| 04-05-2013 | 00:00:00

Cần mạnh tay hơn với du lịch “chặt chém”!

 Một cuốc xích lô 5km lấy hơn 1 triệu đồng mặc dù đã thỏa thuận trước. Đội cái nón lá, quàng đôi quang gánh lên cho du khách chụp phô hình làm kỷ niệm và bán thêm 3 trái dưa hấu lại “cắt cổ” du khách gần cả triệu đồng. 2 vụ việc mới nhất vừa nêu lại xảy ra ngay giữa đất thủ đô, nơi mà người dân luôn tự hào là văn minh, lịch sự! Hỡi ôi, lịch sự ở đâu chưa thấy, chỉ thấy du khách ngoại quốc được một phen hú hồn bởi sự ứng xử vô văn hóa mà thôi.

Tưởng chỉ có khách ngoại lạ đất, lạ người mới bị “chém” đẹp, cái “văn hóa chặt chém” cũng không tha ngay cả người Việt. Chưa hết bức xúc trước việc một quán ăn tại Vũng Tàu tính một bữa ăn của 5 người khách đến từ TP.Hồ Chí Minh hết 16,2 triệu đồng, đắt gấp 4 lần theo bảng giá niêm yết của các loại hải sản thì lại nghe chuyện chặt chém tiếp diễn ở Khánh Hòa. Ở đây lại có kiểu “móc túi” khá mới, đó là tính tiền luôn chỗ khách ngồi ăn hết… 500.000 đồng, quả là những chiêu trò đố khách du lịch nào lường trước được.

Chuyện ở Hà Nội nghe đâu đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đến tận khách sạn để xin lỗi du khách và hoàn trả lại tiền cho 3 vị khách đến từ nước Úc xa xôi. Anh chàng chạy xích lô tham lam cũng bị công an mời làm việc. Chuyện tại Vũng Tàu cũng đã được xử lý nhanh gọn bằng cách phạt chủ quán ăn 20 triệu đồng và buộc phải trả tiền lại cho khách đi kèm lời xin lỗi. Nghe những thông tin trên hẳn những ai quan tâm đến ngành du lịch Việt Nam đều có chút vui lòng. Nhưng chắc chắn niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều hơn, bởi có được mấy người khách du lịch được xin lỗi, được trả lại tiền khi có chuyện xảy ra.

Để du lịch Việt Nam đẹp hơn trong mắt du khách, ngoài việc giáo dục ý thức cho công dân xứ mình, mà cụ thể là những người kinh doanh liên quan đến ngành nghề này thì rất cần những biện pháp quản lý chặt chẽ, đủ nghiêm minh, để loại bỏ những “con sâu” làm bẩn môi trường du lịch. Ý thức kinh doanh là vô cùng quan trọng, tại sao những người trong cuộc lại coi thường đến vậy. “Chặt chém” được một lần rồi mấy ai dám trở lại để có cơ hội làm ăn. Hãy học cách ứng xử của du khách người Úc khi nhận lời xin lỗi và số tiền bị “móc túi”. Bà nhờ vị cán bộ ngành du lịch chuyển trả số tiền mà người chạy xích lô xứng đáng được hưởng. Vâng, một kiểu ứng xử rất văn hóa, hãy nhận những gì xứng đáng thuộc về mình, điều đơn giản sao mà khó vậy!

 CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ