Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Giá mủ cao su đứng ở mức thấp nhiều năm liền; bán mía giá thấp lấy đường cát trắng; nuôi bò vắt sữa đem đổ xuống cống… là thực trạng nông sản hiện nay, khiến nông dân nhiều nơi đứng ngồi không yên bởi không biết lấy đâu ra tiền để trang trải nợ nần, trong khi tết cũng đang đến rất gần. Chưa hết, rau quả đến kỳ thu hoạch không bán được phải đem đổ bỏ; thanh long, dưa hấu thì đem cho bò ăn… cũng đang là “điệp khúc” làm cho nhiều nông dân vốn đã nghèo càng nghèo thêm!
Những ngày này, hàng ngàn người trồng mía ở các huyện phía đông và đông nam tỉnh Gia Lai đang khốn khổ vì bán mía cho Nhà máy đường Bình Định nhưng không được nhận tiền mà bị ép trả bằng đường cát trắng. Điều lạ lùng là số đường nông dân nhận được buộc phải bán ngay tại nhà máy với giá thấp hơn giá thị trường, khiến họ phải chịu lỗ đơn, lỗ kép. Sản lượng thấp, giá mía thấp, cộng với khoản lỗ bán lại giá đường thấp khiến người trồng mía rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương mà vương thì nợ”!
Trước đó vào đầu tháng 1-2015, hàng chục hộ chăn nuôi bò sữa ở hai xã Tu Tra và Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung tại trạm thu mua sữa của Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối việc công ty này đưa ra hạn mức chỉ thu mua giới hạn 16 lít sữa/con bò/ngày. Cũng vì hạn mức thu mua lạ đời Dalat Milk đưa ra mà số phận hàng trăm lít sữa tươi thay vì đi vào nhà máy lại phải xuống cống rãnh ven đường! Theo nhiều nông dân nuôi bò sữa tại đây, bình quân mỗi con bò cho 20 lít sữa/ngày, con cho năng suất cao có thể đạt 35 - 40 lít sữa/ngày, trong khi Dalat Milk chỉ thu mua 16 lít sữa/con/ngày thì số lượng sữa dôi dư đành phải đổ bỏ.
Còn nhớ vào năm 2014, bà con nông dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận cũng đã “khóc đứng, khóc ngồi” khi đem dưa hấu, thanh long đổ cho bò ăn! Lỗ vì nông sản đổ bỏ chưa có phương cách khắc phục, nông dân còn lỗ vì con bò “bỗng dưng” lăn ra ốm do bị tiêu chảy vì ăn quá nhiều thanh long, dưa hấu! Tương tự, nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng không khá hơn với thời gian gần 3 năm khắc khoải chờ giá cao su nhích lên chút đỉnh để khỏi lỗ vì công cạo mủ cao hơn giá thành nông sản mang về. Nông dân các tỉnh phía Bắc cũng thê thảm bởi 1kg vải thiều vào vụ chỉ đổi được mớ rau!
Trước thực trạng giá cả nhiều loại nông sản xuống thấp, nông dân nhiều nơi đang ào ạt chuyển đổi cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hàng ngàn ha vườn cây cao su tại Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai đã bị nông dân đốn hạ để chuyển sang trồng tiêu; hàng chục ngàn ha mía tại Tây Ninh và các tỉnh Tây nguyên đang được nông dân tính toán chuyển sang trồng mì vào vụ tới. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm được nhiều nông dân rút ra là phát triển quá mức diện tích một loại cây trồng nào đó thì giá cả sẽ thấp. Đây là bài học mà rất nhiều nông dân đã phải trả bằng mồ hôi, công sức và vốn đầu tư. Do vậy, nông dân cần tỉnh táo để không chạy theo phong trào chặt cây này trồng cây khác.
Về phía chính quyền, bên cạnh việc tìm giải pháp tiêu thụ và nâng giá nông sản do nông dân làm ra, cần nhanh chóng vào cuộc giúp nông dân tránh tình trạng thêm một lần thua lỗ chỉ vì cái vòng lẩn quẩn: trồng - chặt - trồng.
LÊ QUANG