| 23-09-2024 | 12:47:44

Chế tài xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực gas còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

(BDO) Hiện nay, hoạt động sang, chiết, nạp, kinh doanh gas trái phép, giả các thương hiệu ngày càng tăng, tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng, quản lý nhà nước. Để thị trường kinh doanh gas ngày càng lành mạnh cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sang chiết, kinh doanh gas, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần phải tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, bằng cách trở thành người tiêu dùng thông minh. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Việt Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khí hóa lỏng Việt Nam - VT Gas, thành viên Chi hội Gas miền Nam về những giải pháp cụ thể trong vấn đề này.


Một trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của doanh nghiệp được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn theo quy định

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường gas hiện nay, nhất là tại vùng Đông Nam Bộ?

Ông Đàm Việt Hùng: Theo đánh giá của tôi, hiện thị trường kinh doanh gas tại vùng Đông Nam Bộ rất phức tạp. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng với nhau thì nạn chiếm dụng vỏ bình, chiết nạp “lậu” đang là vấn nạn nhức nhối chung của ngành gas. Đông Nam Bộ là khu vực có mật độ dân số cao nhất cả nước nên nhu cầu tiêu thụ gas tại đây cũng đặc biệt lớn. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực nóng về vấn nạn chiếm dụng bình gas, chiết nạp lậu, kinh doanh gas kém chất lượng. Tình trạng thu gom vỏ chai của các thương hiệu diễn ra phổ biến với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.

Hoạt động chiết nạp gas lậu để đưa ra thị trường tiêu thụ diễn ra với tần suất liên tục, số lượng lớn và ngày càng tinh vi khi chỉ cần có xe bồn, cân, cần bơm được đặt trong thùng container là có thể chiết nạp. Trên thị trường lẫn lộn giữa gas chính hãng và gas chiết nạp trái phép, gây nhiều hệ lụy, đặc biệt ảnh hưởng đến người dân sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, bình gas không được kiểm định, không được kiểm tra an toàn trước khi xuất bán.

Phóng viên: Hiện nay đã có các quy định liên quan trong lĩnh vực kinh doanh, sang chiết gas, nhưng vì sao tình trạng gas lậu, sang chiết trái phép vẫn lén lút, kể cả công khai diễn ra?

Ông Đàm Việt Hùng: Các quy định pháp luật về kinh doanh gas hiện nay khá chặt chẽ như tại Nghị định 87/2018, Nghị định 17/2020. Để được trở thành thương nhân kinh doanh hay đại lý bán gas thì các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện về PCCC, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc kinh doanh gas.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực gas còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận từ việc chiết nạp gas trái phép để bán là rất lớn, lớn hơn nhiều so với mức tiền phạt của nhà nước.



Người tiêu dùng cần tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm gas chính hãng

Phóng viên:  Với thực trạng trên thì doanh nghiệp và người tiêu dùng phải đối mặt với những nguy cơ gì, thưa ông?

Ông Đàm Việt Hùng: Trước hết, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ cháy nổ và mất an toàn. Sử dụng gas không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao do chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Các bình gas kém chất lượng có thể bị rò rỉ, gây nguy cơ cháy nổ hoặc làm hư hỏng các thiết bị sử dụng gas, như bếp gas, bình đun nước,… Những sự cố này có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu xảy ra sự cố, người tiêu dùng thường không được bảo vệ quyền lợi đầy đủ và có thể phải chịu toàn bộ thiệt hại mà không nhận được sự hỗ trợ từ nhà cung cấp.

Đối với doanh nghiệp, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, như: mất tài sản là vỏ bình; thiệt hại về tài chính, thiệt hại về uy tín, hình ảnh công ty khi thương hiệu của doanh nghiệp bị chiếm dụng, sử dụng trái phép.

Phóng viên: Để bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, Chi hội có kiến nghị, đề xuất gì để siết chặt công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này?

Ông Đàm Việt Hùng: Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần quy định thêm các chế tài đối với các hành vi vi phạm nói trên, thậm chí có thể xử lý hình sự các hành vi chiết nạp lậu và kinh doanh gas trái phép. Đây là các hành vi đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Hiện nay, các quy định xử phạt, chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, đó là lý do nạn chiếm dụng vỏ bình, chiết nạp “lậu” đang là vấn nạn nhức nhối.

Phóng viên:  Ông có thể cho biết thêm về hình thức giả mạo thương hiệu và cách gas lậu thâm nhập thị trường hiện nay?

Ông Đàm Việt Hùng: Các hình thức giả mạo được ghi nhận như: chiếm dụng vỏ bình của các hãng có thương hiệu để chiết nạp “lậu”, đóng niêm màng co để bán như hàng chính hãng; chiếm dụng vỏ của các thương hiệu khác tái chế như: cắt tai, mài vỏ, sơn in thành thương hiệu của mình để kinh doanh trái phép gây mất an toàn cao.

Khi xảy ra cháy nổ, thiệt hại lớn nhất vẫn là sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, sử dụng gas không chính hãng khi xảy ra sự cố không được bảo vệ quyền lợi, bồi thường thiệt hại.


Doanh nghiệp bức xúc vì nạn chiếm dụng vỏ bình của các hãng có thương hiệu để chiết nạp “lậu” đang diễn ra phổ biến hiện nay

Phóng viên: Là tỉnh công nghiệp, thị trường tiêu thụ gas ở Bình Dương rất lớn, Chi hội có đề xuất gì để góp phần ngăn chặn tình trạng gas “giả”?

Ông Đàm Việt Hùng: Doanh nghiệp đã nhiều lần trình báo, kiến nghị đến các cơ quan chức năng để xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm dụng, chiết nạp gas trái phép. Doanh nghiệp cũng đã gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng nói chung tại các khu vực để có thể chấm dứt tình trạng nạn gas lậu nhức nhối hiện nay. Doanh nghiệp đề xuất những vấn đề cụ thể như:

- Xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh, chiết nạp gas trái phép, thậm chí xử lý hình sự đối với các hành vi trên.

- Lập đường dây nóng để trình báo cơ quan công an, quản lý thị trường để khi doanh nghiệp hay hiệp hội có phản ánh sẽ được tiếp nhận và xử lý kịp thời.

- Với vai trò đại diện doanh nghiệp, cũng là thành viên trong Chi hội, mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sát cánh cùng bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, dẹp tệ nạn chiết nạp gas “lậu” đang nhức nhối hiện nay.

Quá nguy hiểm nếu tồn tại bãi sang chiết gas trái phép trong khu dân cư

“Qua theo dõi loạt phóng sự hoạt động sang chiết gas trái phép trên địa bàn khu phố 4, phường An Phú của Báo Bình Dương, tôi và rất nhiều người dân phường An Phú bất ngờ vì không nghĩ gần nơi mình sống lại có một điểm sang chiết gas với quy mô lớn như vậy. An Phú là địa bàn đông dân cư, việc tồn tại một điểm sang chiết gas, tập kết hàng trăm bình gas như vậy là vô cùng nguy hiểm. Hành vi xì gas ra môi trường trong điều kiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ gần đó. Tôi cho rằng việc tồn tại một bãi sang chiết gas như vậy là vô cùng nguy hiểm, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng đến tính mạng người dân khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Vì vậy, mong ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm.

Mặt khác, gia đình tôi cũng sử dụng gas trong sinh hoạt mỗi ngày, qua bài báo này, tôi thật sự lo ngại về sản phẩm gas mà mình đang dùng.

(Anh M.Đ.T, người dân khu phố 4, phường An Phú, TP. Thuận An).

NHÓM PV

Chia sẻ