| 20-09-2013 | 00:00:00

Hiệu ứng đám đông và những vấn đề về y đức

Nghề y là nghề được xã hội đặc biệt coi trọng với danh xưng là thầy. Đó là thầy thuốc. Hình ảnh của những người mang áo choàng trắng chữa bệnh cứu người luôn được nhân dân nể trọng và yêu mến, thậm chí mang ơn suốt đời. Biết bao người thầy thuốc đã lặng thầm cống hiến, hy sinh lặng lẽ với nghiệp cứu người vượt qua bệnh tật, thoát lưỡi hái của tử thần.

 Thời gian qua, những sự cố liên quan đến hoạt động nghề nghiệp tại một số bệnh viện mà báo chí phản ảnh đã làm buồn lòng những người thầy thuốc chân chính nói riêng, cả xã hội nói chung. Chỉ riêng sự cố liên quan đến sản phụ, thai nhi, trẻ sơ sinh tử vong… gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Điều đáng quan tâm là khi sự cố đau lòng xảy ra, những người thân của bệnh nhân tụ tập trước các bệnh viện la hét, gây sức ép. Người ta rất thông cảm trước những mất mát quá lớn không gì bù đắp nổi khi họ bị mất người thân có nguyên nhân từ sự thiếu “cái tâm” của người thầy thuốc (dù đôi khi đó là theo cảm nhận chủ quan của thân nhân bệnh nhân). Có thể do bức xúc trước sự ra đi đột ngột của người thân nên nhất thời họ có những hành động này, nhưng xét cho cùng thì hành động trên không thể giải quyết được gì, thậm chí đưa sự việc có thể trầm trọng thêm nếu xảy ra bạo lực, xô xát. Nếu có những vấn đề bức xúc, gia đình bệnh nhân (thân nhân bệnh nhân) nên cử đại diện đến gặp lãnh đạo bệnh viện hoặc cơ quan có liên quan nêu khiếu nại, thắc mắc…

Riêng ngành y tế cũng cần tăng cường hơn nữa y đức trong đội ngũ thầy thuốc. Với ngành y, nhất là ở các bệnh viện chỉ cần một chút sơ suất, lơ đễnh, thiếu trách nhiệm là có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Vì thế, hơn ai hết thầy thuốc phải là người có lòng nhân ái cao cả. Qua theo dõi những trường hợp sản phụ tử vong sau sinh đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong được cho là do bệnh lý. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến cái chết của các sản phụ ngoài bệnh lý, một phần có thể còn do trách nhiệm của cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia kíp trực. Đối với những ca sản phụ tử vong, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngành y, nhưng đây đó tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế cũng còn nhiều việc đáng bàn. Nhân viên y tế nhận tiền bồi dưỡng của người nhà bệnh nhân khiến cho người bệnh không được đối xử công bằng, một số trường hợp tình trạng bệnh nặng thêm do chưa được chăm sóc chu đáo. Đơn cử như trường hợp sản phụ ở TP.Long Xuyên, do nữ hộ sinh nhận tiền sản phụ khác cùng phòng, nên sản phụ này không được theo dõi tốt, là nguyên nhân góp phần dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh sau đó.

Y đức bắt nguồn từ cái tâm và lòng nhân ái. Xuất phát từ điều này, trước đây Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường thực hiện y đức trong cơ sở khám chữa bệnh. Các bệnh viện phải thực hiện tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, y đức, quy tắc ứng xử cho cán bộ y tế. Ngày 1-4-2013, Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 03/CT-BYT về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc giáo dục y đức gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cần thiết.

Người bệnh vào bệnh viện là đã gửi trọn niềm tin và sinh mạng cho thầy thuốc. Do vậy, những người thầy thuốc cần chăm sóc người bệnh chu đáo, tận tình và thấm nhuần câu: “Coi nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình”. Lương tâm và y đức của những người khoác áo blouse trắng được biểu hiện bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể như thế.

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ