Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tuy là kẻ ngoại đạo nhưng đờn ca tài tử đã ngấm vào máu thịt vì ngay từ thuở nhỏ anh đã được bố mẹ dẫn đi xem tài tử cải lương. Qua con mắt của người làm nghề, anh nhìn những người chơi tài tử đều trở nên đẹp, từ cây đàn, trang phục, bàn tay, nụ cười, ánh mắt… tất cả đều đẹp. Và như là món quà dành tặng cho bố mẹ, tặng cho những ai yêu mến bộ môn tài tử, sách ảnh “Đờn ca tài tử - lời tự tình của dân tộc, quê hương” của anh đã được ra mắt. Người chúng tôi nhắc đến là tác giả, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Bìa sách ảnh của Nguyễn Á. Từ trái sang: Nhạc sư Ba Tu, GS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo
Biết được tôi là người Bình Dương, Nguyễn Á đã nhận lời chia sẻ một số thông tin xoay quanh quyển sách anh vừa xuất bản bởi lẽ anh cũng là người gốc Bình Dương. Trong cuộc chuyện trò, tôi được anh chia sẻ: “Trước giải phóng, ông bà nội ngoại, ba má, cùng các cô, chú, dì, dượng… của tôi ở Bình Dương đã ghiền đờn ca tài tử, cải lương nên việc tôi thích món này cũng là một sự hiển nhiên. Quyển sách như một món quà dành tặng mọi người…”. Đó là cách chia sẻ nhẹ nhàng, không khoe khoang của Nguyễn Á nhưng khi cầm quyển sách trên tay chúng tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng cho thành quả mà anh đã làm được cho bộ môn tài tử.
Ròng rã trong 2 năm đến với 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận cho đến mũi Cà Mau, nơi nào có bộ môn tài tử đều có dấu chân anh để tài tử được vinh danh theo cách rất riêng của mình. Quyển sách là một bức tranh khá hoàn chỉnh để vinh danh bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử với sự xuất hiện từ những nhạc sư gần 100 tuổi đến các thế hệ kế thừa và giờ đây là những tài tử nhí tuổi chưa lên 10. “Tôi phải thừa nhận anh Á là một người cực kỳ say mê. Những tài tử không phải là người mặc trang phục đẹp lên sân khấu, cần được nổi tiếng, hay cần được báo chí săn đón… Họ là những người ở trong nghề ít nhất phải chục năm mới dám tự tin cầm lấy cây đàn. Vậy nên, đi theo họ để thực hiện được một bộ sách ảnh ghi nhận lại những cống hiến của họ phải thực sự là một người có tâm”, nghệ sĩ Hải Phượng nói về nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và tác phẩm.
Trong quá trình thực hiện bộ sách, Nguyễn Á cũng đã có những tình cảm rất riêng dành cho quê hương Bình Dương. Vì thế những người đam mê tài tử như Huy Thanh, Thu Hồng, cập đôi Phạm Ngọc Phú - Cao Thị Thắng, Kiều Mi hay Mỹ Ngọc Chi… cũng được anh đưa vào sách đầy trân trọng. “Bộ môn nghệ thuật rất tuyệt vời. Để làm được những điều như hôm nay, quả thực rất cảm ơn Nguyễn Á vì đã sưu tầm và để lại những hình ảnh mà lớp kế thừa khi nhìn vào đó sẽ thấy được, biết được cái hay của ông cha lưu lại...”, nghệ nhân ưu tú Cao Thị Thắng chia sẻ. Được đồng hành cùng Nguyễn Á trong hai cuộc triển lãm, ra mắt sách tại TP.HCM và Hà Nội, nghệ sĩ đàn tranh Mỹ Ngọc Chi chia sẻ: “Nguyễn Á thật sự là một người có tâm với bộ môn tài tử, được tiếp xúc, làm việc cùng anh, chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì mình được tôn vinh và qua việc làm của anh, chúng tôi như được tiếp thêm lửa để bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử được tiếp tục ca vang…”.
Bộ sách “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” đó là thành quả của quá trình tự làm mới bản thân, tự nâng cấp chính mình để nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Á làm được những gì cho xã hội. Trước đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã có đến 5 lần triển lãm, sách ảnh ra đời: “Họ đã sống như thế” (2008); “Tâm và tài, họ là ai?” (2012); “Nick Vujicic & Những ngày ở Việt Nam” (2013); “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam” (2014). Với tôi, mỗi quyển sách đúng nghĩa là một công trình sáng tạo đầy trân trọng, kính nể.
“Với gần 25 năm cầm máy, tôi cũng muốn gửi đến các bạn trẻ có đam mê nghề ngoài trang bị kiến thức nền về nhiếp ảnh thì cái cần hơn nữa chính là cái nền về văn hóa. Từ đó, mọi thứ qua ánh mắt đến bộ não rồi con tim các bạn sẽ thật sự làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống với lăng kính nhiếp ảnh của mình…”, Nguyễn Á tâm sự.
SONG ANH