Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 1: Thương thay phận già!
Cùng với dòng người lao động đến Bình Dương làm ăn sinh sống cũng đã có không ít những kẻ lưu manh bóc lột sức lao động của người già bằng việc “chăn dắt” họ đi ăn xin. Xâm nhập đường dây lưu manh này chúng tôi thấy những hành vi hết sức bất nhân, không thể chấp nhận được của những kẻ táng tận lương tâm.
Với số tiền kiếm được lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày, những kẻ chăn dắt người già ăn xin sống nhởn nhơ, phè phỡn dựa vào lòng thương hại của người đời và sức lao động người già, người tàn tật. Còn đối với những người già bị chăn dắt, không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà họ vẫn cam tâm, kể cả khi bị bóc lột, đánh đập tàn nhẫn và hết sức bất công.
Người phụ nữ tên Dung và 2 ông già ra khỏi nhà... rồi lên đường... ...và bắt đầu một ngày hành nghề!
Người phụ nữ và 2 ông giàKhoảng 3 tháng nay, một số người dân ở tổ 1, khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An được biết một phụ nữ tên Dung khoảng 37 tuổi, quê Thanh Hóa sống chung cùng 2 ông già hơn 70 tuổi. Căn phòng trọ của họ luôn luôn “cửa đóng, then cài” và cả 3 người đều sáng sớm đi, tối về, làm cho những người dân ở đây cảm thấy lạ và ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì hai ông già đã ở tuổi 70, quần áo luôn lấm lem, rách nát, mỗi khi ra khỏi cổng là họ run lên cùng với cây gậy ở trên tay. Còn người phụ nữ thì bảnh bao, luôn che khăn kín mặt mỗi khi ra đường và hàng ngày rất ít giao tiếp với những người xung quanh. Chị Oanh - người ở chung dãy phòng trọ này cho biết: “Ban đầu, tôi cũng chẳng để ý làm gì, nhưng từ hôm người chồng của chị này lên phòng trọ gây gổ, cãi um xùm cả xóm. Họ chửi nhau rất to tiếng và thời gian kéo dài. Họ kể tội của nhau. Lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ là họ dìu dắt nhau từ ngoài quê vào đây đi ăn xin. Khi đã làm ăn khấm khá thì họ chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ để cho tiện đường làm ăn”.
Theo những người dân ở đây, căn nhà mà người phụ nữ và 2 ông già thuê ở đây với giá 1 triệu đồng/tháng. Nhìn căn phòng trọ nói chung là rộng rãi, nhưng ở một khu vực như tổ 1, phường Bình Phước B thì giá cả không đến nỗi cao như vậy. Trong khi đó, người chủ nhà trọ lại là người ở TP.HCM nên rất ít lui tới căn nhà này. Đó chính là những lý do những người này thuê trọ để làm ăn mà ít bị người khác dòm ngó. Người dân cho biết, thường là những người này đi xin ăn từ rất sớm. Sáng khoảng 6 giờ là người phụ nữ đã chở 2 ông già đi rồi. Trưa khoảng 11 giờ đón về. Chiều khoảng 15 giờ đi cho đến 22 giờ chị phụ nữ mới chở 2 ông già về đến nhà.
Lần theo con đường ăn xin
Sau nhiều lần tìm hiểu quy luật đi về, sinh hoạt của người phụ nữ và 2 ông già ăn xin, chúng tôi quyết định lần theo để tận mắt chứng kiến cách thức hoạt động của họ. Khoảng 15 giờ ngày 10-8, chúng tôi bí mật đợi trước cổng phòng trọ của họ. Ban đầu, 2 ông già “tay gậy, tay bị” mở cổng ra ngoài trước và đứng mỗi người ngó mỗi hướng đề phòng người theo dõi. Sau đó, người phụ nữ dắt xe máy ra, khóa cổng và cả 3 người lên xe máy phóng đi thật nhanh. Ra đến đường ĐT743, người phụ nữ cho xe đi ngược chiều và chạy với tốc độ khá nhanh làm cho chúng tôi gặp không ít khó khăn khi bám theo họ. Rất may, khi đến khu vực gần ngã tư Bình Chuẩn có lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại đây nên người phụ nữ dừng xe để cho một người xuống đi bộ. Còn chị ta chở người kia lên phía trước. Ông già lọ mọ chống gậy lê từng bước qua mặt lực lượng cảnh sát giao thông. Khi đã qua một đoạn khá dài, cả 3 người lại lên xe đi tiếp hướng về đường Thủ Khoa Huân (phường Thuận Giao, TX.Thuận An).
Đến khu vực chợ Thuận Giao (nằm trong khu dân cư Thuận Giao), người phụ nữ thả một người già xuống trước, bắt đầu một buổi chiều xin ăn. Sau đó, chị tiếp tục chở ông già thứ 2 chạy quanh co qua những con đường trong khu dân cư Thuận Giao ra đến đường đi An Phú. Khi đến một chỗ chợ nhỏ họp ở ven đường, người phụ nữ thả ông già xuống và lên xe đi về nhà. Sau khi xuống xe, ông già đi bộ vào trong cổng chợ ngồi bệt xuống bậc cửa ra vào để nghỉ ngơi. Tại đây, ông già xin ăn gặp một “đồng nghiệp” nhưng ở một đường dây chăn dắt khác. Họ ngồi tâm sự với nhau khá lâu. Đến khoảng hơn 16 giờ 30 phút cũng là lúc công nhân tan ca, đi chợ mua đồ thì 2 người bắt đầu đi ăn xin. Qua quan sát của chúng tôi, những người cho tiền họ đa số là phụ nữ, có người cho 1.000 đồng, người cho 2.000 đồng, rồi cũng có người cho 10.000 đến 20.000 đồng. Cứ được khoảng 50.000 đồng là ông già lại lấy tay cuộn mớ tiền bỏ vào cái túi mang theo. Trong một buổi chiều, chúng tôi thấy có tới 5 lần ông già cuộn tiền vào túi.
Cũng tại các khu vực chợ này, chúng tôi thường thấy xuất hiện có từ 2 đến 3 người già xin ăn. Họ thường nói chuyện với nhau rất thân mật, mặc dù những người xin ăn này được 2 người phụ nữ khác nhau đưa đến chợ. Qua xâm nhập một đường dây khác do một thanh niên và một người phụ nữ chăn dắt cùng ở trọ tại khu phố Bình Phước B (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An), chúng tôi được biết 2 người chăn dắt này là vợ chồng chăn dắt 3 người già, tàn tật mỗi ngày thu lợi hàng triệu đồng. Điều làm không ít người dân bức xúc ở chỗ, hàng ngày những người già yếu, tàn tật phải đi xin ăn lê lết trên đường từ sáng sớm đến tối khuya. Trong khi đó những kẻ chăn dắt thì nhởn nhơ ở nhà ăn nhậu, đánh bài.
ĐỖ TRƯỜNG
Kỳ 2: Lật tẩy những kẻ “chăn dắt”