏ, anh Bọt đã anh dũng chiến đấu và trút hơi thở cuối cùng cùng các đồng đội trong tiểu đoàn.

Anh Bôn và chị Tuyết được tuyển vào Đoàn văn công huyện Bến Cát. Đến năm 1965, giặc Mỹ gom ấp chiến lược và thực thi nhiều trận chiến đã khiến cho Đoàn văn công huyện phải giải tán. Các thành viên của đoàn được chia lẻ cho các đơn vị bộ đội, chờ khi tình hình ổn định hoạt động trở lại. Anh Bôn được đưa về Ban kinh tài huyện Bến Cát, còn chị Tuyết trở thành bộ đội Cục Hậu cần Quân khu 7. Năm 1968, trong lúc đang đi công tác qua sông Thị Tính, đơn vị của anh Bôn bị địch phát hiện nên chúng truy đuổi đến rạch Bà Giang. Tại đây, các anh chiến đấu kiên cường và đã hy sinh. Xác anh được người dân lén chôn tại cồn đất gần đó. Sau giải phóng, hài cốt của anh được di dời về Nghĩa trang liệt sĩ Bến Cát.

Giấy báo tử của các con liên tiếp được gửi về khiến cho lòng mẹ Lang đau nhức nhối. Còn tin tức của người con gái út cũng bặt vô âm tính. Mẹ nuốt nước mắt vào trong, tự nhủ lòng phải kiên cường, các con không còn thì mẹ vẫn cống hiến cho cách mạng.

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất vẹn toàn, khắp nơi vui sống cảnh thanh bình đã phần nào khỏa lấp được những đau thương mất mát trong lòng mẹ. Sau giải phóng, chị Nguyễn Thị Tuyết sau bao năm tháng thất lạc tin tức với gia đình đã tìm về. Mẹ như có thêm một nguồn sinh khí mới. “Con gái của mẹ vẫn còn, nó đẹp và còn là y tá trưởng giỏi giang”, mẹ vui mừng kể.

Sau khi nhập ngũ vào Cục Hậu cần Quân khu 7 làm công tác thông tin được vài năm, chị được đơn vị cho đi học y tá rồi trở về làm y tá tại Cục Hậu cần Quân khu 7 với chức vụ Trung đội trưởng - y tá trưởng Trạm xá Quân khu 7. Nhờ chăm chỉ, siêng năng làm việc và không ngại khó khăn gian khổ trong công tác nên chị được khen thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì cùng nhiều huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Chiến sĩ giải phóng…

Chị Trần Thị Đẹp, cán bộ Thương binh - Xã hội xã Phú An cho biết: “Dịp này, xã đã làm hồ sơ cho 17 mẹ, trong đó có 16 mẹ được Chủ tịch nước truy tặng và 1 mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đây là niềm vinh dự không chỉ của gia đình mà còn là của địa phương. Vì thế, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” để góp phần xoa dịu những nỗi đau trong lòng các mẹ, mang đến cho các mẹ những mùa xuân thật ấm áp, nghĩa tình”.

 T.LÝ - M.HIẾU

 

Chia sẻ