| 25-10-2023 | 09:36:02

Y tế dự phòng: Thay đổi để thích ứng với mô hình bệnh tật kép

Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong những năm qua, lĩnh vực y tế dự phòng của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật kép, ngành y tế tỉnh đã và đang có những thay đổi phù hợp nhằm đáp ứng với tình hình mới.

 Lực lượng y tế tỉnh phun khử khuẩn môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm

 Tròn vai dự phòng

Cùng với sự phát triển của hệ điều trị, công tác phòng bệnh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành tựu đáng trân trọng. Đến nay, Bình Dương đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS. Thống kê đến nay, Bình Dương đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về phòng chống HIV, là điểm sáng trong phòng, chống HIV, sốt rét và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Cùng với đó, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% xã, phường, thị trấn góp phần giảm ca mắc và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Số ca mắc mới Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác đã giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.836 ca mắc Covid-19, giảm 98% so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã được tỉnh quan tâm ngay từ đầu năm. Ngoài những hoạt động thường quy như truyền thông, giám sát, xử lý ổ dịch, khối dự phòng tiếp tục triển khai dự án Wolbachia tại TP.Thủ Dầu Một. Tỷ lệ ổ dịch sốt xuất huyết được xử lý đạt 100%, số ca mắc sốt xuất huyết là 1.898 ca, giảm 81% so với cùng kỳ, chỉ có 1 ca tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác có số ca mắc thấp, giảm so với cùng kỳ. Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm… cũng được ngành chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, giám sát phát hiện nguy cơ.

Đánh giá về kết quả y tế dự phòng, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Được sự quan tâm chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên người ở các tuyến. Ngành đã xây dựng nội dung tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn và cấp phát tờ rơi, áp phích cho người dân, cộng đồng; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung vào công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ngành duy trì hoạt động 3 đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh và 9 đội đáp ứng nhanh tuyến huyện. Ngành phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các biện pháp can thiệp, đánh giá hiệu quả để từng bước giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm”.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Y tế dự phòng được xem là người “gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có sự chênh lệch về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị, nông thôn; gánh nặng do các bệnh lây nhiễm vẫn ở mức cao; tình trạng khó kiểm soát các dịch bệnh mới nổi đang là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Vì vậy, y tế dự phòng chưa phát huy hết vai trò của mình, nhân lực tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân

Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, hệ thống y tế cần có những đáp ứng, thay đổi phù hợp. Theo đó, các đơn vị y tế cần tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ xét nghiệm có chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng hoạt động giám sát, chẩn đoán và phòng, chống dịch bệnh.

Hệ thống y tế cơ sở tốt sẽ là điều kiện quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nói chung và bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm y tế, nhất là những người trực tiếp tham gia ở tuyến đầu, những nơi điều kiện còn khó khăn cũng là giải pháp căn cơ để có thêm nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.

Ngành y tế nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội mới, nhưng lĩnh vực y tế dự phòng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Hoạt động y tế dự phòng chủ yếu tập trung cao vào kiểm soát bệnh truyền nhiễm, các nhiệm vụ khác ở mức thực hiện chưa được đầy đủ. Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm còn nhiều vấn đề cần quan tâm, hoạt động xét nghiệm thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của địa phương”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 KIM HÀ

Chia sẻ