| 14-05-2012 | 00:00:00

Bảo đảm an toàn cho nhà báo

Tuần qua, vụ 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị công an và dân phòng hành hung trong khi đang tác nghiệp ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xã hội; hàng ngàn lượt ý kiến đã tham gia bình luận trên các trang báo mạng, thể hiện rõ sự bất bình, phẫn nộ về hành vi này! Phần lớn các ý kiến đều đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đúng người, đúng tội với người liên quan đến vụ việc này.

Ngày 24-4, khi 2 nhà báo của VOV tác nghiệp tại khu vực cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ dân thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang thì bị một số người; trong đó có cả người mặc sắc phục công an, “không nói, không rằng” đã xông vào đánh hội đồng họ, rồi còng tay, áp giải nhà báo về huyện. Toàn bộ sự việc đánh phóng viên đã được một “nhà báo công dân” nào đó lặng lẽ ghi hình chỉ bằng cái điện thoại di động và rồi đưa lên mạng internet đoạn video clip này, thông tin đã lan nhanh và trở thành chứng cứ rành rành buộc chính quyền tỉnh Hưng Yên phải đối mặt với sự thật, có trách nhiệm giải trình. Xem ra, thời buổi phát triển công nghệ như hiện nay; quả là khó khi muốn giấu nhẹm, bưng bít thông tin cho dù chỉ là việc nhỏ. Cách hành xử vụng về, thô bạo trên của lực lượng cưỡng chế đã vi phạm đến Luật Báo chí và quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo.

Báo chí nước ta lâu nay đã cùng với Đảng, Nhà nước góp phần mình vào chủ trương xây dựng một chính quyền minh bạch “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; song thi thoảng vẫn còn đâu đó những thế lực e dè với minh bạch mà ngăn trở, đe dọa, hành hung nhà báo nhằm bưng bít thông tin. Và khi thiếu thông tin, người dân không được biết, không được bàn thì nói gì đến việc giám sát, kiểm tra. Chính vì vậy, thường dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi hành hung nhà báo, đòi hỏi pháp luật phải nghiêm trị thói hành xử côn đồ với nhà báo, khi họ không hề có khả năng kháng cự. Người dân rất quý trọng và hiểu công việc của đội ngũ những người làm báo, luôn đeo bám sự kiện thời sự chính trị - xã hội để chuyển tải thông tin đến công chúng.

Thông qua sự việc này, thiết nghĩ rất cần Quốc hội sớm xem xét, thông qua những dự luật về quyền tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thiết thực bảo vệ quyền lợi của người dân, đó là mở rộng quyền được biết các thông tin xảy ra; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt chức năng truyền thông của mình để cùng góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.

THANH NHÀN

Chia sẻ