| 13-08-2022 | 05:39:09

Các địa phương ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh

Thời gian gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục gia tăng. Thực tế cho thấy, việc phòng chống SXH tại cộng đồng rất cần sự chủ động và ý thức của người dân.

Nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân

Tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, mỗi ngày, các thành viên trong Tổ vãng gia khu phố 8 đến từng hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh SXH cũng như cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Người dân được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, xử lý những vật dụng chứa nước có lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy; tất cả các dụng cụ chứa nước đều có nắp đậy để muỗi không vào đẻ trứng.

Thông qua hoạt động tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH một cách hiệu quả nhất. Chị Lê Thị Bình, cộng tác viên Tổ vãng gia khu phố 8, phường Phú Lợi cho biết: “Hạn chế không nhỏ mà chúng tôi gặp phải trong hoạt động phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn khu phố hiện nay chính là ý thức chưa cao của người dân, nhất là người dân trong các khu nhà trọ, người bán cơm, bán cá. Nhiều người dân tỏ ra thiếu hợp tác trong việc tự giác thực hiện các khuyến cáo phòng, chống bệnh, nhất là khi ngành y tế khoanh vùng xử lý ổ dịch”.

Người dân TX.Tân Uyên ra quân tổng vệ sinh môi trường, dẹp bỏ các vật dụng phế liệu đọng nước

Bình phục sức khỏe sau một thời gian điều trị bệnh SXH, bà Nguyễn Thị Bảy, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đang tích cực cùng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống nguy cơ mắc bệnh đúng theo sự tuyên truyền, tư vấn của Tổ vãng gia. Bà khẳng định bản thân và gia đình không còn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh SXH như trước mà sẽ tập thói quen thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, khai thông cống rãnh xung quanh nhà; đổ những dụng cụ chứa nước không cần thiết; thường xuyên thay nước bình hoa, chậu cảnh; đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt của gia đình và ngủ màn… để diệt loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng, truyền bệnh SXH.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết bệnh SXH liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu và các ổ bọ gậy không được xử lý. Do đó, công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng nhưng nhận thức của người dân hiện nay còn hạn chế và chưa tự giác tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch tại cộng đồng. Nhiều người dân vẫn chưa hiểu đầy đủ, cho rằng chỉ cần phun thuốc diệt muỗi là tiêu diệt được vật trung gian truyền bệnh nên phó thác toàn bộ việc phòng, chống dịch cho ngành y tế. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh SXH, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, như: Phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh… thì công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức để người dân dọn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, hạn chế tối đa muỗi sinh sôi, phát triển là vô cùng cần thiết.

Chung tay triệt nguồn sinh sản của muỗi

Hiện nay, dịch bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương như: TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An… Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9.437 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc bệnh SXH tăng 58,3%, tử vong tăng 12 trường hợp. Dự báo, số ca bệnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng, cùng với đó số ca nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để kéo giảm tỷ lệ ca mắc bệnh SXH, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường ở các khu phố, ấp.

Tại TX.Tân Uyên từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 1.982 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 4 ca tử vong. Toàn thị xã phát hiện 78 ổ dịch lưu hành trên địa bàn và đã tiến hành xử lý các ổ dịch, đạt 100% ổ dịch được phát hiện. Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn diễn biến phức tạp, TX.Tân Uyên đã tiến hành triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng. Chiến dịch được chia làm 2 đợt, thu hút trên 1.600 người tham dự. Tại buổi ra quân, các cán bộ, đảng viên kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống thoát nước, lấp ao tù nước đọng, dẹp bỏ các vật dụng phế liệu đọng nước sau mưa, không xả rác nơi công cộng, kênh, rạch, cống thoát nước, hố ga, miệng cống, tăng cường mảng xanh xung quanh khu vực sinh sống…”.

Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, TP.Dĩ An cũng đã ghi nhận hơn 1.578 trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trước nguy cơ dịch bệnh SXH diễn tiến phức tạp, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh SXH. Vừa qua, 7 phường của thành phố đã đồng loạt ra quân tuyên truyền tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phòng chống bệnh SXH. Trong đợt ra quân tại phường Tân Bình, toàn phường đã huy động hơn 1.000 cán bộ khu phố, đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường. Các cán bộ khu phố và người dân đã tiến hành vệ sinh, phát quang, dọn dẹp tất cả các tuyến đường ao tù nước đọng và khu nhà trọ địa bàn toàn phường. 

‘‘ Người dân hàng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Người dân nếu bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà”.
(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)

HOÀNG LINH

Chia sẻ