Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Được mọi người cảnh báo nạn “chặt, chém” ở các bến xe, nhà ga ở Hà Nội, một phụ nữ (quê ở Nam Định) đã cẩn thận hỏi giá trước khi ngồi vào một hàng nước trước cửa ga Hà Nội nhưng đến lúc tính tiền, chị vẫn không thoát khỏi “kế” của bà hàng nước. Vì khi tính tiền, bà hàng nước không chỉ lấy tiền nước khách đã gọi mà còn tính luôn tiền chỗ ngồi với lý do khách “ngồi cả nửa tiếng đồng hồ!?”. Quá bực mình nhưng vì không muốn lôi thôi ở chỗ lạ, chị phụ nữ đành móc tiền ra trả mà ấm ức trong lòng.
Cũng bị tính tiền ghế ngồi khi đi du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa), một du khách nam (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Có hỏi trước giá thì vẫn bị lừa, chặt chém. Tôi đi Sầm Sơn, uống nước dừa, bị tính giá 200 ngàn đồng/2 trái dừa. Chủ quán bảo dừa 2 trái là 100 ngàn đồng, tiền chỗ ngồi 100 ngàn đồng nữa là chẳng 200 ngàn đồng”. Khách dù tức vẫn đành bấm bụng mà thanh toán. Cùng chung cảnh ngộ, có nhiều du khách dù có cẩn thận hỏi giá trước khi ăn uống, nhưng vẫn không tránh khỏi “kế” của người bán khi họ đã muốn móc hầu bao khách bằng mọi giá. “Hỏi giá trước cũng bằng thừa. Lần trước tôi đã hỏi giá trước, 1 nhân viên nói tô phở giá 20.000 đồng, sau khi ăn xong thì nhân viên đó lẻn đi mất, người khác ra bảo tô phở giá 40.000 đồng. Tức mà không làm được gì...”, một “nạn nhân” khác đã kể như vậy.
Không chỉ tính tiền chỗ ngồi, tráo trở nâng giá mà còn nhiều chuyện đáng nói khác như phải trả tiền để được vào vườn hoa đào, hoa cải để chụp ảnh không còn là chuyện hiếm ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo nhiều du khách vườn hoa thì chủ vườn phải mất công chăm sóc, người vào chụp ảnh có thể làm hư hại, nhà vườn thu tiền cũng là lẽ thường tình. Nhưng có những hậu cảnh có chụp cả trăm, cả ngàn bức ảnh vẫn không hư hại gì, khách tham quan vẫn bị đòi tiền. Chuyện là có một vị khách đi cùng người bạn là Việt kiều từ nước Đức về chơi ra chùa Bái Đính tham quan. Bạn chị rất thích thú khi thấy những cô gái lái đò bằng chân liền reo lên: “Thật tuyệt diệu! Có thể làm một kiểu ảnh mang về Đức để khoe các đồng nghiệp”. Nhưng bạn chị vừa dứt lời thì cô lái đò liền chuyển sang lái bằng tay. “Tôi liền hỏi là liệu cô có thể lái đò bằng chân cho tôi chụp một kiểu ảnh được không. Cô ấy chưa kịp trả lời thì một cô gái trẻ ngồi trên đò này nói luôn 5 đô-la một kiểu!”, vị khách này kể một cách chua chát.
Sợ quán cóc hét giá vô tội vạ nên một chị (ngụ quận Đội Cấn, Hà Nội) luôn chọn các quán ăn có thực đơn ghi giá rõ ràng khi đi du lịch. Nhưng cảnh giác đến mấy chị này vẫn không thoát khỏi “kế” của những người buôn bán làm ăn chụp giật. Chị kể về chuyến đi Hạ Long (Quảng Ninh) nhớ đời của gia đình mình: “Ức cho đến tận bây giờ vẫn thấy cục đắng ở cổ họng. Cứ tưởng vào quán có thực đơn ghi giá rõ ràng là ăn uống thoải mái không lo chặt chém. Ai ngờ lúc tính tiền họ bảo giá đó là giá ngày thường, còn giá mùa du lịch sẽ tăng gấp đôi. Đến cái khăn ướt cũng tính 10 ngàn đồng/cái”.
Chuyện dù xảy ra ở tận Hà Nội và các tỉnh có những danh thắng du lịch nổi tiếng, nhưng cũng là những kinh nghiệm quý để chúng ta đề phòng bị “chặt, chém” khi đi du lịch. Song nó còn là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm trong công tác quản lý các điểm, các hộ kinh doanh tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là khi hiện nay lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, TX.Thuận An đang tích cực lãnh đạo và chỉ đạo việc chuẩn bị cho khai mạc Lễ hội “Lái Thiêu - Mùa trái chín” năm 2014. Đừng để tồn tại những con sâu sẽ “làm rầu nồi canh” cho ngành du lịch, như những trường hợp tại các địa phương nói trên!
VÕ HƯƠNG