Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công”, lời ca dao dẫu còn rất đỗi quen thuộc nhưng những hình ảnh về sự vất vả của nghề nông có lẽ đã không còn nhiều nữa. Với quyết tâm cao về việc đổi mới hình thức, tập quán canh tác, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã gặt hái được nhiều thành quả ngoài mong đợi.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vườn rau VietGAP tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Tăng trưởng nhờ công nghệ
Một ngày đẹp trời cuối tháng 9, chúng tôi có dịp đi về vùng quê Phú Giáo bình yên, những cánh đồng, những mảnh vườn bên những con đường ngoằn ngoèo xưa cũ nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Những người nông dân đã không còn phải suốt ngày “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, thay vào đó phần lớn những công đoạn làm việc cần nhiều sức lao động trước kia giờ đã được tự động hóa.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 160.000 ha đất trồng trọt, trong đó có 580 ha trồng trọt theo hướng hữu cơ với nhiều loại cây trồng khác nhau. Diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao 5.403 ha, tăng 2,4 lần so với năm 2016. Ngoài ra, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh cũng đang có kế hoạch chuyển đổi hướng trồng, thu hoạch và sản xuất cao su ứng dụng công nghệ cao cho 3.790 ha.
So với ngành trồng trọt, việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành chăn nuôi có phần nhỉnh hơn và cho hiệu quả tốt hơn. Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh có 142 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn lên đến 8,1 triệu con; 154 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn 517.785 con; 15 trang trại chăn nuôi vịt với tổng đàn 205.600 con. Tất cả những trang trại kể trên đều được ứng dụng công nghệ cao trong quy trình chăn nuôi, giúp giảm thiểu khối lượng công việc trong các khâu cho ăn uống, dọn dẹp vệ sinh…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những năm gần đây ngành nông nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung, hiện đại hóa, công nghệ hóa trong các chuỗi quy trình chuyên môn. Theo đó, các mô hình chăn nuôi gà và heo ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh với mức tăng tương ứng 61% và 57% so với năm 2016.
Do làm chủ được quy trình chăn nuôi chuẩn công nghệ cao và nắm rõ tình hình tăng trưởng cũng như các bệnh lý thường gặp trên vật nuôi, dù bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Cụ thể, mỗi năm ngành chăn nuôi tỉnh cung cấp cho thị trường 125.000 tấn thịt heo, 40.000 tấn thịt gia cầm, 200 triệu quả trứng …
Nông dân thế hệ @
Dạo bước trên khu vườn rộng 6 ha chuyên canh trồng sầu riêng và mít của hộ anh Đinh Ngọc Khương (xã Bình An, huyện Phú Giáo), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy mọi thứ ở đây dường như đã được tự động hóa, giảm thiểu sức lao động tay chân đến 80%. Nói về hệ thống tưới tiêu thông minh cho vườn cây ăn trái của mình, anh Khương cho biết do những năm qua thời tiết nắng hạn kéo dài, việc tưới tiêu khiến gia đình tốn quá nhiều công sức nên anh đã quyết định đầu tư hệ thống tưới phun sương thông minh với tổng chi phí 350 triệu đồng. Kể từ khi lắp đặt hệ thống tưới thông minh, vợ chồng anh đã giảm thiểu được khá nhiều thời gian, công sức, tập trung nhiều hơn cho việc hoàn thiện mô hình trang trại tổng hợp khép kín.
Lao động tại trang trại hộ anh Đinh Ngọc Khương đang phân loại trứng gà để chuẩn bị giao cho khách hàng
Sau khi vườn cây ăn trái có doanh thu ổn định, anh Khương quyết định nâng cấp trại gà truyền thống của mình lên tầm cao mới và ứng dụng công nghệ cho ăn uống, tạo độ ẩm, ánh sáng để đáp ứng điều kiện tốt nhất cho đàn gà tăng trưởng, đẻ trứng. Anh còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trại gà đẻ trứng đầu tiên có diện tích sử dụng 1.568m2 với tổng mức đầu tư ban đầu là 2,7 tỷ đồng từ đầu năm 2019. Hiện nay, gia đình anh đã có 7 trại gà đẻ, 1 nhà máy ấp gà và 10 trại gà thịt với tổng đàn lên đến 300.000 con.
Với tổng diện tích hơn 10 ha, trang trại tổng hợp của gia đình anh Khương thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người 8 triệu đồng/ tháng. Anh Khương mở mô hình chuỗi liên kết khép kín, cung cấp thức ăn, con giống và bao tiêu đầu ra cho hơn 40 trang trại với tổng số đàn lên đến 400.000 con. Ngoài ra, gia đình anh còn dành ra một phần thu nhập của mình để hỗ trợ cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ đồng bào nghèo khó trên địa bàn.
Không canh tác với diện tích lớn như hộ anh Khương, nhưng hiệu quả kinh tế lại được đánh giá khá cao đó là trang trại trồng nấm của hộ anh Huỳnh Trung Kiêng (phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên). Theo đó, chỉ với 3 trang trại trồng nấm bào ngư trên diện tích 4.200m2, gia đình anh Kiêng đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 11 lao động với mức thu nhập trung bình mỗi người từ 7,5 đến 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm giàu cho chính mình, trang trại của anh Huỳnh Trung Kiêng còn hỗ trợ chuyển giao mô hình cho 20 trang trại khác và hiện nay những hộ được chuyển giao công nghệ từ anh đều có thu nhập khá.
Những năm gần đây, ở xã vùng sâu Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng), nhiều nông hộ cũng đồn tai nhau về gương một người nông dân đi lên từ đôi bàn tay trắng, hiện đang là tỷ phú nhờ vào việc không ngừng học hỏi, làm việc quyết liệt và ứng dụng công nghệ cao vào việc chăn nuôi, trồng trọt. Người nông dân đó là anh Tống Văn Hướng, Chủ trang trại tổng hợp Phương Nam, đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Minh Hòa. Theo đó, thu nhập năm 2019 từ việc chăn nuôi, trồng cây có múi và nuôi chim yến công nghệ cao là 8 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Hướng còn chuyển giao công nghệ và hỗ trợ cho 12 xã viên thuộc HTX Minh Hòa có nguồn thu trung bình 1 tỷ đồng/năm/xã viên.
Theo ước tính của anh Hướng, so với tổng thu nhập 12 tỷ đồng của năm 2019 thì 9 tháng năm 2020 dù tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng HTX vẫn đạt mức thu nhập tăng với mức 9 tỷ đồng. Thấy rõ sự hiệu quả trong mô hình liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao của HTX Minh Hòa, hiện nay đã có thêm 3 nông hộ nộp đơn xin gia nhập HTX. Dự kiến sau khi kết nạp thêm 3 xã viên mới, tổng diện tích canh tác của HTX là 200 ha với 100% hệ thống tưới, kích ánh sáng tự động và bón phân hữu cơ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nông hộ làm kinh tế giỏi những năm gần đây đều có những đặc điểm chung là ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt; tạo việc làm cho lao động địa phương; hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho những nông hộ khác và biết chia sẻ một phần thu nhập của mình cho việc đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ đồng bào khó khăn.
ĐÌNH THẮNG