Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 12-3, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hội thảo “An ninh bệnh viện - Thực trạng và giải pháp” thu hút đông đảo các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế tham dự; qua hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thừa nhận: Tình trạng mất an ninh bệnh viện hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và đến lúc báo động! Vì vậy, vấn đề này nhất thiết phải là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, không thể xem nhẹ, bỏ qua.
Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các vụ gây rối, truy sát, trộm cắp, phá hoại tài sản công ở các bệnh viện; nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng vào bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh, đe dọa tính mạng con người, gây mất trật tự an ninh, làm đình trệ hoạt động của các y, bác sĩ trong thực thi nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, gây bất an trong đời sống xã hội. Thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành “vấn nạn” gây nhức nhối cho cả cộng đồng. Mặc dù Bộ Y tế đã có các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh bệnh viện; song nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức. Hơn nữa, trong quy chế do bộ ban hành vào năm 1997 cũng chỉ đề cập chung chung “bệnh viện phải bảo đảm công tác an ninh, trật tự” nên chưa đủ mạnh để các bệnh viện quan tâm đầu tư, chú trọng làm tốt công tác này. Tình trạng mất an ninh thường xảy ra ở các bệnh viện lớn, tập trung đông bệnh nhân nên dễ phát sinh nạn trộm cắp, lừa đảo, trấn lột một cách tinh vi; thậm chí lập thành băng nhóm có tính chất hung hãn, côn đồ… đôi khi khiến cho lực lượng nhân viên bảo vệ của bệnh viện phải ngán sợ, chùn tay. Mặt khác, cũng còn tình trạng một số bác sĩ câu kết với đội ngũ “cò bệnh viện” để lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch tư, tạo cảnh bát nháo, xô bồ gây mất trật tự, an ninh hay là do tắc trách trong công việc, ứng xử không khéo khiến cho người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến bệnh viện mà đập phá, hành hung!
Nhằm khắc phục tệ trạng này, một số bệnh viện cũng tìm các giải pháp khá tích cực: Ký kết hợp đồng với một công ty bảo vệ chuyên nghiệp ứng trực ở các “điểm nóng” như phòng cấp cứu, cổng ra vào, nơi cấp phát thuốc; lập bãi giữ xe thông minh, lắp đặt camera ở các khoa, phòng, nơi xung yếu… tốn kém nhiều kinh phí. Có nơi, bệnh viện phối hợp với chính quyền địa phương để bảo đảm trật tự xung quanh khu vực; bổ sung thêm lực lượng vệ sĩ; thiết lập đường dây nóng cùng cơ quan chức năng; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình trạng an ninh trong bệnh viện. Đặc biệt, các bệnh viện ở TP.HCM tuy đã có tăng cường phối hợp cùng công an các quận, huyện nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn nạn này, do các đối tượng xấu nay có nhiều thủ đoạn rất khó lường. Xuất phát từ những bức xúc và yêu cầu trên; ngay trong ngày 14-3 vừa qua, Sở Y tế và Công an TP.HCM đã ký kết bảo đảm an toàn bệnh viện. Theo đó, quy chế phối hợp (gồm 3 chương, 13 điều) chính là cơ sở pháp lý quan trọng để công an và sở phối hợp chặt chẽ hơn; tất nhiên từng bệnh viện đều phải có nội quy, quy chế quản lý - tức là xây dựng lực lượng quản lý trong bệnh viện có hiệu quả. Có như vậy, ngành công an mới hỗ trợ tốt, kịp thời. Đây là cách làm mới, rất được các địa phương quan tâm, tham khảo vận dụng.
An toàn, an ninh bệnh viện xem ra là an ninh tập thể nên khó giải quyết nhanh trong “một sớm một chiều” nếu như không có sự chung tay của toàn xã hội. Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống khám chữa bệnh; trong đó phải xếp mục tiêu “an toàn, an ninh bệnh viện” ở vị trí ưu tiên trong chương trình cải thiện chất lượng dịch vụ y tế quả là đòi hỏi chính đáng, hợp lý.
THANH NHÀN